Buổi làm việc của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh và đoàn công tác Bộ Công Thương với Tỉnh uỷ, UBND tỉnh và Cục Quản lý thị trường tỉnh Hải Dương ngày 2/2/2019 là một trong những hoạt động tiếp tục chương trình kiểm tra công tác quản lý thị trường trong đợt cao điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019.
Đánh giá về tình hình thị trường tỉnh trước, trong và sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, Bí thư Tỉnh uỷ Hải Dương Nguyễn Mạnh Hiển nhận định nguồn cung ứng hàng hóa đáp ứng được nhu cầu mua sắm Tết của người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh ở mức cơ bản, tập trung chủ yếu ở một số mặt hàng thiết yếu, như: thịt lợn, thịt gà, rau củ quả, hàng hóa tiêu dùng,…
Theo ông Nguyễn Mạnh Hiển, với sự phát triển của xã hội theo xu hướng hiện đại và văn minh hơn, tư duy của người dân cũng có sự đổi mới khi không chờ đến Tết mới đổ xô vào tập trung mua sắm hàng hóa như những năm trước.
Vậy nên, Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 tuy có sự gia tăng về lượng mua sắm nhưng tại Hải Dương ghi nhận chưa đến mức tăng đột biến, hoàn toàn trong kế hoạch sản xuất và dự trữ hàng hóa của các doanh nghiệp, theo sát với dự báo về nhu cầu thị trường.
Sự chuẩn bị tốt lượng hàng hóa này cũng góp phần đảm bảo nguồn cung, không có hiện tượng tăng giá đột biến, lợi dụng khan hiếm hàng hóa giả tạo để thu lợi bất chính trên thị trường.
Thời gian tới, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương khẳng định, UBND tỉnh cùng các cơ quan chức năng khác trên địa bàn tỉnh Hải Dương sẽ tiếp tục phối hợp với lực lượng quản lý thị trường để tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường một cách sát sao, kịp thời. Tuy nhiên, để triển khai có hiệu quả vấn đề này, Cục Quản lý thị trường, dưới sự chỉ đạo của Bộ Công Thương và Tổng cục Quản lý thị trường, cần nhanh chóng hoàn thiện bộ máy tổ chức, phát huy tối đa vai trò và trách nhiệm của mình trong thời gian sớm nhất.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh chia sẻ sự ấn tượng với quá trình chuyển biến mạnh mẽ của tình Hải Dương, xuất phát từ một tỉnh nông nghiệp nhưng đã có những bước tiến mạnh mẽ theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, liên kết chặt chẽ với sự phát triển chung của cả khu vực đồng bằng Bắc bộ và các hành lang kinh tế xung quanh. Năm 2018, các chỉ tiêu của tỉnh về xuất khẩu, công nghiệp,… đều đạt và vượt kế hoạch, cho thấy những nỗ lực không ngừng nghỉ của toàn tỉnh trong thời gian qua.
Trong đó, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, công tác quản lý thị trường là một trong những vấn đề được Chính phủ đặc biệt quan tâm trong thời gian qua, đặc biệt là việc chuẩn bị hàng hóa và bình ổn thị trường dịp cao điểm Tết Nguyên đán.
Thay mặt Cục Quản lý thị trường tỉnh Hải Dương, Quyền Cục trưởng Nguyễn Thanh Hải đã có những báo cáo tóm tắt với đoàn làm việc của Bộ Công Thương về tình hình kiểm tra, kiểm soát thị trường cũng như quản lý an toàn thực phẩm, chống buôn lậu, gian lận thương mại hàng giả trên địa bàn tỉnh Hải dương dịp cao điểm Tết Nguyên đán 2019.
Năm 2018, Cục đã thực hiện kiểm tra 1.803 vụ, đạt 129% nhiệm vụ mục tiêu đầu năm. Tổng trị giá thu phạt và bán hàng tịch thu 2.251,456 triệu đồng, đạt 109% nhiệm vụ mục tiêu đầu năm. Trị giá hàng hóa vi phạm bị xử lý trên địa bàn tỉnh ước đạt trên 2 tỷ đồng.
Trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, Cục Quản lý thị trường Hải Dương đã triển khai hoạt động của 5 Đội kiểm tra liên ngành để kiểm tra tình hình thị trường trong dịp Tết, kiểm tra, xử lý 105 vụ việc, thu phạt vi phạm hành chính gần 80 triệu đồng, tịch thu nhiều hàng hóa vi phạm là hàng cấm, hàng giả, hàng quá hạn sử dụng.
Đáng chú ý, vào thời điểm tết nhu cầu tiêu thụ bia rượu tăng cao, lực lượng Quản lý thị trường tỉnh đã tăng cường công tác quản lý địa bàn, kiểm tra, kiểm soát đối với các sản phẩm rượu lưu thông trên thị trường. Đặc biệt là các loại rượu do dân tự nấu, tự pha chế, rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ, việc thực hiện các quy định của pháp luật về tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm hay việc thực hiện ghi nhãn hàng hóa, dán tem, quảng cáo đới với các sản phẩm rượu.
Đại diện Cục Quản lý thị trường tỉnh Hải Dương cũng cho biết, thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương, Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, Tổng cục Quản lý thị trường và lãnh đạo địa phương, trong suốt 10 ngày Tết Nguyên đán (từ ngày 28 tới mùng 7 âm lịch), toàn lực lượng sẽ thực hiện ứng trực 24/24 giờ với phương tiện, nhân lực tối đa. Trong đó, đặc biệt tổ chức phối hợp chặt chẽ cùng các lực lượng chức năng khác trên địa bàn để đảm bảo kiểm soát tốt nhất thị trường trong thời gian người dân đón Tết Kỷ Hợi.
Nhờ có sự tập trung chỉ đạo và phối hợp của lãnh đạo địa phương, lực lượng Quản lý thị trường Hải Dương đã xây dựng và triển khai có hiệu quả các kế hoạch nhằm đảm bảo nguồn hàng chất lượng cung ứng cho người dân trên địa bàn tỉnh dịp Tết Nguyên đán, chủ động nguồn dự trữ để huy động kịp thời, tránh xảy ra sốt hàng, sốt giá với hàng loạt các siêu thị, trung tâm thương mại lớn kết hợp cùng các chợ đầu mối vào cuộc.
“Cục Quản lý thị trường tỉnh đã phát huy được vai trò quan trọng trong việc kết hợp với Ban chỉ đạo 389 bám sát địa bàn, hài hòa lợi ích của người dân và doanh nghiệp mà vẫn đảm bảo thực hiện đúng theo pháp luật, giữ vững sự phát triển chung của nền kinh tế - xã hội tỉnh”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh biểu dương.
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh, Bộ trưởng khẳng định trong thời gian sớm nhất, Bộ Công Thương và Tổng cục Quản lý thị trường sẽ kiện toàn bộ máy quản lý thị trường nhanh chóng đi vào hoạt động có hiệu quả, đồng thời nghiên cứu để hoàn thiện cơ chế chính sách, quy phạm pháp luật để đảm bảo tạo thuận lợi cho việc phối hợp chặt chẽ, thường xuyên, kịp thời với các lực lượng chức năng trong Ban 389 cũng như Sở Công Thương.
Đặc biệt, với việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết nghị nhập 2 đơn vị hành chính cấp xã, thành lập 6 phường thuộc thị xã Chí Linh và thành lập thành phố Chí Linh thuộc tỉnh Hải Dương, lực lượng Quản lý thị trường sẽ cần tập trung, hoạt động quyết liệt hơn nữa để kiểm soát tốt thị trường thành phố Chí Linh nói riêng và tỉnh Hải Dương nói chung, góp phần vào đà tăng trưởng chung của nền kinh tế toàn tỉnh.
Ngay sau buổi làm việc tại UBND tỉnh Hải Dương, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cùng đoàn công tác Bộ Công Thương đã đến kiểm tra tình hình cung ứng hàng hóa thực tế tại chợ Thanh Bình nằm ở trung tâm thành phố Hải Dương.
Trao đổi với các tiểu thương kinh doanh nhiều loại hàng hóa trong chợ, Bộ trưởng Bộ Công Thương không chỉ hỏi thăm tình hình sản xuất, kinh doanh của các chủ quầy hàng, mà còn thẳng thắn đặt ra các câu hỏi về nguồn gốc xuất xứ của các sản phẩm được bày bán và hiệu quả thực tế của đội ngũ Ban quản lý chợ và lực lượng Quản lý thị trường.
Điểm đáng mừng là các tiểu thương đều nhận thức đầy đủ nắm rõ những quy định pháp luật liên quan đến hoạt động kinh doanh trên thị trường và vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc hàng hóa.
Bộ trưởng cũng bày tỏ sự vui mừng khi người dân và tiểu thương kinh doanh tại chợ Thanh Bình đều đánh giá cao sự sát sao, hỗ trợ kịp thời của lực lượng Quản lý thị trường tỉnh, đặc biệt trong thời gian cao điểm sát Tết Nguyên đán.
Mặc dù vậy, người đứng đầu Bộ Công Thương cũng không quên lưu ý rằng công tác quản lý thị trường không phải chỉ tập trung vào kiểm tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý vi phạm mà còn cần tập trung tăng cường tuyên truyền, phổ biến rộng rãi các nội dung liên quan đến chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả hàng nhái nói chung cũng như sản xuất, kinh doanh hàng hóa giả mạo xuất xứ nói riêng.
Đặc biệt, cần chú trọng tới việc theo dõi sát sao, hỗ trợ tối đa đối tượng tiểu thương, hộ sản xuất - kinh doanh tại các chợ và người tiêu dùng trên địa bàn khu vực nông thôn chưa phát triển để kịp thời phát hiện và xử lý các vấn đề tồn tại.