Quán triệt, triển khai nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển Vùng đồng bằng sông Hồng

Sáng 29/11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
hoi nghi
Toàn cảnh Hội nghị

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đồng chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị có các đồng Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Trung ương Đảng; lãnh đạo các ban, bộ ngành Trung ương, địa phương, cơ quan, đơn vị…

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã có bài tham luận về phát triển vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo Nghị quyết của Bộ Chính trị. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

bo truong
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên

 

Vùng Đồng bằng sông Hồng là địa bàn đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của đất nước với hạt nhân là Thủ đô Hà Nội; có vai trò là 1 trong 2 “đầu tàu” kinh tế, động lực phát triển hàng đầu của cả nước với 3 cực tăng trưởng là Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.

Những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước; các cấp, các ngành, nhất là các địa phương trong Vùng đã nhận thức ngày càng rõ hơn vai trò, vị trí, tầm quan trọng của Vùng và khai thác, phát huy khá tốt các tiềm năng, lợi thế để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế cả nước nói chung và ngành công nghiệp, thương mại nói riêng. Một số địa phương đã có sự phát triển bứt phá, trở thành điểm sáng trong Vùng và cả nước (điển hình là Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Hưng Yên…). Quy mô kinh tế Vùng tăng nhanh (chiếm 1/3 GDP cả nước); cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực với trụ cột là ngành công nghiệp và thương mại, dịch vụ; trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng mạnh và chiếm tỷ trọng ngày càng cao, góp phần đưa Việt Nam từng bước trở thành một trong những “công xưởng” của thế giới; hạ tầng thương mại phát triển khá với sự gia tăng nhanh của các loại hình thương mại hiện đại như thương mại điện tử, các siêu thị, trung tâm thương mại, dịch vụ, góp phần làm thay đổi diện mạo ngành thương mại của Vùng và cả nước.

Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành công nghiệp, thương mại trong Vùng còn những hạn chế, bất cập, như: Sản xuất công nghiệp phát triển chưa bền vững, chủ yếu phát triển theo chiều rộng, gia công, lắp ráp, giá trị gia tăng thấp, thâm dụng lao động và đất đai; tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghệ cao trong công nghiệp chế biến còn ở mức thấp và phụ thuộc nhiều vào các doanh nghiệp FDI; phân bố không gian phát triển công nghiệp chưa hợp lý và thiếu tính kết nối, chưa hình thành được các cụm liên kết ngành; dịch vụ logistics phát triển chưa mạnh, hạ tầng thương mại tuy đã được quan tâm đầu tư nhưng vẫn còn bất cập, thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng được nhu cầu của hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa ở mức phát triển cao.

Để khắc phục các hạn chế nêu trên, tiếp tục phát huy hiệu quả các tiềm năng, lợi thế vượt trội của Vùng, thúc đẩy các ngành công nghiệp và thương mại, dịch vụ phát triển nhanh và bền vững, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết của Bộ Chính trị đã đề ra, Bộ Công Thương xin đề xuất một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:

1. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thành Quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng và Quy hoạch các tỉnh, thành phố thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, bảo đảm cân bằng, bền vững, phù hợp với định hướng Quy hoạch quốc gia và các quy hoạch ngành của cả nước; trong đó cần quán triệt sâu sắc quan điểm chỉ đạo của Bộ Chính trị là“vùng động lực phát triển hàng đầu để định hướng, dẫn dắt quá trình cơ cấu lại nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng của đất nước”; từ đó, hoạch định và tổ chức thực hiện có hiệu quả các chiến lược, kế hoạch cụ thể, phù hợp; tổ chức không gian phát triển vùng hợp lý, kết nối các hành lang, vành đai kinh tế và các cực tăng trưởng gắn với vai trò đầu tàu, hạt nhân phát triển của vùng Thủ đô Hà Nội nhằm khơi thông các điểm nghẽn về hạ tầng, khắc phục hạn chế về liên kết Vùng và khai thác, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế vượt trội của cả Vùng, cũng như của từng địa phương.

2. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về xã hội hóa nguồn lực, đa dạng hóa các hình thức đầu tư để huy động tối đa nguồn nội lực, kết hợp hài hoà với ngoại lực cho đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là các công trình động lực, có tính lan tỏa, kết nối vùng nhằm tăng cường liên kết nội vùng và liên vùng. Đồng thời, chủ động tạo quỹ đất sạch và huy động các nguồn lực để đẩy nhanh xây dựng hoàn thiện hạ tầng các khu kinh tế, khu công nghiệp theo quy hoạch nhằm thúc đẩy phát triển các hành lang công nghiệp, các khu công nghiệp - dịch vụ - đô thị và khu công nghiệp công nghệ cao; hình thành các Cụm liên kết ngành và xây dựng Hệ sinh thái công nghiệp, dịch vụ ở các địa phương có lợi thế phát triển (như: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Hưng Yên) để khai thác, phát huy tốt nhất các tiềm năng, thế mạnh riêng có và vai trò “đầu tàu” của các cực tăng trưởng, tạo động lực phát triển cho toàn Vùng và cả nước.

3. Nghiên cứu, đề xuất và ban hành các cơ chế, chính sách có tính đột phá, khả thi để đẩy mạnh phát triển công nghiệp vùng theo hướng hiện đại, công nghệ cao, ít phát thải khí nhà kính, có khả năng cạnh tranh và giá trị gia tăng cao, tham gia sâu, toàn diện vào chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu. Trong đó, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ tập trung phát triển mạnh các ngành công nghiệp hiện đại, có lợi thế cạnh tranh (như: Công nghiệp chế biến, chế tạo, điện tử, công nghiệp công nghệ số, sản xuất phần mềm, trí tuệ nhân tạo, sản xuất ô tô, công nghiệp hỗ trợ) và ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp mới, công nghệ cao, có tính chất “dẫn đường” (như: Sản xuất chíp, bán dẫn, rô bốt, công nghiệp năng lượng tái tạo, vật liệu mới); đối với vùng Nam đồng bằng sông Hồng cần khuyến khích phát triển công nghiệp bảo quản, chế biến nông sản, sản xuất máy móc, thiết bị, vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp và các ngành công nghiệp hỗ trợ, năng lượng tái tạo, năng lượng sạch gắn với phát triển các khu kinh tế ven biển theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thích ứng với biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, cần chú trọng tạo lập cơ chế khuyến khích và ràng buộc để các doanh nghiệp FDI có sự lan tỏa, chia sẻ, hỗ trợ thực chất doanh nghiệp trong nước cùng phát triển bền vững; đồng thời, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước đẩy mạnh chuyển đổi số, vươn lên, đủ khả năng hấp thụ, làm chủ công nghệ hiện đại và kỹ năng quản trị tiên tiến, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và tính độc lập, tự chủ của nền công nghiệp quốc gia cũng như toàn bộ nền kinh tế đất nước.

Tập trung thu hút đầu tư phát triển mạng lưới logistics, chợ đầu mối, các trung tâm trung chuyển và kho vận hiện đại, thông minh gắn với các cảng biển, cảng hàng không và cửa khẩu ở Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh để phát huy tối đa lợi thế vùng là đầu mối giao thông, cửa ngõ chuyển tiếp giữa Vùng Thủ đô Hà Nội và Vùng trung du, Miền núi phía Bắc nhằm khơi thông nguồn hàng, tạo luồng lưu chuyển hàng hóa thông thoáng, thúc đẩy giao thương nội vùng, liên vùng và quốc tế. Tiếp tục đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử, hình thành các sàn giao dịch hàng hóa và các cụm, khu vực hội chợ triển lãm quy mô lớn; tận dụng tối đa các cơ hội của các hiệp định thương mại tự do mà nước ta đã ký kết để thu hút đầu tư, phát triển sản phẩm, xây dựng thương hiệu, đa dạng hóa thị trường và chuỗi cung ứng, đẩy mạnh xuất khẩu.

4. Chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, nhân lực phục vụ phát triển các ngành công nghiệp trọng điểm, có thế mạnh của Vùng. Tăng cường đầu tư, phát triển một số trường đại học lớn, đa ngành và trường cao đẳng nghề trọng điểm trong Vùng để nâng cao năng lực đào tạo, nghiên cứu, phát triển KHCN (nhất là các công nghệ cơ bản) và xây dựng các chương trình đào tạo đạt chuẩn khu vực và quốc tế; chú trọng đào tạo theo modul, gắn đào tạo với thực hành để hình thành đội ngũ người lao động tinh thông kiến thức, có tay nghề, kỹ năng và tính chuyên nghiệp cao, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

5. Tiếp tục đẩy mạnh, đi đầu trong cải cách hành chính, phát triển chính phủ điện tử, hướng đến xây dựng chính quyền số. Tập trung rà soát, cắt giảm mạnh mẽ các thủ tục, điều kiện đầu tư, kinh doanh không còn phù hợp. Tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực. Chú trọng nâng cao hiệu quả cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 ở tất cả các thủ tục hành chính nhằm rút ngắn thời gian và tiết giảm thực chất chi phí cho doanh nghiệp, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và lợi thế thu hút đầu tư của các địa phương trong Vùng.