Nhiều kết quả tích cực bất chấp Covid-19
Trong bối cảnh kinh tế thế giới 10 tháng đầu năm 2020 có nhiều diễn biến phức tạp, đặc biệt với sự bùng phát của đại dịch Covid-19, ngành Công Thương 14 tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ đã nỗ lực đạt dược nhiều kết quả đáng ghi nhận, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế của các tỉnh, thành phố nói riêng và ngành Công Thương Khu vực đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ nói chung.
Theo ông Phạm Quang Ngọc - Phó Bí Thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình, cùng với khu vực, 5 năm trở lại đây, Ninh Bình đã có bước chuyển đổi định hướng phát triển kinh tế, xã hội rõ ràng. Để có được kết quả như vậy, Ninh Bình nhận được sự hỗ trợ, định hướng rất lớn từ Bộ Công Thương, các Bộ ngành Trung ương và sự chia sẻ của các tỉnh thành phố.
Đặc biệt, Bộ Công Thương đã góp phần giúp Ninh Bình trong những năm vừa qua định hướng, quy hoạch, thu hút và phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh rất rõ nét như ưu tiên lĩnh vực lắp ghép, sản xuất công nghiệp ô tô, công nghiệp hỗ trợ và thực hiện tốt quy hoạch kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp.
“Sự hỗ trợ và chia sẻ từ Bộ Công Thương là động lực rất lớn hình thành và phát triển các khu, cụm công nghiệp giúp tỉnh Ninh Bình nói riêng và khu vực đồng bằng sông Hồng - Bắc Trung Bộ nói chung có môi trường đầu tư, phát triển công nghiệp bền vững”, ông Phạm Quang Ngọc nhận định.
Với việc kiểm soát tốt được dịch bệnh Covid-19, hoạt động sản xuất công nghiệp khu vực tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng. Hầu hết các tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ có chỉ số công nghiệp tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, cao nhất là Hải Phòng tăng 14,18%; Quảng Ninh tăng 7,58%; Hưng Yên tăng 7,07%; Thanh Hóa tăng 6,63%;... Một số tỉnh có chỉ số sản xuất công nghiệp giảm là Vĩnh Phúc giảm 1,63%; Bắc Ninh giảm 1,7%.
Tính chung 10 tháng năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng khu vực đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ ước đạt 1.164,6 nghìn tỷ đồng, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2019, chiếm 28,25% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.
Trong đó, Quảng Ninh tăng 9,7%; Hà Nam tăng 7,9%; Hải Phòng tăng 7,5%; Hưng Yên tăng 6,1%;… Riêng Vĩnh Phúc không tăng; Bắc Ninh giảm 7,4%.
Một số địa phương có tổng mức lưu chuyển hàng hóa và doanh thu dịch vụ chiếm tỉ trọng lớn trong khu vực là: Hà Nội ước đạt 474,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 40,75%; Hải Phòng ước đạt 117 nghìn tỷ đồng, chiếm 10,05%; Quảng Ninh ước đạt 101,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 8,72%;…
Dưới ảnh hưởng của dịch Covid-19, 10 tháng năm 2020, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa khu vực đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ ước đạt 77,38 tỷ USD, tăng 1,9% so với cùng kỳ năm 2019 và chiếm 33,75% kim ngạch xuất khẩu cả nước. Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của khu vực ước đạt 84,954 tỷ USD, tăng 2,3% so với cùng kỳ năm 2019, chiếm 40,35% kim ngạch nhập khẩu của cả nước.
Các địa phương tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa chiếm tỷ trọng lớn trong toàn khu vực là Bắc Ninh (56,86 tỷ USD), Hà Nội (36,65 tỷ USD), Hải Phòng (25,03 tỷ USD);…
Đặc biệt, công tác phát triển thị trường xuất khẩu tiếp tục đạt được những kết quả tích cực, thị trường xuất khẩu ngày càng được mở rộng, sản phẩm xuất khẩu đa dạng, nhiều sản phẩm đã dần có chỗ đứng và nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường có yêu cầu cao về chất lượng như EU, Nhật Bản, Mỹ...
Về khuyến công, kế hoạch kinh phí khuyến công năm 2020 của Khu vực đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ là 91,140 tỷ đồng, trong đó kinh phí khuyến công quốc gia là 25,678 tỷ đồng, chiếm 28,17%; kinh phí khuyến công địa phương là 65,462 tỷ đồng, chiếm 71,83%.
Đã có 5/14 tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ gồm (Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hà Nam, Ninh Bình) đã phê duyệt Chương trình Khuyến công địa phương giai đoạn 2021-2025; 2/14 tỉnh đã trình UBND tỉnh đang chờ phê duyêt (Thái Bình, Nghệ An); 4/14 địa phương (Hải Phòng, Thanh Hóa, Quảng Ninh, Hà Tĩnh) đang xây dựng và lấy ý kiến các Sở, ngành theo quy định; các địa phương còn lại hiện chưa xây dựng.
Về hạ tầng, đến năm 2020, tổng số cụm công nghiệp (CCN) theo quy hoạch của các tỉnh, thành phố trong khu vực là 645 cụm với tổng diện tích quy hoạch 20.285 ha. Hiện nay, có 358 CCN đã được thành lập với tổng diện tích 11.152 ha. Trong đó có 114 CCN do doanh nghiệp làm chủ đầu tư hạ tầng, còn lại do Trung tâm phát triển CCN làm chủ đầu tư, UBND cấp huyện (BQL Dự án của huyện), xã hoặc đơn vị sự nghiệp khác làm chủ đầu tư.
Các loại hình thương mại văn minh hiện đại như siêu thị, trung tâm thương mại, hệ thống cửa hàng chuyên doanh và cửa hàng tiện lợi theo mô hình hiện đại phát triển đã từng bước làm thay đổi nhận thức và thói quen mua sắm của người dân. Phần lớn các chợ truyền thống đã được đầu tư cải tạo, nâng cấp hàng năm, cơ bản đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng, mua bán và trao đổi hàng hóa của dân cư.
Theo số liệu tổng hợp từ các tỉnh, thành phố trong khu vực, tổng số chợ tới thời điểm hiện nay là 2.806 chợ, trong đó có 12 chợ đầu mối. Chia theo hạng chợ: 99 chợ hạng I, 287 chợ hạng II, 2.407 chợ hạng III.
Liên kết để phát triển
Tuy nhiên, Bộ Công Thương thẳng thắn nhìn nhận, dù đạt được nhiều kết quả ấn tượng, công tác phát triển ngành Công Thương tại 14 tỉnh khu vực đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ còn tồn tại những hạn chế nhất định.
Trong đó, một số ngành công nghiệp thế mạnh như điện tử, dệt may, da giày, sản xuất, lắp ráp ô tô, xe máy vẫn còn phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên nhiên liệu nhập khẩu, có thể gặp khó khăn khi xảy ra những biến động lớn với chuỗi cung ứng như khi dịch Covid-19 bùng phát.
Hoạt động liên kết giữa các địa phương còn yếu, chủ yếu là kết nối cung cầu, khả năng cạnh tranh trong chuỗi giá trị còn thấp.
Đây cũng là vấn đề mà nhiều đại diện Sở Công Thương đưa ra tại Hội nghị, khẳng định cần có nhiều cơ chế, chương trình, mô hình hợp tác hiệu quả hơn nữa để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ địa phương, tăng tính tự chủ của ngành sản xuất, từng bước hình thành chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.
Để hoàn thành các nhiệm vụ, chỉ tiêu năm 2020 cũng như thời gian tiếp theo, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng cho rằng có 7 nhóm giải pháp mà khu vực đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ cần tập trung triển khai.
Một là, thực hiện ứng phó có hiệu quả, giảm thiểu tác động của thiên tai, dịch bệnh, đặc biệt rút ra bài học kinh nghiệm để có cách làm hiệu quả hơn thông qua những sự kiện vừa qua như dịch Covid-19 hay bão lũ trong miền Trung.
Hai là, tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh sản xuất công nghiệp, bám sát nhu cầu thực tiễn và chú trọng tăng cường các dự án đầu tư lớn, tập trung khai thác hiệu quả tiềm năng thế mạnh của các ngành công nghiệp như công nghiệp công nghệ cao, năng lượng, điện tử,… Tuy nhiên cũng cần tạo điều kiện phát triển những ngành quan trọng tạo việc làm cho người dân địa phương như dệt may, da giày, thủ công nghiệp làng nghề,…
Ba là, thúc đẩy tiêu dùng, đặc biệt tiêu dùng trong nước và đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa các mặt hàng thiết yếu, nhất là dịp Tết Nguyên đán sắp tới, đồng thời tổ chức tốt các hội nghị kết nối cung cầu, phối hợp với các doanh nghiệp thương mại địa phương để dáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân.
Bốn là, đẩy mạnh công nghệ thông tin, phát triển thương mại điện tử phù hợp với xu hướng kinh doanh trong bối cảnh mới. Giữa Bộ Công Thương với địa phương cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa để định hướng phát triển và đề xuất các chương trình triển khai chuyển đổi số.
Năm là, tiếp tục rà soát, thực hiện hiệu quả các chính sách, chương trình xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường xuất khẩu. Ngành Công Thơng cần là ngành đi đầu trong tuyên truyền và thực hiện các Hiệp định tự do mà Việt Nam tham gia như CPTPP, EVFTA, RCEP,…
Sáu là, tiếp tục thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp. Đặc biệt cần đẩy mạnh hoạt động liên kết vùng ngành Công Thương giữa các tỉnh, thành phố, đặc biệt về công nghiệp hỗ trợ, chuỗi giá trị và kết nối cung cầu.
Bảy là, nâng cao hiệu quả công tác quản lý thị trường, phối hợp ngăn ngừa buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, bảo vệ sản xuất trong nước và tăng cường vệ sinh an toàn thực phẩm. Có thể nghiên cứu đề xuất của Hải Phòng về ban hành cơ chế phối hợp giữa lực lượng quản lý thị trường với Sở Công Thương các tỉnh, thành phố.
Một số chỉ tiêu kế hoạch năm 2020 về sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại của khu vực đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ:
1. Chỉ số sản xuất công nghiệp phấn đấu năm 2020 phần lớn các tỉnh, thành phố tăng trưởng trên 5%.
2. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng phấn đấu năm 2020 đạt 1.587 nghìn tỷ đồng.
3. Tổng kim ngạch xuất khẩu phấn đấu năm 2020 đạt 103,6 tỷ USD.
4. Tổng kim ngạch nhập khẩu phấn đấu năm 2020 đạt 116,1 tỷ USD.