Quảng Bình có mạo hiểm khi chọn hướng trở thành “Thủ đô du lịch mạo hiểm của châu Á”?

Liệu có khắc phục được tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao để đưa Quảng Bình trở thành “Thủ đô du lịch mạo hiểm của châu Á” vẫn cần có thời gian và thực tế trả lời.
phong nha
Phong Nha-Kẻ Bàng, điểm du lịch nổi tiếng nhất Quảng Bình

 

Tiềm năng và thực tế

Những đặc điểm về vị trí địa lý, đặc trưng của địa hình, cảnh quan thiên nhiên, lịch sử văn hóa đã tạo cho Quảng Bình những tiềm năng to lớn để phát triển du lịch sinh thái. Nổi bật nhất là Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, một trong 238 vùng sinh thái quan trọng nhất trên toàn cầu; có bãi biển Nhật Lệ đẹp và thơ mộng, nơi từng lưu dấu bước chân của nhiều danh nhân như Trần Nhân Tông, Lê Quý Đôn, Cao Bá Quát, Nguyễn Du; có những bãi biển cát trắng mịn với làn nước xanh biếc Bảo Ninh, Quang Phú, Đá Nhảy; có quần thể di tích danh thắng Chùa Non - núi Thần Đinh - sông Long Đại,  suối Bang. Các điểm du lịch đó tạo thành một hệ thống các tuyến điểm du lịch hứa hẹn nhiều cơ hội cho phát triển du lịch sinh thái.

Tuy nhiên, trong phát triển du lịch, Quảng Bình lại chọn hướng trở thành “Thủ đô du lịch mạo hiểm của châu Á”, điều này có mạo hiểm? Thực ra, trước đó Quảng Bình cũng đã “mạo hiểm” khi thuê tư vấn nước ngoài làm quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, và cũng “mạo hiểm” thống nhất với tư vấn nước ngoài chọn hướng trở thành “Thủ đô du lịch mạo hiểm của châu Á”.

Xét về tiềm năng, Tạp chí National Geographic Traveler phiên bản tiếng Nga đã lựa chọn hành trình khám phá hang Sơn Đoòng là một trong những tour mạo hiểm “đáng trải nghiệm” nhất trên thế giới. Đối với điểm khám phá Rào Thương - hang Én, du khách lại phải cắt rừng đi bộ trên 9km để đến với hang Én, một trong những hang động kỳ vỹ trong hệ thống trên 300 hang động lớn nhỏ. Ngược lại, điểm khám phá Vườn Thực vật  rộng trên 40 ha, quy tụ rên 500 loài cây rừng khác nhau, trong đó có nhiều loại thực vật quý hiếm, du khách sẽ được nghe tiếng chim kêu, vượn hú, tắm suối, ngắm vẻ đẹp hương sắc hoa vàng anh và sự hùng vĩ của núi rừng, thác Gió…

 Xét trên thực tế, loại hình du lịch mạo hiểm đang được Quảng Bình đưa vào khai thác khá hiệu quả với các điểm đến chủ yếu như: thung lũng Sinh tồn - hang Thủy Cung, Vườn Thực vật, Rào Thương - hang Én, hang Tối, Tú Làn,… đặc biệt là cung đường kinh điển hang Sơn Đoòng, đang thu hút rất nhiều du khách muốn khám phá và chinh phục.

Quảng Bình có những cách xúc tiến, quảng bá du lịch rất sáng tạo thông qua tiếp cận, giới thiệu với các đạo diễn, nhà làm phim Hollywood (Mỹ), tham gia nhiều hội chợ, triển lãm du lịch lớn trên thế giới, đón tiếp những nhân vật nổi tiếng, sử dụng mạng xã hội... mang lại hiệu quả không chỉ cho Quảng Bình mà cho cả du lịch Việt Nam.

Hàng không và nhân lực

Tiềm năng và thực tế khá khả quan, kết quả thu về cũng không nhỏ, nhưng chọn hướng trở thành “Thủ đô du lịch mạo hiểm của châu Á” liệu có quá sức với một tỉnh miền Trung còn rất nhiều khó khăn, không thuận lợi về cơ sở hạ tầng giao thông? Nhóm khách hàng nào quan tâm nhất đến du lịch mạo hiểm? Đó là du khách quốc tế; nhóm khách hàng nào sẵn sàng chi trả cao và lưu trú dài ngày? Đó là du khách quốc tế. Mà đối với việc thu hút khách du lịch quốc tế, ấn tượng đầu tiên của du khách khi đến Việt Nam chính là sân bay.

san bay đồng hới
Sân bay Đồng Hới chưa thể tiếp nhận các loại tàu bay dân dụng lớn

 

Tuy nhên, Sân bay Đồng Hới (Quảng Bình) là sân bay đã được xây dựng từ thời Pháp, được Quảng Bình nâng cấp nhiều lần. Nhưng so với các sân bay khác thì sân bay Đồng Hới có số lượng chuyến bay hạn chế hơn. Cảnh quang nơi đây cũng chưa được đầu tư kỹ lưỡng, nhìn quanh có vẻ còn hoang sơ. Cụ thể, sân bay Đồng Hới có công suất thiết kế đạt 500.000 lượt khách/năm.

Năm 2017, lưu lượng hành khách thông qua sân bay Đồng Hới gần 470.000 lượt. Năm 2018 đón 700.000 lượt hành khách, vượt công suất thiết kế hiện nay của Cảng hàng không Đồng Hới. Việc nâng cấp công suất thiết kế dự kiến của Cảng hàng không Đồng Hới đến năm 2020 là 2 triệu hành khách/năm và đến năm 2030 là 3 triệu hành khách/năm đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nhưng đến nay vẫn chưa khởi công.

Không chỉ công suất nhỏ, sân bay Đồng Hới còn hạn chế về khả năng tiếp nhận, như không thể phục vụ các loại tàu bay dân dụng lớn nhất như A350, Boeing 787 Dreamliner

Vấn đề nữa của du lich Quảng Bình là thiếu nhân lực du lịch trầm trọng. Theo báo cáo quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Quảng Bình đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2025 thì năm 2015 Quảng Bình cần 22.400 lao động, trong đó có 7000 lao động trực tiếp. Năm 2020 con số sẽ là 42.600 lao động, trong đó 13.300 là lao động trực tiếp. Nhưng đến nay mới có khoảng 4.000 lao động trực tiếp và 8.300 lao động gián tiếp tham gia trong các hoạt động dịch vụ du lịch.

Năm trước, tại Hội thảo quốc tế về đào tạo nguồn nhân lực du lịch trong các nước Asean tại Trường đại học Quảng Bình, Phó giám đốc Sở Du lịch Đặng Đông Hà trăn trở, đội ngũ nhân lực du lịch Quảng Bình có chuyên môn, tay nghề cao còn thiếu; tỷ lệ lao động được đào tạo chuyên ngành du lịch còn thấp. Đặc biệt, sau sự cố môi trường biển, nhiều lao động du lịch có tay nghề cao đã rời các doanh nghiệp du lịch Quảng Bình để đến các địa phương khác...

Mới đây trong chuyến thăm và làm việc với tỉnh, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, để khắc phục tình trạng này, các bộ ngành đã tháo gỡ một phần các quy định để đào tạo chuyển đổi sang ngành du lịch cho sinh viên tốt nghiệp nhưng không tìm được việc làm. Cùng với đó, tỉnh phải kết hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp du lịch, đào tạo theo phương thức vừa học, vừa làm.

Ngành du lịch Quảng Bình cũng đưa ra hàng loạt giải pháp, như phối hợp với Trường ĐH Quảng Bình đào tạo cấp chứng chỉ “Nghiệp vụ hướng dẫn du lịch”. Hiện nay, nhà trường đã đào tạo cấp chứng chỉ cho hơn 500 cử nhân các ngành tiếng Anh, quản trị kinh doanh, kế toán... và những chuyên ngành khác.

Trường cũng đang liên kết với các trường đại học ở Huế và Hà Nội về đào tạo cử nhân quản trị du lịch tại Trường ĐH Quảng Bình. Đồng thời, nhà trường đang tích cực xây dựng đội ngũ giảng viên để mở ngành “Quản trị kinh doanh dịch vụ du lịch và lữ hành” trình độ đại học để tuyển sinh vào năm 2019.

Đặc biệt, Trường ĐH Quảng Bình đang phối hợp với các trường đại học Đông bắc Thái Lan để đào tạo nguồn nhân lực trong đó có du lịch, theo hướng xây dựng các chương trình 2+2 (tức là học 2 năm ở Trường ĐHQB và 2 năm tiếp theo ở các trường đại học Thái Lan), sinh viên được trải nghiệm thực tế trong nước và nước ngoài, để khi ra làm việc không còn bỡ ngỡ trong tiếp xúc với khách du lịch quốc tế.

Căn cơ hơn, du lịch Quảng Bình đã đưa những địa danh du lịch vào tài liệu giáo dục địa phương để trang bị thêm kiến thức cho học sinh; đồng thời sẽ chú trọng việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh để phân luồng sau THCS, THPT đúng định hướng phát triển du lịch của tỉnh.

Có thể nói đây là những giải pháp bài bản, nhưng liệu có khắc phục được tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực chất lương cao để đưa Quảng Bình trở thành “Thủ đô du lịch mạo hiểm của châu Á” vẫn cần có thời gian và thực tế trả lời.

Khang Hinh