Tại hội nghị công bố quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 diễn ra ngày 16/3/2024, UBND tỉnh Quảng Nam đã trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, thỏa thuận nghiên cứu địa điểm đầu tư cho đại diện các nhà đầu tư với 16 dự án trên địa bàn tỉnh, tổng số vốn đăng ký gần 20.000 tỷ đồng.
Theo đó, tỉnh Quảng Nam trao 7 giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 7 dự án thuộc Tập đoàn Thaco Trường Hải.
Cụ thể, Nhà máy Cơ điện lạnh THACO INDUSTRIES với tổng vốn đầu tư hơn 400 tỷ đồng; Nhà máy Sản xuất Dây điện ô tô du lịch, với tổng vốn đầu tư hơn 460 tỷ đồng; Nhà máy Sản xuất Kính ô tô cao cấp THACO, với tổng vốn đầu tư gần 390 tỷ đồng; Nhà máy Sản xuất Linh kiện khung thân vỏ ô tô, với tổng vốn đầu tư 800 tỷ đồng; Nhà máy Sản xuất Nội thất ô tô du lịch, với tổng vốn đầu tư hơn 540 tỷ đồng; Nhà máy Sản xuất Ghế ô tô du lịch, tổng vốn đầu tư 990 tỷ đồng và Trung tâm R&D THACO INDUSTRIES, tổng vốn đầu tư hơn 350 tỷ đồng.
Đồng thời, tỉnh Quảng Nam cũng trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho dự án Mở rộng, nâng cấp bến cảng Chu Lai, thuộc khu bến cảng Tam Hiệp với tổng vốn đầu tư gần 1.590 tỷ đồng. Dự án này do Tập đoàn THILOGI làm chủ đầu tư.
Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Nam cũng trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án Nhà máy sản xuất thiết bị làm sạch, tổng vốn đầu tư 500 tỷ đồng do Công ty Karcher Beteiligungs (Cộng Hoà liên bang Đức); nhà máy sản xuất kính hoa siêu trắng, tổng vốn đầu tư hơn 820 tỷ đồng, do Công ty TNHH phát triển kỹ thuật Ức Thịnh (Trung Quốc) làm chủ đầu tư; dự án nam châm từ tính, với tổng vốn đầu tư 1.920 tỷ đồng, do Công ty Star Group Industrial Co.,Ltd (Hàn Quốc) làm chủ đầu tư.
Ngoài ra, còn có dự án sản xuất thiết bị âm thanh, với tổng vốn đầu tư 960 tỷ đồng, do Công ty Guoguang Electric Co.,Ltd (Trung Quốc) làm chủ đầu tư; nhà máy sản xuất sản phẩm nhựa và kim loại kiên cố Quảng Nam, với tổng vốn đầu tư 24 tỷ đồng, do Công ty TNHH Kiên cố PMG (Hoa Kỳ) làm chủ đầu tư; dự án sản xuất ghế trò chơi điện tử và ghế ô tô Arena Technologies, với tổng vốn đầu tư 19 tỷ đồng, do Công ty TNHH Tư nhân công nghệ Soleseat.
Theo số liệu thống kê của UBND Quảng Nam, trong năm 2023, tỉnh đã cấp mới 19 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký hơn 1.917 tỷ đồng. Lũy kế, đến nay tỉnh Quảng Nam có 1.138 dự án đầu tư trong nước đang còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký hơn 225 nghìn tỷ đồng.
Về dự án vốn FDI, trong năm 2023, tỉnh Quảng Nam chỉ cấp mới 3 dự án đầu tư, với tổng vốn đầu tư 23,58 triệu USD. Đến nay, số dự án FDI còn hiệu lực trên địa bàn tỉnh là 193 dự án, tổng vốn đầu tư hơn 6 tỷ USD.
Ngoài ra, dự kiến có 1.180 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với số vốn đăng ký khoảng 6.300 tỷ đồng; có 447 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động.
Tỉnh Quảng Nam cho biết, nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2024, Tỉnh sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế. Thực hiện quyết liệt các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển, đặc biệt là các doanh nghiệp du lịch, doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu.
Đặc biệt, sẽ đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng và đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp để tập trung ưu tiên thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp.
Theo Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được phê duyệt, mục tiêu tổng quát đến năm 2030, Quảng Nam phấn đấu trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước; là cực tăng trưởng quan trọng của khu vực miền Trung - Tây Nguyên; có mạng lưới kết cấu hạ tầng đồng bộ theo hướng hiện đại; phát triển hàng không, cảng biển, dịch vụ logistics, du lịch, công nghiệp cơ khí ôtô, cơ khí chế tạo, điện khí mang tầm khu vực; hình thành trung tâm công nghiệp dược liệu, chế biến sâu sản phẩm nông lâm nghiệp, silica mang tầm quốc gia; có cơ sở đào tạo nghề chất lượng cao; có nền văn hóa giàu bản sắc; đa số các cơ sở y tế, giáo dục đạt chuẩn quốc gia; có hệ thống đô thị đồng bộ, gắn kết với nông thôn.
Một trong các nhiệm vụ trọng tâm và khâu đột phá phát triển của Quảng Nam là hoàn thiện hệ thống hạ tầng. Cụ thể, đẩy nhanh tốc độ phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại, đồng bộ, trọng tâm là hạ tầng giao thông chiến lược như giao thông liên vùng Đông - Tây, cảng hàng không, cảng biển, hạ tầng logistics, hạ tầng các khu kinh tế, khu công nghiệp, hạ tầng đô thị, hạ tầng trọng yếu của khu vực nông thôn, hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông, văn hóa, y tế, giáo dục.
Một nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá phát triển nữa của Quảng Nam là nâng cao năng lực cạnh tranh. Cụ thể, phát huy tiềm năng, vai trò có tính động lực, lợi thế cạnh tranh của Khu kinh tế mở Chu Lai; tiềm năng Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Nam Giang; mở rộng và hình thành thêm các khu công nghiệp tại các vị trí thuận lợi nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và của vùng. Nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành công nghiệp cơ khí, tự động hóa, chế biến, chế tạo, vật liệu xây dựng.
Về phương hướng phát triển các ngành quan trọng, trong đó với ngành công nghiệp, Quảng Nam sẽ phát triển công nghiệp theo hướng kinh tế tuần hoàn, chuyên môn hóa, tự động hóa cao; tăng nhanh tỷ trọng đóng góp của công nghiệp chế biến, chế tạo và trở thành trụ cột chính trong nền kinh tế. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô, sản phẩm cơ khí, điện, điện tử; hình thành trung tâm cơ khí đa dụng và ô tô quốc gia, phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ gắn với dịch vụ hậu cần, logistic cảng biển, sân bay, đường sắt. Thúc đẩy phát triển dự án Trung tâm điện khí miền Trung gắn với các ngành công nghiệp sử dụng năng lượng và sản phẩm sau khí tại Khu kinh tế mở Chu Lai, tạo động lực phát triển mới cho tỉnh và vùng.
Ưu tiên xây dựng các khu công nghiệp, khu công nghiệp công nghệ cao tại khu vực đồng bằng để thu hút các ngành công nghiệp có hàm lượng tri thức cao, tự động hóa, giá trị gia tăng cao, đóng góp ngân sách lớn...