Công nghiệp - xây dựng tiếp tục khởi sắc
Theo UBND tỉnh Quảng Nam, tình hình kinh tế - xã hội tháng 7/2024 của tỉnh tiếp tục phát triển, nhiều lĩnh vực tăng trưởng so với cùng kỳ và chuyển biến tích cực.
Lĩnh vực công nghiệp - xây dựng tiếp tục khởi sắc, là động lực chính cho tăng trưởng. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 7 tăng 20,7% so với cùng kỳ (7 tháng đầu năm tăng 7,7%; công nghiệp chế biến, chế tạo (+9,7%).
Hầu hết các sản phẩm công nghiệp chủ yếu có sản lượng tăng so với cùng kỳ, đặc biệt ô tô sản xuất, lắp ráp đến nay đạt hơn 41,5 nghìn chiếc (+11,3%). Hoạt động đầu tư, xây dựng tiếp tục khẳng định vai trò là động lực quan trọng; vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước tăng 27,2% so với cùng kỳ. Tình hình sử dụng lao động trong các doanh nghiệp ngành công nghiệp ổn định và tăng thêm. Thương mại, dịch vụ tiếp tục phát triển và là nhân tố chủ yếu đóng góp vào tăng trưởng chung. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 7 ước đạt gần 6,5 nghìn tỷ đồng, tăng 12,6% so với cùng kỳ.
Hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa tiếp tục tăng mạnh; tổng kim ngạch hàng hoá xuất nhập khẩu đạt 421,72 triệu USD, tăng 38,82%. Trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 203,23 triệu USD, tăng 19,08%. Kim ngạch nhập khẩu đạt 218,49 triệu USD, tăng 64,12% (lũy kế đến 31/7/2024, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 2,54 tỷ USD, tăng 16,405.
Tổng thu ngân sách Nhà nước lũy kế 7 tháng 12.778 tỷ đồng, đạt 54% dự toán (23.600 tỷ đồng) và tăng 10% so cùng kỳ. Công tác xúc tiến đầu tư được chủ động triển khai với sự kiện nổi bật. Thu hút các dự án đầu tư nước ngoài (FDI) tăng cao về số lượng và số vốn đăng ký.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, ông Lê Văn Dũng – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nhận định tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 vẫn còn khó khăn như: thu ngân sách chưa đảm bảo yêu cầu. Lũy kế 7 tháng đầu năm, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới giảm 7,7% so với cùng kỳ; mặc dù số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 14,9%, nhưng tổng số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường (1.062) vẫn thấp hơn so với số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường (1.117).
Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 7 giảm. Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tuy giảm so với cùng thời điểm năm trước nhưng tăng so với cùng thời điểm tháng trước. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công chưa đảm bảo yêu cầu (tính đến ngày 31/7/2024, tổng vốn đầu công giải ngân 2.645 / 8.884 tỷ đồng, đạt 29,8%, gồm: vốn năm 2024 giải ngân 2.047 / 7.056 tỷ đồng, đạt 29% và vốn năm 2023 kéo dài giải ngân 597 / 1.827 tỷ đồng, đạt 32,7%).
Chất lượng tham mưu, giải quyết công việc của một số cơ quan, đơn vị có lúc còn chậm; vẫn còn tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức làm việc cầm chừng hoặc né tránh, sợ trách nhiệm.
Tậo trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp
Trong tháng 8/2024 và thời gian đến, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu các Sở, Ban, ngành và địa phương tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; thực hiện nghiêm Quy chế làm việc của UBND tỉnh, chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh.
Ông Lê Văn Dũng cũng đề nghị các Sở, Ban, ngành liên quan tập trung tổng hợp các đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp, nhà đầu tư để hỗ trợ, tháo gỡ ngay các khó khăn, vướng mắc theo thẩm quyền; trường hợp vượt thẩm quyền, tham mưu UBND tỉnh quyết định hoặc kiến nghị các Bộ, ngành Trung ương và Chính phủ để kịp thời giải quyết; nhất là các dự án UBND tỉnh đã chỉ đạo như: Nam Hội An; Tập đoàn Hyosung; Tập đoàn THACO đảm bảo đúng quy định của Luật đất đai, Luật nhà ở, Luật kinh doanh bất động sản có hiệu lực từ ngày 01/8/2024; các dự án trong danh mục thu hút đầu tư.
Ngoài ra, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi, giảm chi phí tuân thủ cho người dân, doanh nghiệp; rà soát, cắt giảm, phân cấp theo thẩm quyền các thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh và đời sống người dân ... chủ động kêu gọi và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn tỉnh.
Ban quản lý các Khu kinh tế và KCN tỉnh chủ trì, phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan xử lý, giải quyết kiến nghị của Công ty TNHH Number One Chu Lai. Phối hợp thực hiện Quy hoạch phân khu trong Khu kinh tế mở Chu Lai. Tham mưu UBND tỉnh kế hoạch cụ thể tháo gỡ dứt điểm các vướng mắc của THACO theo thẩm quyền.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu các Sở, Ban, ngành, địa phương quán triệt, coi giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm.
Phát huy vai trò đầu tư công để kích hoạt và dẫn dắt đầu tư tư; thu hút, sử dụng hiệu quả nguồn lực khu vực tư nhân, khu vực nước ngoài; bám sát kế hoạch, mục tiêu giải ngân chi tiết từng dự án theo từng tháng, quý để tập trung chỉ đạo; lưu ý khẩn trương hoàn thành dứt điểm các công trình, dự án đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão sắp đến; chủ động, quyết liệt hơn nữa trong triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; kịp thời điều chuyển vốn từ các nhiệm vụ, dự án không đủ điều kiện giải ngân hoặc giải ngân chậm để bổ sung cho các nhiệm vụ, dự án có khả năng giải ngân nhanh và có nhu cầu bổ sung vốn theo quy định; kiên quyết xử lý các trường hợp cố tình chậm tiến độ thực hiện giải ngân vốn, tiêu cực, tham nhũng, thất thoát, lãng phí.
Các địa phương tăng cường tinh thần hợp tác, hỗ trợ cung cấp vật liệu xây dựng cho các địa phương thiếu vật liệu xây dựng, không để tình trạng cát cứ đứt gãy chuỗi cung ứng vật liệu xây dựng, ảnh hưởng chung đến tiến độ thi công các dự án, công trình trên địa bàn tỉnh.
05 Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH năm 2024 khẩn trương triển khai kiểm tra tại một số đơn vị, địa phương được phân công; xây dựng kế hoạch kiểm tra cụ thể, làm việc tìm hiểu kỹ thực trạng, xác định rõ các vướng mắc, điểm nghẽn, thẩm quyền giải quyết; trên cơ sở đó trực tiếp chỉ đạo giải quyết tháo gỡ các vướng mắc hoặc tổng hợp các vướng mắc vượt thẩm quyền để báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định, bảo đảm chất lượng, thiết thực, hiệu quả.
Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư công từ các Sở, Ban, ngành, địa phương giải ngân chậm sang các Sở, Ban, ngành, địa phương giải ngân tốt và có nhu cầu bổ sung vốn. Chủ động kiểm tra, đề xuất UBND tỉnh các giải pháp thúc đẩy mạnh mẽ giải ngân vốn đầu tư công; công khai các Sở, Ban, ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp.
Đối với Sở Công Thương, Chủ tịch tỉnh Quảng Nam yêu cầu tiếp tục phối hợp với các ngành, địa phương tăng cường công tác tiêu thụ sản phẩm; tổ chức các chương trình kết nối cung cầu hàng hóa để kích cầu tiêu dùng, phát huy vai trò trụ đỡ của thị trường trong nước trước bối cảnh khó khăn chung. Bám sát diễn biến thị trường để kịp thời có giải pháp quản lý, ổn định cung cầu các mặt hàng, nhất là lương thực, thực phẩm và hàng hóa thiết yếu khác. Thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa qua kênh thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số.
Cục Quản lý thị trường đẩy mạnh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất và buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định.
Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Văn Dũng vừa ký Quyết định về việc thành lập 05 tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.
Cụ thể, ông Lê Văn Dũng - Chủ tịch UBND tỉnh làm Tổ trưởng Tổ công tác số 1. Có nhiệm vụ kiểm tra, đôn đốc các huyện: Núi Thành, Quế Sơn.
Ông Phan Thái Bình - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh làm Tổ trưởng Tổ công tác số 2; kiểm tra, đôn đốc các đơn vị, địa phương: Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh; các huyện, thị xã, thành phố: Phú Ninh, Duy Xuyên, Điện Bàn, Hội An.
Ông Trần Nam Hưng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh được phân công làm Tổ trưởng Tổ công tác số 3; kiểm tra, đôn đốc các đơn vị, địa phương: Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh; các huyện: Tiên Phước, Thăng Bình, Hiệp Đức, Nông Sơn, Đại Lộc.
Ông Hồ Quang Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Tổ trưởng Tổ công tác số 4; kiểm tra, đôn đốc các đơn vị, địa phương: Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh; các huyện, thành phố: Núi Thành, Tam Kỳ.
Ông Trần Anh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Tổ trưởng Tổ công tác số 5; kiểm tra, đôn đốc các đơn vị, địa phương: Đông Giang, Nam Giang, Tây Giang, Phước Sơn, Bắc Trà My, Nam Trà My.