Tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp
Để phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Văn Dũng vừa ký công văn yêu cầu Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành, cơ quan, đơn vị thuộc tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố nghiên cứu, triển khai tốt Nghị quyết số 31/NQ-HĐND ngày 11/7/2024 của HĐND tỉnh về bổ sung nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh 6 tháng cuối năm 2024 theo thẩm quyền.
Trong đó, tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp và người dân; nhất là tháo gỡ vướng mắc dự án Nam Hội An, THACO, các dự án bất động sản, du lịch,… sau khi luật đất đai, luật nhà ở, luật kinh doanh bất động sản có hiệu lực từ ngày 1/8/2024. UBND tỉnh Quảng Nam giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các ngành, địa phương liên quan định kỳ hằng tháng tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh theo dõi, chỉ đạo.
Các Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, tham mưu công tác xúc tiến đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp nhằm phát huy, huy động mọi nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển. Chú trọng hỗ trợ các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực xây dựng, dịch vụ trong bối cảnh chi phí nguyên vật liệu, thiết bị nhân công, ca máy tăng cao, công bố chỉ số giá kịp thời; tổng rà soát, kiểm tra, chỉ đạo sớm đưa các mỏ khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường vào sử dụng nhằm khắc phục tình trạng khan hiếm vật liệu xây dựng như hiện nay. Bên cạnh đó, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch để kích cầu du lịch nội địa, thu hút mạnh du khách tham quan, lưu trú. Tiếp tục thu hút, mời gọi một số nhà đầu tư lớn, chiến lược; tập trung triển khai dự án Bệnh viện chuyên khoa đột quỵ (Thăng Bình), dự án nạo vét sông Trường Giang,…
Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công
UBND tỉnh Quảng Nam cũng đề nghị đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công (đến ngày 30/6/2024, giải ngân 2.105 tỷ đồng, đạt 23,7%); thực hiện hiệu quả 3 chương trình mục tiêu quốc gia (đến nay, mới giải ngân 393.126/3.512.042 triệu đồng, đạt 11,19%; trong đó kế hoạch vốn năm 2022, 2023 kéo dài mới đạt 17%); chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (đã giải ngân 83.526/414.363 triệu đồng, đạt 20%).
Đồng thời, tăng cường công tác thu ngân sách nhà nước, tập trung một số khoảng hụt thu (bia, thủy điện, tiền thuê đất,…). Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các ngành, địa phương liên quan tham mưu UBND tỉnh kiện toàn, thành lập mới 5 Tổ công tác về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 25/7/2024 để xem xét, ban hành.
Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng chủ trì, tham mưu triển khai Quyết định số 72/QĐ-TTg ngày 17/01/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Khẩn trương tổ chức lập, điều chỉnh quy hoạch xây dựng (vùng liên huyện, quy hoạch chung xây dựng,…), quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, thiết kế đô thị, 3 quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với Quy hoạch tỉnh. Theo dõi ý kiến các Bộ, ngành Trung ương đối với dự thảo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh để tổng hợp, tiếp thu, sớm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Ban quản lý các Khu kinh tế và Khu công nghiệp tỉnh khẩn trương rà soát, báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế mở Chu Lai và Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Nam Giang theo quy định.
UBND tỉnh Quảng Nam cũng giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, tham mưu triển khai hiệu quả Quyết định số 611/QĐ-TTg ngày 01/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình phát triển Sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045. Đẩy mạnh chương trình nông thôn mới trên địa bàn theo kế hoạch; có giải pháp cụ thể để giải quyết tình trạng sản phẩm OCOP nhiều nhưng còn nhỏ lẽ, dàn trải, chưa phát huy hiệu quả trong thời gian đến.
Thông tin từ UBND tỉnh Quảng Nam, 6 tháng đầu năm 2024, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tỉnh tăng 2,7% so với cùng kỳ năm trước, xếp vị thứ 26/63 về quy mô GRDP so với 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Quy mô nền kinh tế đạt gần 59 nghìn tỷ đồng (theo giá hiện hành).
Riêng trong quý II/2024, ngành công nghiệp có sự phục hồi và tăng trưởng tích cực với mức tăng 14,8%, đây là mức tăng trưởng ấn tượng sau chuỗi thời gian khó khăn kéo dài kể từ đầu năm 2023.
Tổng thu ngân sách nhà nước 6 tháng là 12.221 tỷ đồng, đạt 51,8% so với Nghị quyết đề ra (23.600 tỷ đồng), tăng 2,5% so với cùng kỳ.
Tổng kim ngạch hàng hoá xuất nhập khẩu gần 2,1 tỷ USD, tăng 11,2%; gồm kim ngạch xuất khẩu đạt 0,9 tỷ USD, tăng 2,6% và kim ngạch nhập khẩu đạt gần 1,2 tỷ USD, tăng 18,9%.