8 tháng đầu năm, phát hiện 276 vụ vi phạm
Ông Trần Xuân Thương – Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Quảng Ngãi (Cục QLTT) cho biết, trong 8 tháng năm 2024 Cục đã chỉ đạo các phòng, đội QLTT trực thuộc tăng cường triển khai công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Thực hiện kiểm tra theo kế hoạch và thực hiện các biện pháp nghiệp vụ, theo dõi nắm bắt diễn biến hoạt động tại các cơ sở kinh doanh, các địa điểm tập kết hàng hóa trên địa bàn. Qua đó, phát hiện và xử ký kịp thời các hành vi về hàng cấm, hàng lậu, hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, các hành vi vi phạm trong thương mại điện tử, góp phần bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và ổn định thị trường.
Cụ thể, Cục QLTT tỉnh Quảng Ngãi đã kiểm tra, xử lý vượt chỉ tiêu đăng ký thi đua năm 2024; xử lý đa dạng hành vi, đa dạng mặt hàng. So với cùng kỳ năm ngoái, số vụ kiểm tra tăng không đáng kể nhưng số vụ việc xử lý và số tiền xử phạt tăng vượt bậc.
Tính từ ngày 15/12/2023 – 14/8/2024, đã kiểm tra tổng cộng 379 vụ; phát hiện 276 vụ vi phạm. Tổng số tiền phạt từ các vụ vi phạm là hơn 2,5 tỷ đồng; trị giá hàng hóa tịch thu gần 500 triệu đồng; trị giá hàng hóa tiêu hủy và buộc tiêu hủy gần 450 triệu đồng. Các vụ việc đơn giản vi phạm với các hành vi niêm yết giá, giá thuốc tân dược… so với năm 2023 đã được hạn chế đáng kể.
Theo Cục trưởng Trần Xuân Thương, tuy đạt được nhiều kết quả trong thời gian qua tuy nhiên vẫn còn một số tồn tại, hạn chế nhất định.
Đơn cử, việc thống kê các cơ sở kinh doanh để phục vụ cho công tác quản lý tại một số Đội QLTT còn sai sót, đặc biệt là chưa cập nhật kịp thời được các hình thức kinh doanh của cơ sở kinh doanh… Một số Đội QLTT chưa quan tâm đến việc đề xuất khó khăn, vướng mắc để kịp thời tháo gỡ, thống nhất chung trong việc xử lý các hành vi vi phạm...
"Ngoài ra, việc thu thập thông tin, quản lý địa bàn, rà soát, lập danh sách và kiểm tra đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên các sàn giao dịch thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Sendo... và các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo trên địa bàn tỉnh của các Đội QLTT còn hạn chế và chưa phản ánh đúng thực tế…", ông Thương nhìn nhận.
Tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả
4 tháng cuối năm 2024, Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Quảng Ngãi cho biết đơn vị sẽ tập trung thực hiện có hiệu quả các nội dung chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, Bộ Công Thương, Tổng cục QLTT, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Chỉ đạo các Đội QLTT tiếp tục thực hiện Kế hoạch định kỳ, kế hoạch kiểm tra chuyên đề đã được phê duyệt, triển khai đồng bộ nhiều biện pháp để tăng cường hoạt động kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính đối với hàng cấm, hàng hóa nhập lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng hóa không đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm.
Đồng thời, tăng cường công tác quản lý địa bàn, kịp thời nắm bắt những diễn biến bất thường tình hình thị trường, các thủ đoạn đầu cơ, nâng giá đối với các mặt hàng thiết yếu, phát hiện và có biện pháp ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo đúng quy định của pháp luật, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước. Tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác phối hợp với các lực lượng chức năng trong công tác đấu tranh chống buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng và gian lận thương mại. Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động trao đổi thông tin với các doanh nghiệp, chủ thể quyền để công tác kiểm tra, xử lý hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đạt hiệu quả.
"Đặc biệt, nâng cao năng lực thực thi pháp luật của cơ quan, công chức làm công tác quản lý thị trường; tăng cường công tác kiểm tra nội bộ để chấn chỉnh kịp thời những sai sót nghiệp vụ trong quá trình kiểm tra, kiểm soát thị trường và xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực của tổ chức, cá nhân trong lực lượng quản lý thị trường”, ông Trần Xuân Thương nhấn mạnh.
08 tháng năm 2024, các cơ quan thành viên Ban chỉ đạo 389 tỉnh Quảng Ngãi đã kiểm tra, phát hiện 1.293 vụ/1.313 đối tượng vi phạm (trong đó 147 vụ mua bán, vận chuyển trái phép hàng cấm, hàng lậu; 1117 vụ gian lận thương mại, gian lận thuế; 29 vụ hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ); xử phạt vi phạm hành chính 1.256 vụ; thu nộp ngân sách nhà nước 64,4 tỷ đồng. Khởi tố hình sự 21 vụ/18 đối tượng.