Tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 4,07%, vượt kế hoạch
Các chỉ số cho thấy, kinh tế năm 2024 của Quảng Ngãi tiếp tục tăng trưởng. Tốc độ tăng trưởng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 4,07%, vượt kế hoạch đề ra (kế hoạch 2,5 - 3%). GRDP bình quân đầu người ước đạt 4.460 USD/người. Kinh tế tiếp tục dịch chuyển đúng hướng. Lĩnh vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ tiếp tục giữ vai trò chủ đạo, chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu GRDP (chiếm 70%). Giá trị sản xuất công nghiệp tăng trưởng, ước đạt 157.521 tỷ đồng, tăng 2,6%, vượt 15,3% kế hoạch, trong đó, giá trị sản xuất công nghiệp ngoài sản phẩm lọc hóa dầu, tăng 8,5%, vượt 14% so với kế hoạch. Giá trị sản xuất nông, lâm và thủy sản năm 2024 tăng 3,8%, vượt 0,8% kế hoạch. Hoạt động du lịch phát triển, doanh thu du lịch ước đạt 1.434 tỷ đồng, tăng 29,4%, vượt 55,9% kế hoạch....
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 77.442 tỷ đồng, tăng 8,1%, vượt 0,8% kế hoạch. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 2.553 triệu USD, tăng 1,1%, vượt 1,3% kế hoạch; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 4.100 triệu USD, tăng 4,3%, vượt 10,8% kế hoạch.
KKT Dung Quất luôn được đánh giá là một trong những KKT tiên phong và thành công trong cả nước nói chung và trọng lực quan trọng trong sự phát triển của tỉnh Quảng Ngãi trong những năm qua. Hiện nay đã hoàn thiện 04 đồ án và đang tiếp tục triển khai 05 đồ án còn lại phù hợp với Quy hoạch chung.
Công tác cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh được tập trung thực hiện. Kịp thời, rà soát, ban hành danh mục dự án thu hút đầu tư vào tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2024-2025, tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư trong nước và nước ngoài để thu hút, huy động các nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian tới.
Năm 2024, Quảng Ngãi cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 02 dự án đầu tư nước ngoài, với số vốn đăng ký 14,11 triệu USD. Cấp chủ trương đầu tư cho 05 dự án trong nước, với tổng vốn đăng ký 3.013 tỷ đồng. Hiện có 426 dự án đi vào hoạt động, 193 dự án đang triển khai, 20 dự án đang tạm dừng. Có 720 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, đạt kế hoạch, với tổng vốn đăng ký 3.600 tỷ đồng.
Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh năm 2024 ước đạt 29.503 tỷ đồng, bằng 96,2% so với năm 2023, vượt 15,5% so với dự toán Trung ương giao và dự toán HĐND tỉnh giao. Tổng chi ngân sách địa phương ước đạt 17.705 tỷ đồng, bằng 95,2% dự toán do HĐND tỉnh giao.
Việc thực hiện các Chương trình mục tiêu Quốc gia tiếp tục được quan tâm. Kết quả thực hiện 18 chỉ tiêu thuộc 03 chương trình như sau: có 01/18 chỉ tiêu vượt kế hoạch, 15/18 chỉ tiêu đạt kế hoạch và 02/18 chỉ tiêu không đạt. Dự kiến đến hết năm 2024, Quảng Ngãi có thêm 06 xã đạt chuẩn nông thôn mới, vượt kế hoạch năm, 01 huyện đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Đến nay Quảng Ngãi có 103 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 05 huyện, thành phố đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Tiếp đà tăng trưởng cho năm 2025
Dựa trên kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 là cơ sở để Quảng Ngãi xây dựng kế hoạch mục tiêu trong năm 2025. Theo đó, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 của tỉnh Quảng Ngãi ước tính giá trị sản xuất khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng trưởng khoảng 3,5%. Ngành Công Thương Quảng Ngãi xây dựng kế hoạch chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2025 đạt 112% (so với năm 2024); trong đó công nghiệp chế biến chế tạo đạt 111,5%. Sản lượng dầu dự kiến khoảng 7 triệu tấn, sản lượng thép dự kiến khoảng 6,8 triệu tấn (mục tiêu này được đặt ra do Dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát - Dung Quất 2 dự kiến vận hành chạy thử dây chuyền 1 vào đầu năm 2025 với sản lượng khoảng 1,33 triệu tấn, bằng 50 - 60% sản lượng dự kiến - khoảng 2,336 triệu tấn).
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng năm 2025 đạt 79.820 tỷ đồng, tăng 3,4% so với ước thực hiện năm 2024. Kim ngạch xuất khẩu năm 2025 ước đạt 2.580 triệu USD, tăng 1,2% so với ước thực hiện năm 2024. Kim ngạch nhập khẩu năm 2025 ước đạt 3.850 triệu USD, tăng 1% so với ước thực hiện năm 2024...
Với kế hoạch này, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2025 dự kiến đạt 7,5 - 8,5%. GRDP bình quân đầu người khoảng 4.710 USD; tỷ trọng công nghiệp - xây dựng, dịch vụ trong GRDP chiếm khoảng 71 - 72%, trong đó, công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 46 - 47%.
Năng suất lao động xã hội tăng 7,5 - 8,5%; vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn đạt khoảng 38.000 - 39.000 tỷ đồng; tỷ lệ đô thị hóa đạt 40%. Đồng thời, thực hiện đạt dự toán Trung ương và HĐND tỉnh giao về thu ngân sách nhà nước, phấn đấu vượt chỉ tiêu 5%. Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm 2,21%; trong đó, miền núi giảm 11,07%, đồng bằng giảm 0,35%.
Đối với Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, Trung ương giao dự toán thu cho tỉnh lên đến 31.950 tỷ đồng, cao hơn rất nhiều so với các năm trước và tăng 25,7% so với dự toán giao năm 2024 (25.420 tỷ đồng), vượt 8,3% so với kết quả thực hiện năm 2024, trong khi giá dầu đang giảm so với dự toán giá dầu Trung ương giao (80 USD/thùng). Do đó nhiệm vụ đặt ra trong năm 2025 cho Quảng Ngãi rất nặng nề.
Tỉnh Quảng Ngãi đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân thời kỳ 2021 - 2030 đạt 7,25 - 8,25%/năm. Trong đó, khu vực Nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 4 - 5%/năm; khu vực Công nghiệp đạt 8,25 - 9,25%/năm; khu vực Dịch vụ đạt 10,0 - 11,0%/năm.
Để hoàn thành mục tiêu năm 2025, đồng thời góp phần vào thực hiện mục tiêu chung giai đoạn 2021 – 2030, tỉnh Quảng Ngãi tiếp tục nỗ lực, đặt quyết tâm cao nhất, quyết liệt trong hành động; phát huy cao độ tinh thần tự lực, tự cường; đổi mới mạnh mẽ tư duy có tính chiến lược, tầm nhìn đột phá trên cơ sở kế thừa những thành tựu đã đạt được và khắc phục những khó khăn, hạn chế để hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu đã đặt ra.
Năm 2024, mặc dù có nhiều khó khăn, mức tăng trưởng của Quảng Ngãi cao hơn mục tiêu đặt ra, 25/25 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt và vượt kế hoạch đề ra. Trong đó có 9 chỉ tiêu vượt kế hoạch, bao gồm: Tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 4,07%; Năng suất lao động xã hội tăng; Thu ngân sách; Số xã đạt chuẩn Quốc gia về nông thôn mới; Tỷ lệ trường đạt chuẩn Quốc gia; Số bác sỹ/1 vạn dân; Tỷ lệ phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội; Giảm tỷ lệ hộ nghèo; Xây dựng xã, phường, thị trấn vững mạnh về quốc phòng.