Chuyển đổi số trong nông nghiệp là quá trình ứng dụng các công nghệ kỹ thuật số từ sản xuất đến chế biến, phân phối, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, giúp hình thành nông nghiệp số, nông nghiệp thông minh. Điểm khác biệt cơ bản giữa nông nghiệp số và nông nghiệp truyền thống chính là ở việc áp dụng các công nghệ kỹ thuật số vào toàn bộ hoạt động, làm thay đổi cách thức quản lý, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp từ truyền thống sang hiện đại và thông minh.
Xác định chuyển đổi số ngành nông nghiệp là xu hướng tất yếu đề phát triển nền nông nghiệp bền vững, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã ban hành kế hoạch chuyển đổi số ngành NNPTNT giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến năm 2030.
Mục tiêu tổng quát của Kế hoạch là chuyển đổi số ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Ngãi theo hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh; quản trị và quản lý nông nghiệp dựa trên công nghệ số, xây dựng hệ thống dữ liệu ngành về đất đai, cây trồng, vật nuôi; ứng dụng công nghệ số để tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh, quản lý giám sát nguồn gốc nông sản, chuỗi cung ứng sản phẩm; phát triển thương mại điện tử trong nông nghiệp, tập trung vào các sản phẩm chủ lực của tỉnh.
Dù tỉ trọng chỉ chiếm 16% trong cơ cấu ngành kinh tế, nhưng ngành nông nghiệp vẫn giữ vai trò chiến lược dài hạn, là bệ đỡ quan trọng trong kinh tế của tỉnh Quảng Ngãi. Trong thời gian qua, mặc dù công tác chuyển đổi số, đặc biệt phát triển kinh tế số nông nghiệp của Quảng Ngãi còn hạn chế về hạ tầng công nghệ, gây khó khăn trong việc tiếp cận và ứng dụng công nghệ số trong sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực có chuyên môn về công nghệ thông tin trong lĩnh vực nông nghiệp còn thiếu, đặc biệt trong các khu vực nông thôn. Tuy nhiên với sự vào cuộc của các cơ quan, ban ngành từ cấp tỉnh đến cơ sở, từ năm 2023 đến nay công tác chuyển đổi số nông nghiệp của Quảng Ngãi đạt được nhiều kết quả. Các lĩnh vực như chăn nuôi, trồng trọt, lâm nghiệp, thủy sản…tăng trưởng tích cực. Trong năm 2024, tổng giá trị sản xuất của toàn ngành nông nghiệp ước đạt hơn 19.568 tỉ đồng.
Về phát triển kinh tế số, phấn đấu đến năm 2025 có 100% sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp chủ lực, tiêu biểu của tỉnh được hỗ trợ, giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử của tỉnh và một số sàn thương mại điện tử; phấn đấu 50% sản phẩm OCOP được số hóa; từng bước số hóa một số HTX nông nghiệp điển hình của tỉnh từ khâu nguyên liệu, sản xuất, chế biến.
Về phát triển chính quyền số, kế hoạch đề ra mục tiêu cụ thể đến năm 2025, tỷ lệ hồ sơ giải quyết theo dịch vụ công trực tuyến trên tổng số hồ sơ hàng năm đạt từ 50% trở lên. Phấn đấu 100% hoạt động quản lý nhà nước sử dụng văn bản điện tử có chữ ký số và được trao đổi xử lý hoàn toàn trên môi trường mạng; 100% các thông tin chỉ đạo, điều hành của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được đăng tải, phổ biến qua Cổng Thông tin điện tử của Sở, hệ thống báo cáo số của tỉnh và Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia, phục vụ hiệu quả hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành.
Triển khai hiệu quả công tác số hóa hồ sơ, kết quả thủ tục hành chính trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính theo quy định tại Kế hoạch số 120/KH-UBND ngày 09/10/2020 của UBND tỉnh; triển khai hệ thống phòng họp số; xây dựng dữ liệu số theo yêu cầu quản lý chỉ đạo, điều hành của ngành và đồng bộ thống nhất để tạo nền tảng phát triển kinh tế số, xã hội số.
Về phát triển xã hội số, tổ chức tập huấn, tuyên truyền và đào tạo cho doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân ứng dụng công nghệ số trong sản xuất nông nghiệp, trong quản trị sản xuất, quản lý doanh nghiệp.
Nhìn chung, hoạt động số hóa đã giúp nâng cao năng suất nông nghiệp, tối ưu hóa sản xuất, bảo vệ môi trường và cải thiện đời sống kinh tế - xã hội, tăng năng lực cạnh tranh của nền nông nghiệp tỉnh Quảng Ngãi trên thị trường trong nước và quốc tế.
Hiện nay, nhu cầu nông sản của thị trường thế giới rất lớn, để nắm bắt cơ hội buộc phải có đẩy đủ các tiêu chuẩn về nông sản xuất khẩu,…do đó, các doanh nghiệp trong tỉnh cần nâng cao năng lực, nghiên cứu thị trường, đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật mới của thị trường quốc tế.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự phát triển vượt bậc của cuộc CMCN 4.0, ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Ngãi đang đứng trước những cơ hội và thách thức mới. Để phát triển mạnh mẽ chuyển đổi số nói chung và chuyển đổi số - số hóa trong nông nghiệp nói riêng, cần có sự vào cuộc, phối hợp của các cơ quan, ban ngành từ cấp tỉnh đến cơ sở. Đặc biệt, người nông dân, doanh nghiệp phải sẵn sàng thay đổi thói quen, tư duy, tiếp cận khoa học, công nghệ.