Quảng Ninh là một khu vực hội tụ nhiều thuận lợi cho phát triển kinh tế – xã hội trong tiến trình CNH, HĐH đất nước, được Chính phủ coi là vùng động lực phát triển kinh tế các tỉnh phía Bắc trong tam giác kinh tế Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh.
Quảng Ninh có vùng công nghiệp lớn, không chỉ của Tỉnh mà còn là của cả nước, với những ngành công nghiệp trọng điểm như khai thác than, sản xuất xi măng, nhiệt điện, cảng biển… lớn nhất đất nước. Bên cạnh đó, Tỉnh còn là địa danh phát triển lĩnh vực du lịch, với Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long hai lần được tổ chức UNESCO công nhận, với vùng biên thùy Móng Cái thơ mộng hứa hẹn là một thành phố cửa khẩu quốc tế nhiều tiềm năng và thế mạnh về phát triển kinh tế - xã hội trong tương lai gần, là cửa ngõ giao thương quốc tế thuận lợi giữa Việt Nam - Trung Quốc và các nước trong khu vực Đông Nam á. Không những thế, Quảng Ninh là nơi có nền văn hoá phát triển lâu đời, nơi đây có non thiêng Yên Tử – Trung tâm phật giáo nổi tiếng của Việt Nam; có Di tích lịch sử Bạch Đằng Giang gắn liền với chiến thắng đế quốc Nguyên Mông của dân tộc ta cách đây gần mười thế kỷ; vùng mỏ Cẩm Phả với cuộc đình công năm 1936 của ba vạn thợ mỏ đòi thực dân Pháp phải trả quyền sống (11/12/1936); một di tích Đền Cửa Ông lừng lẫy với các chiến thắng của quân dân nhà Trần đánh tan quân Nguyên Mông; một thương cảng cổ Vân Đồn tại làng đảo Quan Lạn - khu kinh tế tổng hợp Vân Đồn vừa được Chính phủ phê duyệt đầu năm 2006, một điểm nhấn cho sự phát triển bền vững của Quảng Ninh. Những đặc điểm đó đã và đang tạo đà cho Quảng Ninh kế thừa và khai thác có hiệu quả từ chính những tiềm năng đất đai sông núi nơi đây, là những di sản văn hoá quý giá cần được phát huy, bảo tồn và gìn giữ… Tất cả những thế mạnh đó sẽ tạo thuận lợi cho Quảng Ninh vững bước trên con đường CNH, HĐH đất nước, thực sự trở thành vùng động lực kinh tế của Bắc bộ.
Hiện nay, ngành công nghiệp Quảng Ninh được Bộ Công nghiệp đánh giá xếp hàng thứ 7 trong 64 tỉnh thành cả nước, giá trị sản xuất công nghiệp năm 2005 đạt 13.108 tỷ đồng, kế hoạch năm 2006 đạt 15.820 tỷ đồng, trong đó, công nghiệp trung ương và công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm tỷ trọng 90%, công nghiệp địa phương xấp xỉ 10%, tập trung ở một số cơ sở chế biến nông, lâm, thuỷ sản, sản xuất hàng tiêu dùng và tiểu thủ công nghiệp. Tuy nhiên, tốc độ phát triển kinh tế không đồng đều tạo nên sự chênh lệch đời sống giữa các vùng miền trong tỉnh. Quá trình chuyển dịch cơ cấu theo hướng CNH, HĐH nông nghiệp nông thôn ở các địa phương còn manh mún và hiệu quả chưa cao. Đến nay, Tỉnh đã có định hướng cụ thể là xây dựng đề án phát triển công nghiệp và ngành nghề nông thôn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2006 – 2015, để thúc đẩy hơn nữa giá trị sản xuất cũng như tạo môi trường xanh, sạch, đẹp tại đây.
Trên địa bàn Tỉnh, công nghiệp trung ương đóng vai trò mũi nhọn phát triển kinh tế lớn, trọng điểm, đó là ngành khai thác than. Với trữ lượng than gần 4 tỷ tấn, Quảng Ninh trở thành trung tâm sản xuất, chế biến, kinh doanh than, cung cấp nguyên, nhiên liệu cho các ngành kinh tế trong và ngoài nước, đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế, tăng trưởng GDP của Tỉnh và quốc gia. Những năm qua, sản lượng than khai thác đã vượt quá so với quy hoạch. Cụ thể, theo Quyết định số 20/2003/QĐ-TTg ngày 29/01/ 2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy hoạch phát triển ngành Than Việt Nam giai đoạn 2003-2010, đến năm 2010, sản lượng than là 24 triệu tấn, thì Tập đoàn công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã thực hiện vào năm 2004 và nâng sản lượng 30 triệu tấn vào năm 2005. Việc tăng sản lượng than khai thác, trong khi cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng kịp, như hệ thống đường vận chuyển, hệ thống cảng và thiết bị bốc rót, việc xử lý các bãi thải, công tác bổ sung, đánh giá tác động môi trường khi quy mô sản xuất thay đổi so với lúc được duyệt không kịp thời… làm ảnh hưởng lớn đến môi trường, điều kiện sống, cảnh quan Vịnh Hạ Long và khu di tích Yên Tử cũng có nguy cơ bị ô nhiễm và xâm hại. Mới đây Chính phủ đã ban hành Nghị định 137 về phí bảo vệ môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản. Mặc dù ngành than đã có đầu tư trở lại cho việc bảo vệ môi trường sinh thái, hàng năm là 1% trong tổng giá thành. Như vậy, mỗi năm Tỉnh có thêm khoảng 150 đến 200 tỷ đồng để đầu tư cho khắc phục môi trường, tuy nhiên vấn đề về môi trường vẫn chưa cải thiện được nhiều, cần phải có những đề tài, dự án tổng thể cấp Nhà nước về giải quyết môi trường vùng than Quảng Ninh.
Vừa qua, Lãnh đạo tỉnh đã trao đổi, làm việc với Lãnh đạo TKV về tình hình sản xuất, tiêu thụ than và thực hiện việc khai thác than theo quy hoạch của Chính phủ tại Quyết định số 73/2006/QĐ-TTg, là sản xuất 42 triệu tấn than sạch vào năm 2010; công tác đầu tư cho hạ tầng cơ sở đảm bảo đồng bộ cho việc phát triển bền vững; bổ sung và thực hiện nghiêm túc, kịp thời báo cáo đánh giá tác động môi trường khi sản lượng khai thác tăng, công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên trong ranh giới mỏ… đảm bảo an toàn lao động; mặt khác, do than là một khoáng sản quý, hữu hạn và không tái tạo, nên hoạt động khai thác than phải được tiết kiệm, hiệu quả. Vì vậy, cùng với các biện pháp quản lý, TKV cần không ngừng áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ, nâng cao năng suất lao động, để sự phát triển của TKV hài hoà với sự phát triển chung của các ngành kinh tế khác trong tỉnh, đó là sự phát triển bền vững, đảm bảo hiệu quả, tăng trưởng, an toàn và bảo vệ môi trường cho vùng mỏ Quảng Ninh.
Để có được sự phát triển bền vững – môi trường xanh, Tỉnh đã ban hành kế hoạch số 1137/KH-UBND để thực hiện Nghị quyết số 41/NQ-TƯ của Bộ chính trị về bảo vệ môi trường trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước đến năm 2010, định hướng đến năm 2015; Chỉ thị số 07/2006/CT-UB ngày 22/2/2006 về công tác bảo vệ môi trường Vịnh Hạ Long. Đó là những hành lang pháp lý với cơ chế thông thoáng cho các thành phần kinh tế cùng tham gia vào sự phát triển nền công nghiệp của tỉnh, tạo ra sự phát triển đồng bộ, hiệu quả, tăng trưởng và ổn định để đưa công nghiệp Quảng Ninh lên một tầm cao mới. Các Chỉ thị, Nghị quyết của Tỉnh được triển khai trong từng ngành, từng cơ sở sản xuất, giúp cho cơ sở nắm rõ được chức năng và thực lực của mình để phát huy và xây dựng mô hình phát triển công nghiệp bền vững, như phát triển vùng công nghiệp theo lãnh thổ, theo cụm, khu công nghiệp, đồng thời phát triển cả về khoa học công nghệ, ứng dụng khoa học công nghệ cao, tạo ra những sản phẩm có giá trị kinh tế cao.
Trong tương lai không xa, Quảng Ninh sẽ là trung tâm sản xuất nhiệt điện, xi măng, vật liệu xây dựng lớn nhất cả nước, vì vậy đặt ra cho ngành công nghiệp Quảng Ninh những vấn đề mới về một môi trường phát triển bền vững – môi trường xanh. Trước mắt, Tỉnh chỉ đạo chặt chẽ hơn công tác giám sát các hoạt động sản xuất công nghiệp, đặc biệt là của trung ương, khu công nghiệp có đầu tư nước ngoài, yêu cầu bổ sung kịp thời và thực hiện nghiêm túc báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Để sản xuất được an toàn, hiệu quả, công nghiệp của Tỉnh phát triển bền vững, cần phải có sự phối kết hợp giữa các ngành, các cấp, hiệp hội ngành nghề, toàn xã hội,v.v… đồng thời tuyên truyền phổ biến sâu, rộng trên các phương tiện thông tin, đến các doanh nghiệp về tầm quan trọng của bảo vệ môi trường, góp phần xây dựng môi trường công nghiệp của Quảng Ninh thực sự xanh, sạch, đẹp, phát triển bền vững, hiệu quả và tăng trưởng.