Cụ thể, Quốc hội phê chuẩn toàn bộ văn kiện của Hiệp định EVFTA với 17 Chương, 8 Phụ lục, 2 Nghị định thư, 2 Biên bản ghi nhớ và 4 Tuyên bố chung điều chỉnh nhiều vấn đề bao gồm: thương mại hàng hóa (gồm các quy định chung và cam kết mở cửa thị trường), quy tắc xuất xứ, hải quan và thuận lợi hóa thương mại, các biện pháp kiểm dịch và vệ sinh an toàn thực phẩm (SPS), các hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT), thương mại dịch vụ (gồm các quy định chung và cam kết mở cửa thị trường), đầu tư, phòng vệ thương mại, cạnh tranh, doanh nghiệp Nhà nước, mua sắm của Chính phủ, sở hữu trí tuệ, thương mại và phát triển bền vững, hợp tác và xây dựng năng lực, pháp lý - thể chế.
Bên cạnh đó, Quốc hội cũng phê chuẩn việc áp dụng Hiệp định EVFTA đối với Anh trong thời gian từ ngày Hiệp định EVFTA có hiệu lực đến hết ngày 31/12/2020 (có thể gia hạn đến 24 tháng theo thỏa thuận giữa Vương quốc Anh và Liên minh Châu Âu về việc Vương quốc Anh rời khỏi Liên minh Châu Âu). Kèm theo Nghị quyết là danh mục các quy định của Hiệp định EVFTA được Việt Nam áp dụng trực tiếp khi triển khai Hiệp định và danh mục các văn bản luật cần sửa đổi, bổ sung để bảo đảm phù hợp với quy định của Hiệp định.
Chiều 18/6/2020, Bộ Ngoại giao đã phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ủy ban Đối ngoại Quốc hội trao các Công hàm thông báo việc Việt Nam phê chuẩn Hiệp định Thương mại Tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư (EVIPA) cho Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Hà Nội.
Như vậy, Việt Nam đã hoàn tất các thủ tục pháp lý trong nước đối với việc phê chuẩn Hiệp định. Tiếp theo, Việt Nam sẽ thông báo với EU về việc các hoàn tất các thủ tục nội bộ và thống nhất với phía EU về thời điểm có hiệu lực của Hiệp định EVFTA.
Theo quy định, EVFTA sẽ có hiệu lực vào ngày đầu tiên của tháng thứ hai sau tháng mà các Bên đã thông báo cho nhau về việc hoàn thành các thủ tục pháp lý tương ứng để Hiệp định này có hiệu lực (tức 1/8/2020 tới đây); hoặc các Bên cũng có thể thỏa thuận với nhau để lựa chọn một ngày khác để đưa Hiệp định vào thực thi.
Theo Bộ Công Thương, việc Quốc hội Việt nam thông qua Nghị quyết phê chuẩn EVFTA đánh dấu một mốc quan trọng trong chặng đường dài đàm phán, ký kết, và hoàn tất phê chuẩn Hiệp định EVFTA.
Trong quá trình đó, với sự nỗ lực, cố gắng và quyết tâm chính trị rất cao của Đảng và Nhà nước cũng như sự phối hợp nhịp nhàng và hiệu quả giữa các cấp, các ngành, Hiệp định EVFTA được kỳ vọng nâng mối quan hệ thương mại song phương Việt Nam - Liên minh châu Âu lên một tầm cao mới nói riêng và thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam nói chung, góp phần vào công cuộc đổi mới và hiện đại hóa đất nước.
Nghiên cứu cho thấy Hiệp định EVFTA sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 20% vào năm 2020; 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với không có hiệp định. Đồng thời, kim ngạch nhập khẩu từ EU cũng tăng nhưng với tốc độ thấp hơn xuất khẩu, cụ thể là khoảng 15,28% vào năm 2020; 33,06% vào năm 2025 và 36,7% vào năm 2030.
Về mặt vĩ mô, EVFTA góp phần làm GDP của Việt Nam tăng thêm ở mức bình quân 2,18 - 3,25% (năm 2019 - 2023); 4,57 - 5,30% (năm 2024 - 2028) và 7,07 - 7,72% (năm 2029 - 2033). Bên cạnh đó, về nhập khẩu, các doanh nghiệp Việt Nam cũng sẽ được lợi từ nguồn hàng hóa, nguyên liệu nhập khẩu với chất lượng tốt và ổn định với mức giá hợp lý hơn từ EU.
Như vậy, giai đoạn hậu dịch bệnh, Hiệp định EVFTA được đưa vào thực thi sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam có trong tay lợi thế rất lớn từ việc giảm/xóa bỏ hàng rào thuế quan vào thị trường EU để khai thác thị trường 18 nghìn tỷ USD này.