Tổng thu 5 năm 6,8 triệu tỷ đồng
4 năm qua thu ngân sách nhà nước đều vượt dự toán. Năm 2019 là năm thứ hai liên tiếp vượt thu của ngân sách trung ương. Các chỉ tiêu về tổng thu, tỷ lệ huy động vào ngân sách nhà nước và cơ cấu thu nội địa cơ bản đạt mục tiêu của kế hoạch 5 năm.
Trong đó tổng thu 5 năm ước đạt 6,8 triệu tỷ đồng, tỷ lệ huy động vào ngân sách nhà nước đạt 24,4% GDP, trong đó từ thuế, phí xấp xỉ 21% GDP, tức chiếm 86% tỷ lệ huy động vào ngân sách nhà nước.
Cơ cấu chi ngân sách nhà nước được chuyển dịch tích cực, các chỉ tiêu cơ bản đạt và vượt kế hoạch 5 năm. Trong đó, tỷ trọng dự toán chi đầu tư phát triển tăng dần (năm 2017 là 25,7% đến năm 2020 dự toán chi cho đầu tư phát triển khoảng 26,9%) và thực hiện 5 năm, ước đạt 27-28% tổng chi ngân sách nhà nước.
Tổng chi đầu tư phát triển của ngân sách nhà nước 5 năm ước đạt thực tế là 2.150.000 tỷ đồng. Tỷ trọng dự toán chi thường xuyên giảm dần (dự toán năm 2017 là 64,4% đến năm 2020 dự kiến là 60,5% nếu được Quốc hội thông qua).
Mục tiêu của kế hoạch là dưới 64% trong khi vẫn đảm bảo nguồn thực hiện cải cách tiền lương và các nhiệm vụ chi cho quốc phòng – an ninh, chính sách an sinh xã hội cấp thiết khác.
Tốc độ tăng nợ công giảm hơn một nửa
Một thành tựu cơ bản trong 5 năm là bội chi ngân sách nhà nước đã được kiểm soát. Năm 2020 dự toán là 3,44% GDP như vậy bình quân của cả giai đoạn 2016-2020 bội chi ngân sách nhà nước khoảng 3,6-3,7%GDP, vượt mục tiêu đề ra của giai đoạn là 3,9% và năm 2020 là dưới 3,5%GDP.
Nhờ kiểm soát tốt bội chi, các khoản vay bảo lãnh của Chính phủ nên tốc độ tăng nợ công đã giảm hơn một nửa và tăng thấp hơn tốc độ tăng GDP danh nghĩa.
Nếu như giai đoạn 2011-2015 tốc độ tăng nợ công là 18,1% một năm, trong khi GDP danh nghĩa là 14,5% một năm thì giai đoạn 2016-2018 tốc độ tăng nợ công là 8,2% một năm, trong khi GDP danh nghĩa tăng 9,7% một năm.
Nhờ vậy, tỷ lệ nợ công đến cuối năm 2020 ước tính khoảng 54,3% GDP, trong khi năm 2016 năm đầu của thời kỳ là 63,7% GDP. Kỳ hạn phát hành trái phiếu Chính phủ bình quân tăng từ mức 3,95 của năm 2011 lên mức 13,5 trong 9 tháng đầu năm 2019.
Bên cạnh đó, nhiều đại biểu chỉ ra những khó khăn trong huy động ngân sách nhà nước. Tỷ lệ huy động từ thuế, phí có xu hướng giảm dần. Năm 2019-2020 chưa đạt mục tiêu là 21% GDP, mặc dù bình quân cả giai đoạn cơ bản đạt mục tiêu là 21% GDP.
Vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương.
Nguyên nhân chủ yếu là do đóng góp thu từ dầu thô và hoạt động xuất, nhập khẩu thời gian qua giảm rất nhanh. Giai đoạn 2016-2020 giảm còn 4,5% GDP, dự kiến năm 2019 là 4,2%, năm 2020 còn 3,6% GDP của 2 khoản thu. Trong khi triển khai các giải pháp điều chỉnh chính sách thu theo kế hoạch 5 năm gặp nhiều khó khăn.
Trong kế hoạch 5 năm 2016-2020 đặt ra yêu cầu điều chỉnh chính sách thu để thu tăng thêm khoảng 300.000 tỷ đồng nhằm bù đắp giảm thu từ xuất nhập khẩu và dầu thô.
Bên cạnh đó, năng lực sản xuất của một số ngành, lĩnh vực đã đi vào ổn định, khó đạt mức tăng trưởng cao như dự toán năm 2020. Cùng với đó, thu nội địa của một số địa phương trọng điểm có điều tiết về ngân sách trung ương, tổng số thu là chiếm 2/3 tổng thu nội địa của cả nước tăng rất là chậm.
Đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến cân đối thu của ngân sách trung ương gặp khó khăn. Giai đoạn 5 năm 2016-2020 ước đạt khoảng 55 đến 56% tổng thu ngân sách nhà nước, thấp hơn mục tiêu đề ra.
Để cải thiện vấn đề này, trong thời gian qua Bộ Tài chính đã và đang nghiên cứu để tiếp tục kiến nghị điều chỉnh chính sách thu vừa đảm bảo tính cạnh tranh của môi trường đầu tư, đồng thời huy động hợp lý cho ngân sách nhà nước, phù hợp với thông lệ quốc tế.
Bên cạnh đó, phải tăng cường các giải pháp quản lý thu, chống thất thu, chống chuyển giá, thu hồi nợ đọng thuế để phấn đấu hoàn thành các mục tiêu của kế hoạch 5 năm ở mức cao nhất.
Đồng thời, Bộ cũng đang nghiên cứu, xây dựng, hoàn chỉnh các chính sách thu, các quy định về phân cấp nguồn thu giữa các cấp ngân sách theo hướng đảm bảo vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương.