Sự cố mất điện diện rộng tại tiểu bang Texas hồi tháng 2/2021 đã khiến chính trường Hoa Kỳ dậy sóng với các tranh luận về việc thả nổi thị trường điện cũng như để thị trường tự do quyết định các dịch vụ công cộng. Trong quá khứ và hiện tại, Hoa Kỳ đã nhiều lần quốc hữu hóa hoặc điều tiết đặc biệt với một số lĩnh vực quan trọng nhằm đảm bảo các mục tiêu kinh tế - xã hội.
Nhìn từ sự kiện mất điện diện rộng tại Texas
Tháng 2 vừa qua, khi ba triệu người dân tại tiểu bang Texas - Trung tâm năng lượng của Hoa Kỳ chưa hết sốc vì thảm hoạ bão tuyết nghiêm trọng đã phải choáng váng vì hoá đơn tiền điện tăng gấp 1.000 lần thông thường mặc dù bị cắt điện luân phiên kéo dài trong suốt thời gian bão tuyết diễn ra.
Các nhà phân tích chỉ ra rằng nguyên nhân chủ yếu của sự kiện trên là do thị trường điện ở Texas là phi điều tiết, được thả nổi trong hơn 20 năm qua. Hàng trăm doanh nghiệp bán lẻ điện tại đây được bán điện ở bất kỳ mức giá với bất kỳ điều khoản hợp đồng miễn là khách hàng chấp thuận.
Tuy nhiên, mặt trái của vấn đề này được bộc lộ rõ khi nhu cầu sử dụng điện tăng vọt như trong thảm hoạ bão tuyết vừa qua, các nhà bán lẻ điện được tự động điều chỉnh giá bán điện theo thị trường hoặc cắt điện luân phiên kéo dài mà không chịu bất kỳ sự quản lý nào.
Bên cạnh đó, bất chấp các cảnh báo từ lâu, các doanh nghiệp tại đây gần như không đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng điện hoặc chuẩn bị cho các trường hợp rủi ro nhằm tiết giảm chi phí, đảm bảo mục tiêu lợi nhuận. Do đó, hệ thống lưới điện của Texas dễ dàng bị đánh sập khi bão tuyết xảy ra.
Cách đây hơn 20 năm khi đưa ra các quy định thả nổi với niềm tự hào đưa Texas trở thành tiểu bang duy nhất tại Hoa Kỳ có thị trường điện hoạt động phi điều tiết, các nhà lập pháp tại đây đã không lường trước được việc hàng trăm doanh nghiệp điện sẽ cạnh tranh với nhau bằng việc đưa ra mức giá bán điện rẻ hấp dẫn với khách hàng và đánh đổi bằng rủi ro sử dụng cơ sở hạ tầng cũ kỹ thay vì nâng cấp hoặc chuẩn bị dài hạn.
Sự cố mất điện diện rộng tại Texas đã lại lần nữa khiến chính trường Hoa Kỳ tranh luận gay gắt về việc tăng cường điều tiết hơn nữa với các lĩnh vực tiện ích công cộng như cung ứng điện cũng như quốc hữu hoá các doanh nghiệp quan trọng nhằm đảm bảo an sinh xã hội cũng như lợi ích quốc gia thay vì để khu vực tư nhân tự đảm nhận.
Giải cứu hàng triệu việc làm
Trên thực tế, Hoa Kỳ đã nhiều lần tiến hành quốc hữu hoá các doanh nghiệp dưới nhiều hình thức và cấp độ khác nhau từ áp đặt quyền kiểm soát đặc biệt, cứu trợ tài chính, nắm lượng cổ phần chi phối đến việc thành lập các doanh nghiệp nhà nước mới dựa trên việc mua lại các doanh nghiệp tư nhân để kiểm soát một lĩnh vực.
Ví dụ nổi bật nhất là việc chính quyền Tổng thống Barack Obama tiến hành quốc hữu hoá hãng sản xuất ô tô lớn thứ hai thế giới General Motors (GM) vào tháng 6/2009 khi hãng này đối mặt với nguy cơ phá sản và tác động lớn đến ngành sản xuất ô tô Hoa Kỳ.
Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã thành lập Công ty NGMCO (Chính phủ Hoa Kỳ nắm 60,8% cổ phần; Chính phủ bang Ontario, Canada nắm 11,7% cổ phần và Nghiệp đoàn Công nhân Hoa Kỳ nắm lượng cổ phần còn lại) để tung ra 30,1 tỷ USD mua lại toàn bộ tài sản, thương hiệu của GM và giữ hoạt động sản xuất diễn ra bình thường.
Sau khi tái tổ chức ổn định và thực hiện IPO thành công trên Sàn chứng khoán New York, Chính phủ Hoa Kỳ bắt đầu thoái vốn và rút toàn bộ vốn vào năm 2013. Quá trình tương tự cũng được Chính phủ Hoa Kỳ áp dụng để giúp hãng sản xuất xe Chrysler thoát khỏi phá sản.
Các nghiên cứu sau này chỉ ra rằng mặc dù Chính phủ Hoa Kỳ lỗ khoảng 11 tỷ USD trong vụ mua lại hãng GM nhưng nếu không hành động thì thương hiệu sản xuất ô tô hàng đầu này cùng với khoảng 2,63 triệu việc làm trong toàn ngành sản xuất ô tô nước này biến mất vĩnh viễn.
Trước đó, vào những năm 1970, chính quyền Tổng thống Richard Nixon đã hành động mạnh tay hơn nhằm đảm bảo hoạt động vận tải đường sắt trên toàn quốc khi Penn Central Railroad - một trong những tập đoàn lớn nhất Hoa Kỳ thời bấy giờ, sụp đổ. Chính phủ Hoa Kỳ đã thành lập Tập đoàn Vận tải Hành quốc Đường sắt Quốc gia Hoa Kỳ (Amtrack) với 100% vốn thuộc chính phủ và thâu tóm toàn bộ các doanh nghiệp đường sắt tư nhân kinh doanh vận chuyển hành khách.
Thông qua Amtrack, Chính phủ Hoa Kỳ đã bỏ vốn đầu tư để phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng đường sắt trên toàn lãnh thổ giúp kết nối các khu vực xa xôi, duy trì các tuyến vận chuyển ít sinh lời, hiện đại hoá đội tàu vận chuyển và nâng cao chất lượng dịch vụ. Đến nay, Amtrack đóng vai trò quan trọng trong hệ thống vận tải của nước này, giải quyết hiệu quả bài toán tắc nghẽn giao thông tại nhiều đô thị lớn và phục vụ hơn 31 triệu hành khách/năm.
Trong cuộc chiến chống lại đại dịch Covid-19, cựu Tổng thống Donald Trump và Tổng thống Joe Biden đã thực hiện một số biện pháp nhằm đặt các đơn vị sản xuất vaccine ngừa Covid-19 và đồ bảo hộ y tế dưới sự điều hành trực tiếp của Chính phủ Hoa Kỳ nhằm đảm bảo lợi ích quốc gia.
Nhiều nhà kinh tế học đánh giá việc quốc hữu hoá và giao các doanh nghiệp nhà nước thực hiện các hoạt động kinh doanh trong những lĩnh vực ít sinh lời, nhiều khó khăn và đòi hỏi vốn đầu tư lớn tại Hoa Kỳ như lĩnh vực đường sắt, điện khí hoá, cung ứng nước sạch…. đã giúp nước này vượt qua những giai đoạn khó khăn, tạo sức lan tỏa và động lực phát triển cho các lĩnh vực khác, đóng góp tích cực vào việc đảm bảo an sinh xã hội và phát triển kinh tế.
Book: Lý do kinh tế chủ yếu dẫn tới quyết định quốc hữu hoá một số lĩnh vực kinh tế là nhằm chống lại độc quyền tự nhiên. Trong một số ngành, đặc biệt là các lĩnh vực tạo lập kết cấu hạ tầng cho tăng trưởng, việc cung cấp hàng hóa hoặc dịch vụ sẽ được thực hiện có hiệu quả hơn nếu chỉ có một nhà cung cấp, vì điều này góp phần tận dụng hiệu quả quy mô để tiết kiệm chi phí.
Bên cạnh đó, các lĩnh vực tiện ích công cộng hoặc tạo lập kết cấu hạ tầng thường đòi hỏi vốn đầu tư lớn nhưng lợi nhuận thấp, kém hấp dẫn khối tư nhân tham gia nên sự xuất hiện của các doanh nghiệp nhà nước giúp đem lại các lợi ích cộng đồng với giá cả phải chăng.