Quốc tế nổi bật: Quyết định quan trọng của EU

27 nước thành viên EU đã đạt thỏa thuận sơ bộ về việc chuyển lợi nhuận từ tài sản Nga bị phong tỏa để hỗ trợ tái thiết Ukraine.

Quyết định của EU với tài sản Nga

eu
Ngân hàng thế giới ước tính chi phí tái thiết Ukraine có thể lên tới 411 tỉ USD trong 10 năm tới

27 nước thành viên EU đã đạt thỏa thuận sơ bộ về việc chuyển lợi nhuận từ tài sản Nga bị phong tỏa để hỗ trợ tái thiết Ukraine. Thoả thuận đạt được vào cuối ngày 29-1 và vẫn cần được phê duyệt chính thức. Tuy nhiên, đây được xem là bước đầu tiên trong kế hoạch sử dụng tài sản bị đóng băng của Nga trong nỗ lực tái thiết Ukraine vốn bị tàn phá do xung đột với Moscow suốt 23 tháng qua. Bỉ hiện giữ ghế Chủ tịch Hội đồng Liên minh châu Âu (EU) và giữ vai trò cầm trịch trong thoả thuận sơ bộ nói trên.

Ông Putin chính thức trở thành ứng viên tranh cử Tổng thống Nga

Tổng thống Vladimir Putin
Tổng thống Vladimir Putin

Ủy ban bầu cử trung ương của Liên bang Nga đã chính thức đăng ký tư cách ứng cử viên tổng thống cho đương kim Tổng thống Vladimir Putin.

Trong số 315.000 chữ ký ủng hộ ông Putin theo quy định, Ủy ban bầu cử trung ương Nga đã chọn ngẫu nhiên 60.000 chữ ký để kiểm tra và kết quả đạt tỷ lệ hợp lệ gần như tuyệt đối. Như vậy, ông Putin trở thành ứng cử viên tổng thống thứ 4 được đăng ký trong cuộc bầu cử vào tháng 3 tới. Đối với ông Putin, đây là cuộc tranh cử tổng thống thứ 5 trong sự nghiệp chính trị của ông.

Hungary phản ứng với EU

Thủ tướng Hungary Viktor Orban
Thủ tướng Hungary Viktor Orban

Bộ trưởng phụ trách các vấn đề châu Âu của Hungary tuyên bố Budapest sẽ không nhượng bộ trước những thông tin Liên minh châu Âu (EU) sẽ tìm cách trừng phạt nền kinh tế nước này nếu không ủng hộ viện trợ Ukraine.

Trước hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo EU ngày 1/2, Thủ tướng Hungary Viktor Orban quả quyết sẽ tiếp tục phản đối việc sử dụng ngân sách chung của khối để viện trợ 50 tỷ Euro (54 tỷ USD) cho Ukraine.

Phong trào Hamas nghiên cứu đề xuất ngừng bắn

Binh sĩ Israel
Binh sĩ Israel tiến hành chiến dịch quân sự tại Dải Gaza ngày 23/1/2024. Ảnh: AFP/TTXVN

Thủ lĩnh phong trào Hồi giáo Hamas Ismail Haniyeh cho biết nhóm này đã nhận được đề xuất ngừng bắn sau cuộc thảo luận tại Paris (Pháp) và sẽ nghiên cứu đề xuất này.

Trong một tuyên bố, ông Haniyeh cho biết phản ứng của phong trào Hamas đối với đề xuất sẽ tùy thuộc vào việc Israel chấm dứt chiến dịch quân sự tại Dải Gaza và rút hoàn toàn lực lượng khỏi vùng lãnh thổ này. Ông nói thêm rằng Hamas sẵn sàng thảo luận về bất kỳ sáng kiến nghiêm túc nào, miễn là dẫn đến việc chấm dứt hoàn toàn chiến dịch quân sự của Israel tại Gaza và cung cấp nơi ở cho những người phải sơ tán.

Mỹ sẽ đáp trả Iran?

Tổng thống Mỹ Joe Biden
Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: AFP/TTXVN

Mỹ sẽ đáp trả và có những hành động cần thiết để bảo vệ binh sĩ nước này. Đây là khẳng định của Washington sau sự việc 3 binh sĩ Mỹ thiệt mạng, hàng chục người bị trong vụ tấn công bằng máy bay không người lái ở Jordan vào cuối tuần qua.

Đêm 28/1 (giờ địa phương), Tháp 22, một tiền đồn nhỏ của Mỹ tại Jordan, nằm gần biên giới Syria, bị tập kích bằng máy bay không người lái (UAV) khiến 3 binh sĩ thiệt mạng và 34 người bị thương. Tổng thống Mỹ Joe Biden ngay lập tức tuyên bố “Mỹ sẽ đáp trả”, đồng thời cáo buộc các nhóm do Iran hậu thuẫn hoạt động ở Syria và Iraq đứng sau vụ tấn công.

Cựu Thủ tướng Pakistan bị kết án 10 năm tù

Cựu Thủ tướng Pakistan Imran Khan
Cựu Thủ tướng Pakistan Imran Khan

Một tòa án ở Pakistan ngày 30/1 đã kết án ông Imran Khan - cựu Thủ tướng nước này, hiện là lãnh đạo đảng Phong trào Công lý (MJP) đối lập và cựu Ngoại trưởng Shah Mehmood Qureshi - Phó chủ tịch MJP cùng mức án 10 năm tù vì tội vi phạm luật bí mật nhà nước.

Ông Imran Khan giữ chức Thủ tướng Pakistan trong giai đoạn 2018-2022 và đã bị phế truất trong một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Quốc hội Pakistan vào ngày 10/4/2022.

Cuộc điều tra chống lại ông Khan bắt đầu sau khi ông công khai việc đã nhận được bức điện mật từ Đại sứ Pakistan tại Mỹ. Trước đó, ông Imran Khan cũng đã bị kết án 3 năm tù vì tội tham nhũng.

Thượng viện Anh bác bỏ đề xuất phản đối dự luật Rwanda

Thủ tướng Anh Rishi Sunak
Thủ tướng Anh Rishi Sunak

Với 206 phiếu phản đối và 84 phiếu ủng hộ, Thượng viện Anh đã bỏ phiếu bác bỏ một đề xuất nhằm ngăn chặn dự luật đưa người nhập cư trái phép đến Rwanda. Đây là một chiến thắng có ý nghĩa quan trọng đối với Thủ tướng Rishi Sunak trong bối cảnh nước Anh sắp sửa bước vào cuộc tổng tuyển cử.

Theo dự luật Rwanda, những người xin tị nạn đến bờ biển phía nam nước Anh trên những chiếc thuyền bơm hơi nhỏ sẽ được gửi đến Rwanda để sinh sống. Trong bối cảnh nước Anh sắp sửa bước vào cuộc tổng tuyển cử, Thủ tướng Anh đã đặt cược niềm tin và uy tín của mình vào cam kết ngăn chặn tình trạng thuyền chở người di cư không có giấy tờ đi qua eo biển Manche. 

Xuân An (t/h)