Ukraine có thể mở lại một phần không phận
Người đứng đầu chính quyền Vùng Lviv của Ukraine cho biết nơi đây có thể mở lại không phận và lập một tuyến đường hàng không hoạt động tương tự như hành lang ngũ cốc ở Biển Đen.
Thống đốc Maksim Kozitsky vừa cho biết, Liên minh châu Âu (EU) có thể triển khai các chuyến bay đến thành phố Lviv ở phía Tây Ukraine. Tuyến đường hàng không này có thể hoạt động tương tự như tuyến đường xuất khẩu ngũ cốc ở Biển Đen do Thỗ Nhĩ Kỳ và Liên hợp quốc làm trung gian vào năm ngoái. Việc mở lại sân bay quốc tế Lviv đã được các quan chức Ukraine đã thảo luận với Cao ủy Giao thông vận tải EU Adina-Ioana Valean.
Kiev đã đóng cửa không phận đối với tất cả các chuyến bay dân sự vào tháng 2/2022 sau khi nổ ra xung đột với Nga. Hiện chưa rõ các chuyến bay tới Lviv có thể được tổ chức an toàn thế nào chỉ với sự bảo đảm của EU và Ukraine, nếu như không nhận được hợp tác từ Nga.
WHO tuyên bố chấm dứt đợt bùng phát do virus Marburg tại Guinea Xích đạo
Ngày 8/6, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tuyên bố chấm dứt đợt bùng phát dịch bệnh do virus Marburg gây ra tại Guinea Xích đạo, quốc gia nhỏ ven biển miền Trung Tây châu Phi.
Tuyên bố của WHO nêu rõ quyết định được đưa ra sau khi quốc gia này không ghi nhận ca mắc mới nào trong 42 ngày qua kể từ khi bệnh nhân cuối cùng xuất viện. WHO cho biết có tổng cộng 17 ca mắc được xác nhận trong phòng thí nghiệm, 12 ca tử vong ngoài cộng đồng trong khi có 23 ca tử vong được cho là có thể do căn bệnh này. Cơ quan trên cho biết thêm 4 trường hợp khỏi bệnh đã được đưa vào diện hỗ trợ tâm lý xã hội cũng như nhận được các hỗ trợ khác sau khi phục hồi.
Sân bay La Guardia ở New York dừng toàn bộ chuyến bay
Giới chức trách tại New York ngày 8/6 đã dừng các chuyến bay từ phía đông bắc, Ohio và Trung Đại Tây Dương đến sân bay LaGuardia. Cơ quan Hàng không liên bang Mỹ (FAA) cho biết khói cháy rừng từ Canada đã làm giảm tầm nhìn và gây ảnh hưởng tới các chuyến bay ở Mỹ.
Hàng triệu người trên khắp Bắc Mỹ thức dậy với bầu trời màu cam và không khí đầy khói hôm 8/6 khi các cảnh báo về chất lượng không khí tiếp diễn trên khắp nước Mỹ và Canada. Mọi người được khuyến khích đeo khẩu trang để bảo vệ phổi khỏi hít phải quá nhiều không khí ô nhiễm.
Gần 1.500 người di cư được cứu sống ở Địa Trung Hải
Lực lượng bảo vệ bờ biển Italy ngày 7/6 cho biết, gần 1.500 người di cư đã được cứu sống trong hai ngày 5 và 6/6. Các vụ giải cứu này diễn ra trong bối cảnh điều kiện thời tiết cải thiện đã khiến một làn sóng mới người di cư tìm cách vượt biển đến Italy.
Italy là một trong những điểm đến hàng đầu của những người di cư tìm cách vượt Địa Trung Hải sang châu Âu và đây là tuyến di cư nguy hiểm nhất thế giới. Vào tháng 5 vừa qua, cảnh sát Italy đã bắt 29 đối tượng thuộc đường dây tội phạm buôn bán người di cư bằng thuyền từ Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp, qua Italy tới Bắc Âu.
Theo thống kê của các cơ quan chức năng Italy, từ đầu năm đến đầu tháng 5/2023, đã có hơn 45.000 người di cư đến quốc gia này, tăng hơn 4 lần so với số lượng 12.000 người trong cùng kỳ năm 2022. Vào tháng 3/2023, khoảng 1.300 người di cư đã được giải cứu ngoài khơi bờ biển phía nam Italy sau khi những chiếc thuyền chở họ gặp sự cố ở Địa Trung Hải.
Australia dọa sẽ từ bỏ thỏa thuận thương mại tự do với EU
Australia dọa sẽ từ bỏ một thỏa thuận thương mại tự do lớn với Liên minh châu Âu (EU) trừ khi các nhà sản xuất của nước này được phép sử dụng các nhãn như Feta và Prosciutto.
Các cuộc đàm phán bắt đầu vào năm 2018 về mọi thứ, từ hóa chất đến mỹ phẩm, nhưng đã nhiều lần bị đình trệ ở giai đoạn cuối về những mặt hàng rượu vang, phomát và thịt nguội.
Các nhà sản xuất châu Âu nổi tiếng bảo hộ lập luận rằng phomát Roquefort chỉ có thể đến từ một vùng cụ thể ở Pháp và Gouda phải được sản xuất ở Hà Lan. Trong khi đó, Bộ trưởng Nông nghiệp Murray Watt cho biết Australia từ chối lùi bước bất chấp những lợi ích kinh tế to lớn của thỏa thuận với EU.
Hai tàu chở dầu bị người biểu tình Peru tấn công
Một nhóm người biểu tình bản địa ở vùng Amazon của Peru đã tấn công hai tàu chở dầu bằng bom xăng, được cho là có liên quan đến những thay đổi của Chính phủ đối với các quỹ xã hội, nhà điều hành các tàu cho biết.
Theo một tuyên bố từ PetroTal có trụ sở tại Canada, hàng chục thành viên đội tàu của cả hai tàu chở dầu, một trong số đó chứa 40.000 thùng dầu thô, đã bị những kẻ tấn công bắt cóc. PetroTal cáo buộc những người biểu tình liên kết với hiệp hội bản địa Aidecobap đã chặn một nhánh sông Amazon, nhằm ngăn cản việc đi qua của hai tàu chở dầu, trong khi tấn công họ từ ca nô bằng bom xăng.
Đại diện của Aidecobap hiện chưa có bất kỳ bình luận nào về cáo buộc nói trên.
Iran "trình làng" tên lửa siêu thanh
Quân đội Iran vừa công bố tên lửa siêu thanh Fattah có tầm bắn tối đa khoảng 1.400km và có thể bay với vận tốc Mach 14 (gấp 14 lần vận tốc âm thanh, tương đương 15.000km/giờ), trước khi đánh trúng mục tiêu.
Theo truyền thông Iran, Fattah có thể xuyên thủng các hệ thống phòng không của Mỹ và Israel (đối thủ chính của Iran), kể cả hệ thống “Vòm Sắt”.
Theo Aljazeera, trên thế giới hiện có 4 nước là Nga, Trung Quốc, Mỹ và Iran tuyên bố sở hữu tên lửa siêu thanh. Trong đó, Nga đã đưa tên lửa siêu thanh vào chiến đấu.
Tầm bắn 1.400km của tên lửa Fattah tương đương với khoảng cách từ Tehran (thủ đô Iran) tới Tel Aviv (thủ đô Israel). Với vận tốc Mach 14, trên lý thuyết, Fattah có thể tập kích các mục tiêu ở Israel trong vòng chưa đầy 7 phút. Đây là thách thức rất lớn đối với hệ thống phòng không “Vòm Sắt” tiên tiến mà Israel sở hữu.