Quy định EU số 1169/2011 được Ủy ban Châu Âu ban hành vào ngày 22/11/2011; quy định này sửa đổi, bổ sung Quy định (EC) số 1924/2006 và (EC) số 1925/2006, và sẽ hủy bỏ Chỉ thị 87/250/EEC, Chỉ thị 90/496/EEC, Chỉ thị 1999/10/EC, Chỉ thị 2000/13/EC, Chỉ thị 2002/67/EC và 2008/5/EC và Quy định (EC) No 608/2004 đối với nhãn sản phẩm thực phẩm kể từ ngày 13/12/2014.
Một số yêu cầu quan trọng về việc ghi nhãn thuộc Quy định EU số 1169/2011 cần đáp ứng trong mọi trường hợp là việc ghi nhãn không được gây hiểu nhầm, nhãn sản phẩm phải được ghi chính xác, rõ ràng và dễ hiểu. Đặc biệt, nhãn sản phẩm không được phép gợi ý rằng thực phẩm giúp ngăn ngừa, điều trị và chữa bệnh cho người.

Theo Quy định này, doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm trong lĩnh vực kinh doanh dưới sự kiểm soát của mình phải có trách nhiệm: Không được sửa thông tin đi kèm thực phẩm nếu việc làm đó gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng sau cùng hoặc làm giảm mức độ bảo vệ người tiêu dung và khả năng người tiêu dùng sau cùng được lựa chọn sản phẩm trên cơ sở thông tin. Đảm bảo tuân thủ các yêu cầu về luật thông tin thực phẩm và các quy định trong nước khác liên quan đến hoạt động của mình và phải xác minh được các yêu cầu đó đã được đáp ứng.
Đồng thời, doanh nghiệp phải đảm bảo thông tin liên quan đến thực phẩm đóng gói sẵn dành cho người tiêu dùng sau cùng hoặc cung cấp cho các cơ sở phục vụ ăn uống quy mô lớn được truyền tải đến doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm nhận thực phẩm đó nhằm, khi cần thiết, cung cấp thông tin bắt buộc về thực phẩm đến tay người tiêu dùng sau cùng.
Thông tin chung cần có trên nhãn
Nhãn sản phẩm phải thể hiện đầy đủ 12 thông tin sau:
1. Tên thực phẩm;
2. Danh mục nguyên liệu;
3. Bất kỳ nguyên liệu hoặc phụ liệu nào liệt kê trong Phụ lục II của Quy định này hoặc bắt nguồn từ các chất hoặc sản phẩm liệt kê trong Phụ lục II gây dị ứng hoặc khó chịu được sử dụng trong sản xuất hoặc chế biến thực phẩm và có trong sản phẩm cuối cùng, mặc dù dưới một hình thức khác;
4. Số lượng các nguyên liệu hoặc các nhóm nguyên liệu nhất định;
5. Khối lượng tịnh của thực phẩm;
6. Hạn sử dụng tối thiểu hoặc “sử dụng đến ngày”;
7. Điều kiện bảo quản/hoặc điều kiện sử dụng đặc biệt nếu có;
8. Tên hoặc tên doanh nghiệp và địa chỉ của doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm;
9. Nước xuất xứ hoặc nơi xuất xứ như quy định tại Điều 26;
10. Hướng dẫn sử dụng trong trường hợp khó có thể sử dụng thực phẩm đúng cách nếu không có những hướng dẫn đó;
11. Đối với đồ uống chứa hơn 1,2 % hàm lượng cồn, nồng độ cồn theo hàm lượng;
12. Thông tin dinh dưỡng.
Theo Quy định mới, kích cỡ chữ trên nhãn được xác định theo “chiều cao x”; chiều cao đó sẽ bằng hoặc lớn hơn 1,2mm trừ khi ‘khoảng trống tối đa nhỏ hơn 80 cm2 thì chiều cao x sẽ bằng hoặc lớn hơn 0,9mm.
Trong trường hợp thực phẩm đóng gói sẵn, thông tin bắt buộc về thực phẩm phải được ghi trực tiếp trên bao bì hoặc trên nhãn gắn lên bao bì.
Thông tin bắt buộc về thực phẩm phải được ghi bằng ngôn ngữ dễ hiểu đối với người tiêu dùng của nước thành viên nơi thực phẩm được bán. Trong phạm vi lãnh thổ của mình, các nước thành viên nơi thực phẩm được bán có thể quy định rằng các chi tiết phải được nêu bằng một trong những ngôn ngữ chính thức của EU.
Đối với thông tin dinh dưỡng được ghi trên nhãn phải bao gồm thông tin về giá trị năng lượng và lượng chất béo, chất béo bão hòa, carbohydrate, đường, protein và muối có trong sản phẩm. Ngoài ra, một số thông tin sau cũng có thể cần được ghi trên nhãn:
(a) mono-unsaturates;
(b) polyunsaturates;
(c) polyols;
(d) tinh bột;
(e) chất xơ;
(f) bất kỳ loại vitamin hoặc khoáng chất nào có mặt với ‘số lượng đáng kể'