Quy định về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất

Ngày 9/9/2015, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Thông tư 41/2015/TT-BTNMT về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất.

Theo đó, trường hợp phát hiện dấu hiệu vi phạm về bảo vệ môi trường chưa thể quyết định thông quan hoặc buộc tái xuất, cơ quan hải quan tổ chức giám định lại lô hàng phế liệu nhập khẩu hoặc thành lập Hội đồng kiểm tra phế liệu nhập khẩu để đánh giá sự tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đối với phế liệu nhập khẩu của lô hàng phế liệu nhập khẩu.


          Thông tư này áp dụng đối với cơ quan quản lý nhà nước; tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước có liên quan đến hoạt động nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài để sử dụng làm nguyên liệu sản xuất; nhập khẩu phế liệu để thử nghiệm làm nguyên liệu sản xuất; nhận ủy thác nhập khẩu cho tổ chức, cá nhân sử dụng phế liệu nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất.

          Thông tư nêu rõ: Bộ Tài nguyên và Môi trường có thẩm quyền cấp, cấp lại, thu hồi Giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất đối với các trường hợp sau: a- Tổ chức, cá nhân trực tiếp sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất có khối lượng phế liệu nhập khẩu quy định tại Phụ lục I kèm Thông tư này; b- Tổ chức, cá nhân nhận ủy thác nhập khẩu cho tổ chức, cá nhân sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất.

          Theo Phụ lục I, Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy xác nhận khi quy mô khối lượng nhập khẩu là ≥ 500 tấn/năm với thạch cao và xỉ hạt nhỏ từ công nghiệp luyện sắt hoặc thép; các nguyên tố hóa học là ≥ 50 tấn/năm; ≥ 200 tấn/năm với phế liệu nhựa và phế liệu giấy; phế liệu sắt, thép là ≥ 5.000 tấn/năm; ≥ 50 tấn/năm với phế liệu và mảnh vụn của đồng, niken, nhôm, kẽm, thiếc, titan, crom…

          Thông tư cũng nêu rõ trách nhiệm bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất như: Đối với tổ chức, cá nhân trực tiếp sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất phải nhập khẩu đúng chủng loại, khối lượng phế liệu được phép nhập khẩu quy định trong Giấy xác nhận; sử dụng toàn bộ phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất tại cơ sở của mình; lấy mẫu, phân tích để xác định chủng loại chất thải phát sinh từ quá trình sử dụng phế liệu nhập khẩu để có phương án xử lý hoặc chuyển giao cho đơn vị có chức năng phù hợp; định kỳ báo cáo về việc nhập khẩu và sử dụng phế liệu trong năm theo quy định. Đối với tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu để thử nghiệm làm nguyên liệu sản xuất có trách nhiệm nhập khẩu đúng chủng loại, khối lượng phế liệu được phép nhập khẩu quy định trong văn bản cho phép của Thủ tướng chính phủ; sử dụng toàn bộ khối lượng phế liệu nhập khẩu để thử nghiệm làm nguyên liệu sản xuất tại cơ sở của mình; lấy mẫu, phân tích để xác định chủng loại chất thải phát sinh từ quá trình sử dụng phế liệu nhập khẩu để có phương án xử lý hoặc chuyển giao cho đơn vị có chức năng phù hợp. Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường của tổ chức, cá nhân nhập khẩu, sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất trên địa bàn; phối hợp với Tổng cục môi trường, cơ quan hải quan và các cơ quan có liên quan tại địa phương khi có yêu cầu phối hợp kiểm tra phế liệu nhập khẩu; quản lý chủng loại, khối lượng phế liệu nhập khẩu của các tổ chức, cá nhân do Sở Tài nguyên và Môi trường cấp Giấy xác nhận theo đúng quy định của Giấy xác nhận đã được cấp; định kỳ báo cáo công tác quản lý nhập khẩu, sử dụng phế liệu làm nguyên liệu sản xuất theo quy định về Bộ Tài nguyên và Môi trường.

          Trước khi làm thủ tục nhập khẩu từng lô hàng phế liệu, tổ chức, cá nhân gửi văn bản thông báo về lô hàng phế liệu nhập khẩu theo mẫu quy định tại Phụ lục 11 ban hành kèm theo Thông tư này đến cơ quan có thẩm quyền. Trong thời hạn tối đa năm (05) ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản thông báo của tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu, cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm thông báo bằng văn bản theo mẫu quy định tại Phụ lục 12 ban hành kèm theo Thông tư này cho tổ chức, cá nhân và cơ quan hải quan cửa khẩu nhập (bằng bản fax hoặc thư điện tử).

          Việc thu hồi giấy xác nhận được thực hiện trong các trường hợp sau đây: Vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất hoặc quy định trong giấy xác nhận đến mức độ phải thu hồi theo quy định của pháp luật; Tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu sau thời hạn 1 năm kể từ ngày được cấp giấy xác nhận mà không tiến hành việc nhập khẩu trừ trường hợp bất khả kháng; Tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu chấm dứt hoạt động về nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất hoặc phá sản, giải thể. Cơ quan có thẩm quyền cấp giấy xác nhận ban hành quyết định thu hồi giấy xác nhận do mình cấp, trong đó nêu rõ tên tổ chức, cá nhân bị thu hồi, căn cứ, lý do thu hồi.