TÓM TẮT:
Pháp luật hiện hành có các quy định cho phép các tổ chức kinh tế đầu tư kinh doanh các dự án đầu tư hạ tầng nghĩa trang nhằm mục đích chuyển nhượng quyền sử dụng đất gắn với hạ tầng. Tuy nhiên, việc thực hiện dự án đầu tư hạ tầng nghĩa trang của các tổ chức kinh tế trên thực tế còn gặp rất nhiều khó khăn và bất cập. Bài viết này sẽ phân tích các thủ tục pháp lý quan trọng khi thực hiện dự án đầu tư hạ tầng nghĩa trang của tổ chức kinh tế, chỉ ra được các khó khăn mà các tổ chức kinh tế gặp phải và đưa ra giải pháp phù hợp nhằm thúc đẩy đầu tư.
Từ khóa: nghĩa trang, dự án nghĩa trang, hạ tầng nghĩa trang, đất nghĩa trang, pháp luật nghĩa trang.
1. Đặt vấn đề
Nhu cầu sử dụng đất nghĩa trang, nghĩa địa, nhà tang lễ, nhà hỏa táng tại Việt Nam ngày càng tăng cao. Phần lớn, các nghĩa trang đều là nghĩa trang công cộng, chịu sự quản lý của các cơ quan, đơn vị nhà nước và được xây dựng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước. Do đó, việc xã hội hóa lĩnh vực đầu tư hạ tầng nghĩa trang hết sức cần thiết. Tuy nhiên, các dự án đầu tư hạ tầng nghĩa trang do các tổ chức kinh tế đầu tư xây dựng chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ, vì quỹ đất được Nhà nước giao để thực hiện các dự án đầu tư hạ tầng nghĩa trang vẫn còn rất ít và hạn chế. Việc này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là quy định pháp luật về đất đai còn nhiều bất cập, khó khăn; quy hoạch đất nghĩa trang từng địa phương còn khác nhau và các thủ tục về đầu tư còn phức tạp. Vì vậy, việc nghiên cứu để làm rõ những vấn đề khó khăn, vướng mắc trong đầu tư dự án đầu tư hạ tầng nghĩa trang sẽ góp phần tìm ra giải pháp hữu ích để các tổ chức kinh tế có thể tham gia thực hiện các dự án đầu tư hạ tầng nghĩa trang phục vụ nhu cầu thị trường tốt hơn.
2. Tổng quan nghiên cứu
2.1. Khái quát chung về dự án đầu tư hạ tầng nghĩa trang
Pháp luật hiện hành chưa có quy định cụ thể thế nào là “hạ tầng nghĩa trang” mà chỉ quy định nghĩa trang là nơi táng người chết tập trung theo các hình thức táng khác nhau và được quản lý, xây dựng theo quy hoạch.[1]
Theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật - công trình nghĩa trang, cơ sở hỏa táng và nhà tang lễ số QCVN 07/10:2023/BXD thì trong một nghĩa trang có các khu chức năng chủ yếu gồm:
- Khu vực mai táng (có thể bao gồm một hoặc nhiều hơn các khu: khu chôn cất một lần, khu hung táng, khu cát táng).
- Khu tổ chức tang lễ hoặc nhà tang lễ trong nghĩa trang.
- Khu cơ sở hỏa táng trong nghĩa trang.
- Khu công trình lưu tro cốt lâu dài.
- Khu kỹ thuật: bảo quản thi hài, rửa hài cốt.
- Khu dành riêng cho các hoạt động tưởng niệm, thờ cúng (nếu có).
- Công trình phụ trợ: văn phòng làm việc, nhà chờ, nhà kho, nhà thường trực.
- Khu vệ sinh và các công trình dịch vụ khác.
- Công trình hạ tầng kỹ thuật: cây xanh, mặt nước, tiểu cảnh, cổng, hàng rào, sân, đường, bãi đỗ xe, công trình thoát nước mặt, cấp nước, thu gom và xử lý nước thải, thu gom và xử lý chất thải rắn, cấp điện, chiếu sáng, âm thanh, thông tin.
Các công trình chức năng có thể được hợp khối nhưng phải đảm bảo các yêu cầu an toàn về môi trường và an toàn cháy theo quy định.
Vì vậy, có thể hiểu “Hạ tầng nghĩa trang là một hệ thống phức hợp hạ tầng các công trình chức năng của một nghĩa trang, bao gồm: (i) Các công trình hạ tầng xây dựng các khu mai táng, khu tang lễ, khu cơ sở hỏa táng, khu lưu trữ tro cốt, khu kỹ thuật, khu tưởng niệm, thờ cúng, các công trình phụ trợ, khu vệ sinh và các công trình dịch vụ; (ii) Các công trình hạ tầng kỹ thuật gồm hệ thống giao thông, hệ thống xử lý chất thải, hệ thống cấp thoát nước, hệ thống điện, hệ thống thông tin và cảnh quan được quản lý, xây dựng theo quy hoạch, đáp ứng các quy chuẩn kỹ thuật về xây dựng, môi trường, an toàn cháy theo quy định.”
Việc đầu tư xây dựng hạ tầng nghĩa trang sẽ thực hiện theo hai hình thức: (i) nhà nước làm nhà chủ đầu tư, vốn từ vốn ngân sách nhà nước, vốn huy động khác hoặc dựa trên hợp đồng xây dựng - chuyển giao; (ii) các tổ chức, cá nhân là chủ đầu tư, sử dụng vốn ngoài ngân sách nhà nước.[2]
2.2. Một số quy định pháp luật về việc các tổ chức kinh tế thực hiện Dự án đầu tư hạ tầng nghĩa trang
Một dự án đầu tư hạ tầng nghĩa trang của tổ chức kinh tế để được triển khai trên thực tế phải đáp ứng các vấn đề pháp lý mà pháp luật đặt ra, bao gồm: (i) Pháp lý về đất đai, cụ thể là đất được sử dụng cho dự án là đất được giao, cho thuê hoặc cho phép chuyển mục đích sử dụng đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thông qua hình thức nào; (ii) Pháp lý của dự án, cụ thể là việc thực hiện việc thủ tục lựa chọn nhà đầu tư và chấp thuận chủ trương đầu tư; (iii) Pháp lý về quy hoạch, cụ thể là quy hoạch chi tiết của dự án phải phù hợp và được phê duyệt.
2.2.1. Liên quan đến pháp lý đất đai của dự án
Luật Đất đai năm 2024 có hiệu lực từ ngày 01/8/2024 đã có quy định khác biệt so với Luật Đất đai năm 2013 về việc giao đất để thực hiện dự án.
Đối với Luật Đất đai năm 2013:
Khoản 4 Điều 55 Luật Đất đai năm 2013 quy định tổ chức kinh tế được giao đất thực hiện dự án đầu tư hạ tầng nghĩa trang, nghĩa địa để chuyển nhượng quyền sử dụng đất gắn với hạ tầng được giao đất có thu tiền sử dụng đất.
Theo quy định, đầu tư xây dựng nghĩa trang, cơ sở hỏa táng, điện táng thuộc ngành nghề ưu đãi đầu tư.[3] Trong khi đó, tại điểm a khoản 1 Điều 100 Luật Đất đai năm 2013 quy định việc sử dụng đất vào mục đích sản xuất, kinh doanh thuộc lĩnh vực ưu đãi đầu tư hoặc địa bàn ưu đãi đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư thì được miễn, giảm tiền sử dụng đất. Tuy nhiên, trường hợp được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất một số năm hoặc miễn toàn bộ thời gian sử dụng đất đối với dự án đầu tư thuộc lĩnh vực ưu đãi đầu tư hoặc địa bàn ưu đãi đầu tư thì cơ quan có thẩm quyền thực hiện giao đất, cho thuê đất không thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất, không thông qua đấu thầu dự án có sử dụng đất.[4]
Do đó, dự án đầu tư hạ tầng nghĩa trang sẽ được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất mà không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, không thông qua đấu thầu dự án có sử dụng đất.
Đối với Luật Đất đai năm 2024:
Theo quy định tại khoản 1 Điều 119 và điểm a khoản 3 Điều 214 Luật Đất đai năm 2024 quy định tổ chức kinh tế thực hiện dự án đầu tư hạ tầng nghĩa trang để chuyển nhượng quyền sử dụng đất gắn với hạ tầng; xây dựng cơ sở lưu trữ tro cốt thì được giao đất có thu tiền sử dụng đất.
Luật Đất đai năm 2024 và các văn bản hướng dẫn không quy định trường hợp miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất một số năm hoặc toàn bộ thời gian đối với lĩnh vực ưu đãi đầu tư sẽ được giao đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đầu thầu dự án có sử dụng đất.
Các trường hợp giao đất thực hiện dự án đầu tư hạ tầng nghĩa trang bao gồm:
- Giao đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất:
Việc đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất cho tổ chức kinh tế thực hiện dự án đầu tư hạ tầng nghĩa trang trong trường hợp dự án sử dụng quỹ đất do cơ quan, tổ chức của Nhà nước quản lý là đất chưa giao, chưa cho thuê hoặc đã được giao đất để quản lý.[5]
- Đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất:
Việc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư hạ tầng nghĩa trang được thực hiện khi sử dụng đất thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất. Trường hợp trong khu đất thực hiện dự án có phần đất do cơ quan, tổ chức của Nhà nước quản lý là đất chưa giao, chưa cho thuê hoặc đã được giao đất để quản lý thì Nhà nước thu hồi để giao, cho thuê đất thông qua đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đối với cả khu đất.[6]
Ngoài ra, quỹ đất thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án hạ tầng nghĩa trang phải thuộc danh mục các khu đất thực hiện đấu thầu dự án đầu tư có sử dụng đất được Hội đồng nhân nhân cấp tỉnh quyết định theo quy định của pháp luật về đất đai.[7]
- Giao đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, không đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất:
Theo khoản 1 Điều 124 Luật Đất đai năm 2024, các trường hợp tổ chức kinh tế được giao đất không thông qua đấu giá, đấu thầu gồm:
- Trường hợp giao đất có thu tiền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư hạ tầng nghĩa trang để chuyển nhượng quyền sử dụng đất gắn với hạ tầng mà được miễn tiền sử dụng đất thì được Nhà nước giao đất không đấu giá, đấu thầu. Theo đó, trường hợp tổ chức kinh tế được Nhà nước giao đất được miễn tiền sử dụng đất đối với diện tích đất tại dự án đầu tư hạ tầng nghĩa trang để chuyển nhượng quyền sử dụng đất gắn với hạ tầng, xây dựng cơ sở lưu giữ tro cốt mà chủ đầu tư bố trí để phục vụ mai táng cho các đối tượng chính sách xã hội theo quy định của pháp luật về xây dựng, quản lý, sử dụng nghĩa trang và cơ sở hỏa táng.[8]
- Trường hợp Nhà nước thu hồi đất mà sử dụng vốn đầu tư công theo quy định của pháp luật về đầu tư công; dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư theo quy định của pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư.
- Trường hợp dự án đầu tư hạ tầng nghĩa trang Nhà nước thu hồi đất mà không sử dụng vốn đầu tư công, trường hợp có nhà đầu tư quan tâm mà chỉ có một nhà đầu tư đáp ứng điều kiện mời quan tâm thì không thực hiện đấu thầu.
- Trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất 02 lần không thành hoặc không có người tham gia thì thực hiện giao đất mà không thông qua đấu giá.
Có thể thấy, Luật Đất đai năm 2024 quy định về việc giao đất để thực hiện dự án đầu tư hạ tầng nghĩa trang qua nhiều hình thức khác nhau.
Ngoài ra, để được Nhà nước giao đất thực hiện dự án đầu tư phải đáp ứng các điều kiện theo khoản 2 Điều 122 Luật Đất đai năm 2024: (i) ký quỹ hoặc các hình thức bảo đảm khác theo quy định của pháp luật về đầu tư; (ii) có năng lực tài chính để bảo đảm việc sử dụng đất theo tiến độ của dự án đầu tư và điều kiện khác theo quy định của pháp luật có liên quan; (iii) không vi phạm quy định của pháp luật về đất đai hoặc có vi phạm quy định của pháp luật về đất đai nhưng đã chấp hành xong quyết định, bản án đã có hiệu lực pháp luật của cơ quan có thẩm quyền tại thời điểm đề nghị giao đất.
2.2.2. Liên quan đến pháp lý của dự án
Khoản 2 Điều 6 Nghị định số 23/2016/NĐ-CP quy định: “Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức lựa chọn chủ đầu tư xây dựng nghĩa trang, cơ sở hỏa táng theo quy định pháp luật hiện hành về đầu tư, xây dựng”.
Việc lựa chọn tổ chức kinh tế làm chủ đầu tư dự án đầu tư hạ tầng nghĩa trang theo các hình thức quy định tại khoản 1 Điều 29 Luật Đầu tư 2020 thông qua các hình thức sau:
(i) Đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai;
(ii) Đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật về đấu thầu;
(iii) Chấp thuận nhà đầu tư theo quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều 29 Luật Đầu tư 2020.
Theo khoản 3, khoản 4 Điều 29 Luật Đầu tư 2020 quy định như sau:
“3. Cơ quan có thẩm quyền thực hiện thủ tục chấp thuận nhà đầu tư trong các trường hợp sau đây:
a) Đấu giá quyền sử dụng đất không thành theo quy định của Luật Đất đai;
b) Chỉ có một nhà đầu tư đáp ứng điều kiện mời quan tâm trong trường hợp pháp luật quản lý ngành, lĩnh vực quy định xác định số lượng nhà đầu tư quan tâm khi thực hiện thủ tục lựa chọn nhà đầu tư.
4. Đối với dự án đầu tư thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư, cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư trong các trường hợp sau đây:
a) Nhà đầu tư có quyền sử dụng đất, trừ trường hợp Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng theo quy định của pháp luật và đất đai;
b) Nhà đầu tư nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn, thuê quyền sử dụng đất nông nghiệp để thực hiện dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất theo quy định của pháp luật về đất đai;
c) Nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư trong khu công nghiệp, khu công nghệ cao;
d) Trường hợp khác không thuộc diện đấu giá, đấu thầu theo quy định của pháp luật.”
Các quy định này, có thể thấy để xem xét về việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư hạ tầng nghĩa trang theo hình thức nào thì cần xác định quyền sử dụng đất dùng để thực hiện dự án mà nhà đầu tư có được xuất phát từ nguồn gốc nào.
Trước đó, theo Luật Đất đai năm 2013, dự án đầu tư xây dựng hạ tầng nghĩa trang được giao đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có quyền sử dụng đất. Theo Điều 32 Luật Đầu tư 2020, dự án đầu tư có đề nghị Nhà nước giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá, đấu thầu sẽ do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư. Đối với dự án thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương của Quốc hội hoặc Thủ tướng Chính phủ sẽ do Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ tùy thuộc vào quy mô của dự án theo quy định tại Điều 30, Điều 31 Luật Đầu tư năm 2020.
Đối với dự án đầu tư hạ tầng nghĩa trang được giao đất theo quy định tại Luật Đất đai năm 2024 thì một dự án đầu tư hạ tầng nghĩa trang phải thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư là phụ thuộc vào quy mô và tính chất của dự án đó. Do đó, tùy từng trường hợp, các tổ chức kinh tế thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án đầu tư hạ tầng nghĩa trang.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 29 Luật Đầu tư 2020, đối với dự án thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư phải thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư trước khi lựa chọn nhà đầu tư, trừ trường hợp chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư.
2.2.3. Liên quan đến pháp lý về quy hoạch
Khi xây dựng mới nghĩa trang phải tuân theo quy hoạch xây dựng, quy hoạch nghĩa trang vùng tỉnh được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.[9] Theo đó, Quy hoạch nghĩa trang vùng tỉnh là việc tổ chức hệ thống các nghĩa trang, cơ sở hỏa táng, nhà tang lễ trong địa giới hành chính của một tỉnh phù hợp với quy hoạch xây dựng vùng tỉnh, quy hoạch sử dụng đất và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.[10] Do đó, khi tổ chức kinh tế thực hiện đầu tư dự án hạ tầng nghĩa trang tại địa phương nào thì dự án đó phải phù hợp với quy hoạch nghĩa trang vùng tỉnh đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Đây là điều kiện cơ bản đầu tiên để quyết định việc các tổ chức kinh tế được hay không được thực hiện dự án đầu tư hạ tầng nghĩa trang tại địa phương.
Theo quy định của pháp luật đất đai, đất nghĩa trang, nhà tang lễ, cơ sở hỏa táng; đất cơ sở lưu giữ tro cốt phải quy hoạch thành khu tập trung, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, hợp vệ sinh, bảo đảm môi trường và tiết kiệm đất. Đồng thời, nghiêm cấm việc lập nghĩa trang, nhà tang lễ, cơ sở hỏa táng, cơ sở lưu giữ tro cốt trái với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.[11]
Tổ chức kinh tế khi thực hiện dự án đầu tư hạ tầng nghĩa trang phải lập quy hoạch chi tiết xây dựng hạ tầng nghĩa trang và phải được cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt. Trong đó, nhiệm vụ của một quy hoạch chi tiết xây dựng nghĩa trang, cơ sở hỏa táng bao gồm: xác định ranh giới nghĩa trang, cơ sở hỏa táng; các yêu cầu về điều tra, khảo sát, đánh giá hiện trạng; xác định các hình thức táng trong nghĩa trang; các chỉ tiêu kỹ thuật, các yêu cầu về tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan và hạ tầng kỹ thuật.[12]
Vì vậy, các tổ chức kinh tế khi thực hiện dự án đầu tư hạ tầng nghĩa trang phải đáp ứng được các vấn đề pháp lý đặt ra về quy hoạch, từ việc đáp ứng quy hoạch nghĩa trang vùng tỉnh, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương đến việc xây dựng quy hoạch chi tiết xây dựng hạ tầng nghĩa trang để phù hợp với quy hoạch chung đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
3. Phương pháp nghiên cứu
Phương pháp nghiên cứu tài liệu: nghiên cứu các văn bản pháp luật, các sách, công trình nghiên cứu, tài liệu tham khảo khác có liên quan đến chủ thể tổ chức kinh tế khi thực hiện đầu tư dự án hạ tầng nghĩa trang.
Phương pháp thống kê: thu nhập, tổng hợp các tài liệu, số liệu có liên quan đến tổ chức kinh tế thực hiện dự án trên thực tế.
Phương pháp phân tích và tổng hợp: sử dụng phương pháp phân tích và tổng hợp thông qua việc nghiên cứu các tài liệu, pháp luật có liên quan tổ chức kinh tế thực hiện đầu tư dự án hạ tầng nghĩa trang và tổng hợp bằng cách liên kết lại các vấn đề cần giải quyết liên quan đến nội dung nghiên cứu.
Phương pháp so sánh, đánh giá: phương pháp này giúp cho đề tài có được cái nhìn toàn diện, đúng đắn về các vấn đề nghiên cứu, từ đó rút ra được những giải pháp có tính chính xác, khoa học và tìm được các giải pháp, nâng cao hiệu quả giúp các tổ chức kinh tế giải quyết các vấn đề khó khăn khi triển khai dự án đầu tư trên thực tế.
4. Thực trạng thực hiện dự án đầu tư hạ tầng nghĩa trang của tổ chức kinh tế
Theo số liệu thống kê, diện tích đất nghĩa trang, nghĩa địa, nhà hỏa táng, nhà tang lễ chịu sự quản lý của các cơ quan, đơn vị nhà nước chiếm phần lớn, khoảng 91,60% trên tổng số. Đây hầu hết là các nghĩa trang công cộng, được xây dựng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước. Trong khi đó, các tổ chức kinh tế trong nước chỉ quản lý một phần nhỏ là 3.275 ha đất nghĩa trang, nghĩa địa, nhà hỏa táng, nhà tang lễ, tương đương 3,43% trên tổng số.[13] Điều này cho thấy, các tổ chức kinh tế được giao đất để thực hiện dự án đầu tư hạ tầng nghĩa trang vẫn còn rất ít và hạn chế. Việc này xuất phát từ nhiều nguyên nhân chủ yếu sau:
Thứ nhất, quỹ đất thực hiện dự án đầu tư hạ tầng nghĩa trang còn hạn hẹp.
Quỹ đất làm nghĩa trang, nghĩa địa, nhà tang lễ, nhà hỏa táng hiện nay chỉ chiếm 106.995 ha đất (khoảng 2,7% so với quỹ đất phi nông nghiệp).[14] Tình trạng này xuất phát từ việc gia tăng dân số dẫn đến nhu cầu về đất đai phục vụ nhu cầu sinh hoạt, sản xuất, công cộng ngày càng lớn, dẫn đến thu hẹp quỹ đất nghĩa trang.
Do vấn đề này, các nghĩa trang tự phát ngày càng nhiều. Đơn cử như Nghĩa trang ở khu vực núi Ngự Bình tại tỉnh Thừa Thiên - Huế là nghĩa trang tự phát do người dân tự đến tập trung chôn cất. Từ năm 2005, Thành phố Huế đã cắm biển cấm chôn cất tại khu vực này nhưng vẫn không thể ngăn cản được người dân tự ý chôn cất. Sự quản lý lỏng lẻo của chính quyền địa phương đã khiến cho nghĩa trang này có quy mô lên đến 100.000 ngôi mộ. Đến nay, tỉnh Thừa Thiên - Huế đang loay hoay việc di dời nghĩa trang trên với dự tính di dời toàn bộ các mộ phần với chi phí ước tính khoảng 1.000 tỷ đồng.
Trong khi đó, những quy chuẩn về kỹ thuật môi trường như khoảng cách đến khu dân cư, khoảng cách đến nguồn nước sinh hoạt, khoảng cách đến sông, hồ,… khiến cho việc dự án đầu tư hạ tầng nghĩa trang phải bị bó hẹp để đảm bảo khoảng cách an toàn về môi trường theo quy chuẩn kỹ thuật. Ví dụ, Dự án đầu tư Công viên nghĩa trang sinh thái Vĩnh Hằng tại xã Hưng Tây, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An do Công ty TNHH Phúc Lạc Viên - Đài hóa thân hoàn vũ Nghệ An làm chủ đầu tư đã phải bó hẹp lại diện tích do các vấn đề về khoảng cách an toàn về môi trường. So với ban đầu, theo quy hoạch, dự án có quy mô diện tích là 85 ha được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương theo Quyết định số 3672/QĐ-UBNĐ ngày 17/8/2017, phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 tại Quyết định số 2566/QĐ-UBND ngày 4/6/2016. Nhưng sau khi được chấp thuận chủ trương, ngày 19/2/2019, UBND tỉnh có Quyết định số 445/QĐ-UBND điều chỉnh quy mô diện tích xuống 81,06 ha.[15] Tuy nhiên, đến ngày 14/4/2021, UBND tỉnh tiếp tục có Quyết định số 992/QĐ-UBND, quyết định về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500, điều chỉnh quy mô còn 78,47 ha.
Các dự án đầu tư hạ tầng nghĩa trang phải có quy mô diện tích lớn, đáp ứng nhu cầu táng về lâu dài, ngoài phục vụ nhu cầu táng cho người dân địa phương còn phục vụ nhu cầu táng cho các vùng tỉnh lân cận, đặc biệt là các đô thị lớn đang trong tình trạng “cạn kiệt” tài nguyên đất. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là không có một quỹ đất nào đủ lớn để có thể thực hiện các dự án nghĩa trang mà song song với dự án được chấp thuận, là việc thu hồi đất của các hộ dân địa phương. Điều này là một thử thách khó khăn đối với các chính quyền địa phương, cũng như các tổ chức kinh tế là chủ đầu tư khi thực hiện công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và giải phóng mặt bằng.
Thứ hai, một số địa phương quy hoạch nghĩa trang chưa phù hợp.
Quy hoạch nghĩa trang được xây dựng trên quy hoạch xây dựng vùng tỉnh của từng địa phương để phù hợp với điều kiện tự nhiên, điều kiện về kinh tế, văn hóa, xã hội. Tuy nhiên, việc đề ra và phê duyệt quy hoạch không phải lúc nào cũng phù hợp.
Đơn cử như Dự án Nghĩa trang nhân dân Thành phố Sơn La tại khu vực Phiêng Khá, bản Buổn, phường Chiềng Cơi, thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La được phê duyệt quy hoạch năm 2018 đã gây bức xúc trong nhân dân và các sinh viên, giảng viên của Đại học Tây Bắc. Theo bản đồ quy hoạch, dự án nghĩa trang nằm giữa hai đơn vị hành chính cấp phường và một cấp xã thuộc TP. Sơn La, gần một số trường THCS, THPT và khu dân cư, Trường Đại học Tây Bắc. Phần mộ cát táng của nghĩa trang chỉ nằm cách vài bước chân so với ranh giới quy hoạch của Trường Đại học Tây Bắc. Khu vực này dự kiến sẽ được trường xây dựng làm khu thực hành và giáo dục quốc phòng. Cách đó hơn 600m là ký túc xá, nơi lưu trú của 1.500 lưu học sinh Lào và sinh viên các dân tộc của Sơn La, các tỉnh miền núi phía Bắc. Điều này đã gây tâm lý lo lắng với cán bộ giảng viên, cũng như sinh viên của trường.[16]
Mặc dù vấp phải ý kiến phản đối từ người dân, sinh viên, cán bộ, giảng viên của Trường Đại học Tây Bắc, các ý kiến của chuyên gia, nhà khoa học,… nhưng phía UBND tỉnh Sơn La vẫn kiên quyết thực hiện chủ trương này. Có thể thấy, việc lựa chọn vị trí cho nghĩa trang không phải lúc nào cũng phù hợp với quy hoạch tổng thể của địa phương. Bên cạnh đó, thái độ quan liêu của chính quyền địa phương trong việc vội vàng phê duyệt quy hoạch mà chưa đảm bảo được các quy chuẩn kỹ thuật theo quy định, chưa lấy ý kiến người dân mà khi vấp phải sự phản đối vẫn kiên quyết thực hiện. Đến tháng 4/2021, Tỉnh ủy Sơn La đã chỉ đạo tạm dừng triển khai dự án Nghĩa trang nhân dân thành phố Sơn La thì UBND tỉnh Sơn La mới dừng lại nghĩa trang này.
Hoặc như Dự án đầu tư Công viên nghĩa trang sinh thái Vĩnh Hằng tại Nghệ An, mặc dù dự án được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt quy hoạch từ năm 2008 nhưng đến năm 2017 mới tìm được chủ đầu tư. Trước đó, có 3 doanh nghiệp đến khảo sát và làm thủ tục đầu tư nhưng sau đó cả 3 doanh nghiệp đều “lặng lẽ một đi không trở lại”. Có điều gì mà cả 3 doanh nghiệp đều không mấy “mặn mà” với dự án này, trong khi các dự án đầu tư hạ tầng nghĩa trang khác đều được các chủ đầu tư tìm kiếm? Theo người dân: “Có 3 đơn vị về làm rồi lại bỏ đi. Vùng đất này làm nghĩa trang thì rất đẹp nhưng chưa đủ điều kiện khoảng cách đảm bảo môi trường. Khu vực nghĩa trang nằm ở trên nguồn gió và đầu nguồn nước của dãy núi Đại Huệ”.[17]
Sau khi Công ty TNHH TNHH Phúc Lạc Viên - Đài hóa thân hoàn vũ Nghệ An làm chủ đầu tư, dự án đã vấp phải sự phản đối từ người dân do việc đảm bảo về quy chuẩn kỹ thuật về khoảng cách an toàn môi trường. Dự án đã phải thực hiện 04 lần điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500 để đảm bảo thực hiện. Ngoài ra, dự án còn vướng nhiều vấn đề pháp lý dẫn đến việc thực hiện dự án phải bị hủy bỏ sau đó. Tuy nhiên, đại diện UBND tỉnh Nghệ An cho biết, dự án lò hỏa táng và công viên sinh thái tại xã Hưng Tây, huyện Hưng Nguyên thực hiện trên cơ sở quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Hiện nay UBND tỉnh Nghệ An đã có quyết định bãi bỏ các văn bản pháp lý dự án công viên nghĩa trang sinh thái do Công ty TNHH Phúc Lạc Viên - Đài hóa thân hoàn vũ Nghệ An làm chủ đầu tư ở xã Hưng Tây. Tuy nhiên, quy hoạch chung của dự án không thay đổi. Tuy chấm dứt dự án nhưng về địa điểm, khu vực Công viên nghĩa trang sinh thái ở xã Hưng Tây vẫn giữ theo quy hoạch của tỉnh và huyện đã được phê duyệt. Tỉnh Nghệ An sẽ mời gọi nhà đầu tư khác triển khai theo đúng quy định.[18]
Vậy, UBND tỉnh Nghệ An bãi bỏ các văn bản pháp lý có thực sự phù hợp khi mà dự án vẫn tiếp tục được triển khai theo đúng địa điểm, khu vực ban đầu? Trong khi đó, gần 8 năm mà chủ đầu tư cũ là Công ty TNHH Phúc Lạc Viên - Đài hóa thân hoàn vũ Nghệ An vẫn chưa giải được bài toán về quy hoạch của dự án này. Trong khi đó, Phúc Lạc Viên còn phải chịu những thiệt hại lớn tài chính khi thực hiện dự án. Dự án sẽ mời gọi nhà đầu tư tiếp tục, liệu có nhà đầu tư nào dám bỏ ra một thời gian dài như Phúc Lạc Viên để tiếp tục giải bài toán khó trên?!
Thứ ba, thủ tục đầu tư dự án hạ tầng nghĩa trang chưa đúng quy định.
Một trong những khó khăn khi thực hiện các dự án đầu tư hạ tầng nghĩa trang là các thủ tục pháp lý của dự án nhiều và phức tạp. Trong khi đó, một dự án trên thực tế không phải lúc nào cũng đáp ứng đúng và đủ theo quy định pháp luật.
Ví dụ, các văn bản pháp lý của dự án đầu tư công viên nghĩa trang sinh thái Vĩnh Hằng ở Nghệ An đã bị hủy do không đáp ứng thủ tục pháp lý. Cụ thể là một số văn bản pháp lý của dự án được ban hành chưa đảm bảo trình tự, thủ tục và có một số nội dung chưa phù hợp quy định của pháp luật. Cơ sở pháp lý để thực hiện việc cho Công ty Phúc Lạc Viên - Đài hóa thân hoàn vũ Nghệ An kế thừa các thủ tục pháp lý trước đó của dự án chưa đảm bảo pháp luật về đầu tư. Một số kiến nghị của công dân chưa được giải quyết đầy đủ, chặt chẽ như: Việc tham vấn ý kiến trong quá trình lập, điều chỉnh quy hoạch đối với một số hộ dân đang sinh sống, sử dụng đất trên quy hoạch dự án. Vì vậy, UBND tỉnh Nghệ An quyết định bãi bỏ các văn bản pháp lý của dự án trước đó ban hành.[19]
Thứ tư, công tác giải phóng mặt bằng cho dự án đầu tư hạ tầng nghĩa trang còn gặp nhiều khó khăn.
Hiện nay, không chỉ riêng dự án đầu tư hạ tầng nghĩa trang mà các dự án đầu tư có sử dụng đất đều gặp khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng. Nguyên nhân chính đến từ việc đơn giá bồi thường, hỗ trợ chưa được người dân chấp thuận. Bên cạnh đó, một nguyên nhân chính là đến từ việc sự phản đối của người dân. Họ lo ngại dự án đầu tư hạ tầng nghĩa trang sẽ ảnh hưởng lớn đến đời sống sinh hoạt, sản xuất. Một số nguyên nhân khác như là việc có tranh chấp về đất đai, thiếu giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất, tình trạng lôi kéo, kích động trong quần chúng nhân dân,… cũng dẫn đến chậm tiến độ giải phóng mặt bằng.
Đơn cử như Dự án xây dựng Công viên nghĩa trang Yên Kỳ (giai đoạn 1) được UBND Thành phố Hà Nội đã ban hành quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư ngày 05/10/2016, do Công ty Cổ phần Tập đoàn xây dựng và du lịch Bình Minh làm chủ đầu tư. Dự án Công viên nghĩa trang Yên Kỳ mở rộng (giai đoạn 1) còn vướng mắc là do thời gian thực hiện dự án đã hết, chủ đầu tư chưa thực hiện xong công tác xin điều chỉnh thời gian thực hiện dự án. Nhiều mốc giới trên thực địa không còn; một số khu vực đã mất hiện trạng; hồ sơ bản đồ địa chính phục vụ công tác giải phóng mặt bằng thửa đất không đầy đủ, còn nhiều thiếu sót. Cùng đó, dự án kéo dài nên chế độ, chính sách bồi thường có nhiều thay đổi. Trong khi hồ sơ quản lý đất đai không đầy đủ nên việc xác nhận nguồn gốc đất gặp rất nhiều khó khăn.[20]
Có thể thấy, công tác triển khai dự án Công viên nghĩa trang Yên Kỳ bước đầu có nhiều khó khăn, vướng mắc. Đặc biệt, xuất phát từ nguyên nhân của chủ đầu tư chậm trễ trong việc đền bù, thu hồi đất, giải phóng mặt bằng dẫn đến chậm tiến độ dự án, chủ đầu tư không thực hiện việc gia hạn dự án khi đã hết thời hạn. Đồng thời, việc quản lý hồ sơ về đất đai dẫn đến hồ sơ không còn đầy đủ, ranh mốc, giới không phản ánh đúng hiện trạng sử dụng đất dẫn đến khó khăn trong việc xác định đền bù.
5. Giải pháp cho các tổ chức kinh tế thực hiện Dự án đầu tư hạ tầng nghĩa trang
Thứ nhất, cần có các quy định hướng dẫn liên ngành nhằm nâng cao hiệu quả thống nhất giữa các cơ quan có thẩm quyền liên quan dự án đầu tư hạ tầng nghĩa trang.
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng và các cơ quan thẩm quyền có liên quan cần thống nhất tạo ra các quy định liên ngành để làm rõ trách nhiệm và thẩm quyền của mình đối với các dự án đầu tư hạ tầng của tổ chức kinh tế trong quá trình tiến hành lựa chọn nhà đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư, giải quyết các vấn đề về pháp lý đất cho dự án hoặc tại giai đoạn dự án đang được triển khai, nhằm hỗ trợ tối đa với các tổ chức kinh tế thực hiện dự án đầu tư hạ tầng nghĩa trang nói riêng và dự án đầu tư kinh doanh nói chung.
Thống nhất ý kiến trong giải quyết các khó khăn về đất đai của dự án đầu tư hạ tầng nghĩa trang, chú trọng, giám sát và thực hiện nghiêm túc công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, tái định cư khi chủ đầu tư thực hiện dự án. Xử lý nghiêm các trường hợp chủ đầu tư hoặc các chủ thể khác vi phạm pháp luật đất đai.
Thứ hai, thực hiện việc nâng cao trình độ quản lý, trình độ chuyên môn cho các cán bộ trong các cơ quan có thẩm quyền liên quan đến dự án đầu tư hạ tầng nghĩa trang.
Thực hiện các công tác nội bộ về đào tạo, tổ chức khóa học chuyên môn, quản lý, cập nhật kiến thức bổ sung về các quy định pháp luật mới để nâng cao trình độ quản lý chuyên môn của các cán bộ. Bên cạnh đó, còn phải quan tâm vấn đề đạo đức công vụ hạn chế việc vì lợi ích các nhân mà ảnh hưởng lợi ích chung của cộng đồng.
Thứ ba, vấn đề về công tác quy hoạch xây dựng nghĩa trang.
Cần linh hoạt trong việc xây dựng quy hoạch nghĩa trang, đối với một số vùng và tuỳ theo mật độ dân cư, tính chất của dự án có thể xây dựng, đánh giá quy hoạch theo hướng liên vùng. Quy hoạch sử dụng đất nghĩa trang cần được mỗi địa phương xây dựng cụ thể dựa trên báo cáo của các đơn vị hành chính cấp xã, huyện, tỉnh để thống nhất nắm rõ tình hình thực tế nhằm triển khai phù hợp.
Chú trọng bổ sung yếu tố tác động đến kinh tế địa phương hoặc yếu tố dân cư ở khu vực xung quanh tránh ảnh hưởng đến đời sống thường ngày của người dân và các yếu tố tâm linh tác động.
Khuyến khích các chính quyền tại các địa phương hợp tác trong công tác khảo sát, lập quy hoạch đầu tư nghĩa trang quy mô lớn nhằm hạn chế, giảm các nghĩa trang sử dụng vốn nhà nước như hiện nay. Đồng thời nên có các văn bản hướng dẫn về phương án di dời các nghĩa trang nhỏ lẻ, phân tán; có cơ chế khuyến khích người dân sử dụng nghĩa trang phù hợp với quy hoạch tránh chôn cất nhỏ lẻ, tự phát ảnh hưởng đến môi trường sống và quỹ đất đai; xây dựng lộ trình đóng cửa nghĩa trang không phù hợp với quy hoạch; lập quy hoạch chi tiết và tích cực kêu gọi xã hội hóa nhằm đẩy nhanh tiến độ xây dựng nghĩa trang đảm bảo phù hợp với quy định về đất đai, quy định về môi trường quy định về quy hoạch địa phương đáp ứng nhu cầu xã hội và đảm bảo phát triển kinh tế địa phương.
TÀI LIỆU TRÍCH DẪN
[1] Khoản 1 Điều 2 Nghị định số 23/2016/NĐ-CP ngày 05/6/2016 của Chính phủ về xây dựng, quản lý, sử dụng nghĩa trang và cơ sở hỏa táng (Nghị định số 23/2016/NĐ-CP).
[2] Khoản 1 Điều 6 Nghị định số 23/2016/NĐ-CP.
[3] Khoản 16 mục II Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định số 31/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư.
[4] Khoản 12 Điều 1 Nghị định số 148/2020/NĐ-CP ngày 18/12/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai.
[5] Khoản 1 Điều 125 Luật Đất đai năm 2024.
[6] Khoản 1, khoản 2 Điều 126 Luật Đất đai năm 2024; điểm k khoản 2 Điều 4 Nghị định số 115/2024/NĐ-CP ngày 16/9/2024 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chịn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất (Nghị định số 115/2024/NĐ-CP).
[7] Khoản 3 Điều 4 Nghị định số 115/2024/NĐ-CP.
[8] Điểm đ khoản 1 Điều 18 Nghị định số 103/NĐ-CP/2024 ngày 30/7/2024 của Chính phủ quy định về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất.
[9] Khoản 1 Điều 9 Nghị định số 23/2016/NĐ-CP.
[10] Khoản 13 Điều 2 Nghị định số 23/2016/NĐ-CP.
[11] Điều 214 Luật Đất đai năm 2024.
[12] Điều 8 Nghị định số 23/2016/NĐ-CP.
[13] Quyết định số 3048/QĐ-BTNMT ngày 18/10/2023 của Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt và công bố kết quả thống kê diện tích đất đai năm 2022 (Quyết định số 3084/QĐ-BTNMT).
[14] Quyết định số 3084/QĐ-BTNMT.
[15] Báo Nghệ An (2021). Nghệ An đôn đốc tiến độ công trình nghĩa trang sinh thái vĩnh hằng phục vụ nhu cầu dân sinh, <https://baonghean.vn/nghe-an-don-doc-tien-do-cong-trinh-nghia-trang-sinh-thai-vinh-hang-phuc-vu-nhu-cau-dan-sinh-10231501.html>, truy cập ngày 30/10/2024.
[16] Thời báo VTV - Đài Truyền hình Việt Nam (2021). Dừng dự án nghĩa trang gần Đại học Tây Bắc, <https://vtv.vn/xa-hoi/dung-du-an-nghia-trang-gan-dai-hoc-tay-bac-20210420122101178.htm>, truy cập ngày 31/10/2024.
[17] Trang thông tin điện tử truyền thông VietNamNet (2021). Bài 1: Vì sao xây dựng nghĩa tràn vĩnh hằng ở Nghệ An chưa được dân đồng tình”, <https://vietnamnet.vn/bai-1-vi-sao-xay-dung-nghia-trang-vinh-hang-o-nghe-an-chua-duoc-dan-dong-tinh-794348.html>, truy cập ngày 01/11/2024.
[18] Báo Lao động (2024). Tỉnh Nghệ An thông tin về dự án nghĩa trang sinh thái, <https://laodong.vn/ban-doc/tinh-nghe-an-thong-tin-ve-du-an-nghia-trang-sinh-thai-1410980.ldo>, truy cập ngày 25/10/2024.
[19] Trần Lộc (2024). Vì sao ‘khai tử’ dự án công viên nghĩa trang sinh thái Vĩnh Hằng?, <https://cafef.vn/vi-sao-nghe-an-khai-tu-du-an-cong-vien-nghia-trang-sinh-thai-vinh-hang-18824091806453528.chn>, truy cập 25/10/2024.
[20] Báo Lao động Thủ đô (2024). Dự án mở rộng công viên nghĩa trang Yên Kỳ: Tập trung tháo gỡ vướng mắc, <https://laodongthudo.vn/du-an-mo-rong-cong-vien-nghia-trang-yen-ky-tap-trung-thao-go-vuong-mac-167196.html>, truy cập ngày 25/10/2024.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Quang Đại (2024). Dân kiến nghị tỉnh chấm dứt dự án công viên nghĩa trang, Báo Lao động, truy cập tại <https://laodong.vn/ban-doc/dan-kien-nghi-tinh-cham-dut-du-an-cong-vien-nghia-trang-1395302.ldo>
- Quang Đại (2024). Tỉnh Nghệ An thông tin về dự án nghĩa trang sinh thái, Báo Lao động, truy cập tại <https://laodong.vn/ban-doc/tinh-nghe-an-thong-tin-ve-du-an-nghia-trang-sinh-thai-1410980.ldo>
- Đỗ Đạt (2024). Dự án mở rộng Công viên nghĩa trang Yên Kỳ: Tập trung tháo gỡ vướng mắc, Báo Lao động Thủ đô, truy cập tại <https://laodongthudo.vn/du-an-mo-rong-cong-vien-nghia-trang-yen-ky-tap-trung-thao-go-vuong-mac-167196.html>
- Đức Dũng - Phạm Bằng (2021). Nghệ An đôn đốc tiến độ công trình nghĩa trang sinh thái vĩnh hằng phục vụ nhu cầu dân sinh, Báo Nghệ An, truy cập tại <https://baonghean.vn/nghe-an-don-doc-tien-do-cong-trinh-nghia-trang-sinh-thai-vinh-hang-phuc-vu-nhu-cau-dan-sinh-10231501.html>
- VIỆT HÀ LÚA - HẬU TUẤN HƯNG (2023). Giải bài toán quy hoạch nghĩa trang, Báo Nhân dân, truy cập tại: <https://nhandan.vn/giai-bai-toan-quy-hoach-nghia-trang-post742960.html>
- Bộ Tài nguyên và Môi trường (2023). Quyết định số 3048/QĐ-BTNMT ngày 18/10/2023 phê duyệt và công bố kết quả thống kê diện tích đất đai năm 2022.
- Chính phủ (2016). Nghị định số 23/2016/NĐ-CP ngày 05/6/2016 về xây dựng, quản lý, sử dụng nghĩa trang và cơ sở hỏa táng.
- Chính phủ (2020). Nghị định số 148/2020/NĐ-CP ngày 18/12/2020 sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai.
- Chính phủ (2021). Nghị định số 31/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư.
- Chính phủ (2024). Nghị định số 103/NĐ-CP/2024 ngày 30/7/2024 quy định về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất.
- Chính phủ (2024). Nghị định số 115/2024/NĐ-CP ngày 16/9/2024 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chịn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất.
- Doãn Hồng Nhung và Trần Trúc Quỳnh (2021). Pháp luật về đất nghĩa trang, nghĩa địa và thực tiễn thi hành, Nhà xuất bản Xây dựng, Hà Nội.
- Lê Thanh Huy (2023). Pháp luật về khai thác và sử dụng đất nghĩa trang và nghĩa địa, Luận văn thạc sĩ luật học, Trường Đại học Luật - Đại học Quốc Gia Hà Nội.
- Quốc hội (2013). Luật Đất đai năm 2013.
- Quốc hội (2014). Luật Xây dựng năm 2014.
- Quốc hội (2020). Luật Đầu tư năm 2020.
- Quốc hội (2023). Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023.
- Quốc hội (2024). Luật Đất đai năm 2024.
- Đình Quân (2021). Dừng dự án nghĩa trang gần Đại học Tây Bắc, Thời báo VTV - Đài Truyền hình Việt Nam, truy cập tại <https://vtv.vn/xa-hoi/dung-du-an-nghia-trang-gan-dai-hoc-tay-bac-20210420122101178.htm>
- Quốc Huy (2021). Bài 1: Vì sao xây dựng nghĩa tràn vĩnh hằng ở Nghệ An chưa được dân đồng tình”, Trang thông tin điện tử truyền thông VietNamNet. Truy cập tại <https://vietnamnet.vn/bai-1-vi-sao-xay-dung-nghia-trang-vinh-hang-o-nghe-an-chua-duoc-dan-dong-tinh-794348.html>
- Trần Lộc (2024). Vì sao “khai tử” dự án Công viên nghĩa trang sinh thái Vĩnh Hằng?, <https://cafef.vn/vi-sao-nghe-an-khai-tu-du-an-cong-vien-nghia-trang-sinh-thai-vinh-hang-18824091806453528.chn>
Regulatory framework for economic organizations in cemetery infrastructure investment: Current challenges and proposed solutions
Lawyer, Master. Nguyen Truc Anh
Abstract:
Economic organizations are permitted under current law to invest in cemetery infrastructure projects with the intent of transferring land use rights associated with the developed infrastructure. Despite this legal framework, the practical implementation of such projects faces significant challenges and inefficiencies. This study examines the key legal procedures required for economic organizations to execute these projects, identifies the obstacles they encounter, and offers targeted solutions to facilitate and encourage investment in cemetery infrastructure development.
Keywords: cemetery, cemetery project, cemetery infrastructure, cemetery land, cemetery law.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 24 tháng 11 năm 2024]