TÓM TẮT:
Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 (sửa đổi, bổ sung (SĐ, BS) năm 2017) đã được ban hành với nhiều quy định cụ thể được sửa đổi, bổ sung so với BLHS trước đó, trong đó có Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự. Trong phạm vi bài viết này, tác giả phân tích 4 yếu tố cấu thành của Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, trong đó tập trung vào yếu tố có sự thay đổi cơ bản trong quy định về tội danh này đó là mặt khách quan. Bên cạnh đó, tác giả cũng so sánh quy định về tội danh này trong BLHS năm 1999 và BLHS hiện hành, từ đó nêu ra một số điểm mới cơ bản trong quy định về tội danh này tại BLHS hiện hành so với BLHS năm 1999.
Từ khóa: Cho vay lãi nặng, chủ thể, giao dịch dân sự, khách thể, mặt chủ quan, mặt khách quan, Bộ luật Hình sự 2015.
1. Dẫn nhập
Vay mượn tài sản là hành vi khá phổ biến trong xã hội. Nhà nước ta khuyến khích nhân dân cho nhau vay với tính chất tương trợ, giúp đỡ nhau khắc phục khó khăn, xây dựng cuộc sống,... Trong thực tiễn đời sống xã hội, khi bản thân người đầu tư không đủ năng lực tài chính cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, đồng thời năng lực của hệ thống ngân hàng và các định chế tài chính khác chưa đáp ứng được nhu cầu vay của người dân thì việc tìm đến quan hệ vay – nợ là tất yếu. Tuy nhiên, pháp luật nước ta nghiêm cấm và trừng trị nghiêm khắc hành vi cho vay lấy “lãi nặng” để bóc lột người khác. Đó chính là lý do của việc Nhà nước ta quy định tội cho vay lãi nặng trong BLHS từ rất sớm với những tiêu chí cụ thể để xác định tội danh. Hay nói cách khác, chỉ khi cho vay lãi nặng đến mức “bóc lột” thì mới cần đến sự điều chỉnh của pháp luật hình sự.
Cho vay lãi nặng hay còn được gọi bằng cái tên phổ biến, dân dã hơn là tín dụng đen. Đây là khái niệm dùng để chỉ các dạng cho vay tài sản không thông qua hệ thống ngân hàng, không có đăng ký kinh doanh cũng như chưa được cấp phép và không chịu sự quản lý chính thức bởi bất cứ cơ quan quản lý Nhà nước nào. Đây là hình thức cho vay với lãi suất cao mà pháp luật nước ta không thừa nhận. Để chứng minh tội danh này, các cơ quan tiến hành tố tụng phải chứng minh được đầy đủ các yếu tố cấu thành tội phạm.
2. Các yếu tố cấu thành tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự
2.1. Khách thể của tội phạm
Khách thể của Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự cũng như các tội phạm khác, đó là những “quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ và bị tội phạm xâm hại”1. Cụ thể, khách thể mà hành vi phạm tội này hướng đến là xâm phạm trật tự quản lý kinh tế của Nhà nước mà cụ thể là trật tự trong quản lý hoạt động tín dụng, qua đó xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người vay lãi. Trong thực tiễn, tội phạm này gây ảnh hưởng đến người dân trong việc vay tài sản. Số tiền người vay phải trả vượt quá rất lớn so với số tiền theo lãi suất quy định của Nhà nước. Ngoài ra, khi người vay trả nợ không đúng hạn hoặc mất khả năng trả nợ, các đối tượng dùng mọi thủ đoạn để siết nợ, như hành hung, bắt cóc, xúc phạm, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm, đe dọa người vay và người thân của họ nhằm tạo sức ép buộc họ phải bán nhà cửa, tài sản trả nợ cho chủ nợ. Vì vậy, trường hợp người đi vay không trả được nợ hoặc trả không đúng hạn do lãi suất quá cao thường dẫn đến tâm lý hoang mang, lo sợ. Thậm chí, một số trường hợp mất khả năng trả nợ đã bỏ trốn khỏi địa phương đi nơi khác sinh sống.
Đối tượng tác động của Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự là số tiền mà người phạm tội cho người khác vay để hưởng số tiền lãi vượt quá lãi suất quy định.
2.2. Chủ thể của tội phạm
Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội phạm tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự quy định tại Điều 201 BLHS năm 2015 (SĐ, BS năm 2017) khi người đó có năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi luật định. Cụ thể, người phạm tội không bị mất năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi từ đủ 16 tuổi trở lên. Chủ thể của tội phạm này không phải là chủ thể đặc biệt, bất cứ ai nếu thoả mãn các điều kiện quy định của pháp luật đều có thể trở thành chủ thể của tội phạm này. Đây là tội phạm ít nghiêm trọng nên theo quy định tại Điều 12 BLHS năm 2015 (SĐ, BS năm 2017), thì người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm này trong bất cứ trường hợp nào. Trên thực tế, chủ thể thực hiện tội danh này thường là các đối tượng có tiền án, tiền sự, lưu manh, côn đồ, hoặc các cá nhân, tổ chức núp bóng dưới các hình thức trá hình là công ty cho vay tài chính, tiệm cầm đồ hoặc liên doanh, liên kết với các tổ chức tín dụng để cho vay với lãi suất cao.
2.3. Mặt chủ quan của tội phạm
Trong khoa học pháp lý hình sự thì tội phạm là thể thống nhất của hai mặt khách quan và chủ quan. Mặt chủ quan là những hoạt động tâm lý bên trong của người phạm tội và luôn gắn liền với các biểu hiện bên ngoài của tội phạm, nó không tồn tại biệt lập mà luôn gắn liền với mặt khách quan của tội phạm. Mặt chủ quan của tội phạm bao gồm lỗi, động cơ và mục đích phạm tội, trong đó yếu tố lỗi là dấu hiệu bắt buộc, không thể thiếu trong bất kỳ cấu thành của tội phạm nào. Trong Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, tội phạm được thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp. Người cho vay lãi nặng nhận thức được hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội và hậu quả do mình gây ra nhưng vẫn thực hiện hành vi với mong muốn cho hậu quả xảy ra là người đi vay phải trả một khoản lãi rất cao. Cụ thể là người cho vay cố ý thực hiện hành vi “cho vay với lãi suất gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự năm 2015, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng…” của người đi vay.
Động cơ phạm tội là vụ lợi. Mục đích phạm tội không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm này. Tuy nhiên, người phạm tội này bao giờ cũng nhằm mục đích thu lợi bất chính thông qua hành vi cho vay lãi nặng.
2.4. Mặt khách quan của tội phạm
“Mặt khách quan của tội phạm là mặt bên ngoài của tội phạm, bao gồm những biểu hiện của tội phạm diễn ra hoặc tồn tại bên ngoài thế giới khách quan”2. Mặc khách quan của tội phạm bao gồm: hành vi nguy hiểm cho xã hội; hậu quả do hành vi đó gây ra; mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả; những dấu hiệu khác như phương pháp, thủ đoạn, phương tiện thực hiện tội phạm và thời gian, hoàn cảnh, địa điểm xảy ra tội phạm. Trong đó, hành vi khách quan là biểu hiện cơ bản và dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội phạm của tất cả các tội phạm. Hành vi khách quan của Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự là “hành vi cho người khác vay tiền (đồng Việt nam, ngoại tệ), kim khí quý, đá quý với lãi suất gấp 5 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự”3. Hành vi cho vay có thể được biểu hiện bằng nhiều hình thức khác nhau như vay, mượn, ký nợ thông qua hình thức hợp đồng bằng văn bản, thỏa thuận miệng. Tuy nhiên, hành vi này chỉ cấu thành tội phạm nếu người phạm tội thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng trở lên hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
Yếu tố then chốt để xác định hành vi nhằm định tội đối với tội danh này là “Cho vay với lãi suất gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự”. Theo quy định tại Khoản 1 Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015, lãi suất trong hợp đồng vay được xác định: “Lãi suất vay do các bên thỏa thuận. Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp pháp luật liên quan có quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất. Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực”. Tức là, lãi suất vay do các bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá mức trần lãi suất tối đa là 20%/năm hoặc 1,666%/tháng (20% : 12 tháng) của khoản tiền vay. Như vậy, lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự là 20%/năm hoặc 1,666%/tháng. Từ đó có thể hiểu, lãi suất gấp 5 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự là 100%/năm hoặc 8,33%/tháng trở lên. Nếu hành vi cho vay được thực hiện với lãi suất vay ở mức này trở lên thì có thể cấu thành tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự khi và chỉ khi kết hợp với một trong số ba yếu tố khác theo quy định tại Điều 201 BLHS năm 2015 (SĐ, BS năm 2017). Các yếu tố đó bao gồm: thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng trở lên hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm. Như vậy, ba hành vi cấu thành tội danh này sẽ là, cho vay với lãi suất 100%/năm hoặc 8,33%/tháng trở lên và thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng trở lên; cho vay với lãi suất 100%/năm hoặc 8,33%/tháng trở lên mà trước đó đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này; cho vay với lãi suất 100%/năm hoặc 8,33%/tháng trở lên mà trước đó đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích. Trong đó, tình tiết đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi cho vay lãi nặng mà còn vi phạm hiện tại còn tương đối khó khăn để áp dụng vì hiện tại chưa có văn bản để quản lý và xem xét xử lý hành chính đối với hành vi cho vay lãi nặng. Đây là một hạn chế trong quản lý nhà nước đối với hoạt động tín dụng phi chính thức này. Tình tiết “đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm” nghĩa là người thực hiện hành vi cho vay lãi nặng đã bị kết án về Tội cho vay lãi nặng theo quy định tại Điều 163 BLHS năm 1999 hoặc Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự theo quy định tại Điều 201 BLHS năm 2015 (SĐ, BS năm 2017) chưa được xóa án tích theo các Điều 70, Điều 71 và Điều 72 BLHS năm 2015 (SĐ, BS năm 2017).
Mặt khách quan của tội phạm này ngoài những hành vi nguy hiểm cho xã hội thì còn có các dấu hiệu khác như phương tiện phạm tội; phương pháp, thủ đoạn, thời gian, địa điểm và hoàn cảnh phạm tội. Các hình thức cho vay lãi nặng có thể được biểu hiện qua nhiều dạng khác nhau, người cho vay và người vay có thể bằng một hợp đồng viết (rất ít được thực hiện trên thực tế), có thể chỉ bằng một hợp đồng miệng hoặc chỉ ghi số tiền vay vào sổ và người vay ký nhận. Nếu có biên nhận thì thường không ghi lãi suất, không ghi thời gian vay mà chỉ ghi một ngày bao nhiêu tiền lãi ví dụ: vay 1.000.000 đồng thì lãi suất 5.000 đồng (tương đương lãi suất 180%/năm hay 15%/tháng) hoặc vay 8.000.000 đồng thì lãi suất 40.000 đồng (tương đương lãi suất 180%/năm hay 15%/tháng)... Trên thực tế, người vay tiền chỉ cần trong khoảng thời gian rất ngắn đã có tiền mà không phải mất nhiều thời gian, thủ tục hết sức đơn giản chỉ cần phô tô chứng minh nhân dân, hộ khẩu, bằng lái xe, giấy khai sinh, giấy đăng ký kết hôn. Ngoài ra, người vay còn không cần chứng minh thu nhập, đang có nợ xấu ở các công ty tài chính thì vẫn tiếp tục được vay. Đây là những ưu đãi cần thiết, dễ dàng cho những người cần tiền kinh doanh, để đáo hạn khoản vay trước hoặc để tiêu dùng cá nhân trong cuộc sống. Phương pháp thủ đoạn cho vay lãi nặng hết sức tinh vi và phức tạp, thường được hoạt động công khai dưới vỏ bọc của hoạt động kinh doanh được cấp phép hợp pháp như dịch vụ cầm đồ, cho thuê tài sản… Hành vi cho vay lãi nặng hiện nay không chỉ tập trung vào các thành phố lớn mà đã len lỏi vào mọi ngóc ngách, từ thành thị tới nông thôn. Thủ đoạn phạm tội thường là lợi dụng người đi vay gặp hoàn cảnh khó khăn đột xuất như bị thiệt hại do thiên tai, bệnh tật hoặc những khó khăn khác cần gấp một số tiền để trang trải nên người cho vay đã ép buộc hoặc thỏa thuận để người đi vay phải chịu lãi suất cao.
Hậu quả của hành vi cho vay lãi nặng có thể là những thiệt hại vật chất hoặc phi vật chất. Thiệt hại về vật chất của hành vi cho vay lãi nặng là gây thiệt hại cho người vay, làm cho người vay phải chịu mức lãi suất quá cao, số tiền lãi quá lớn, có thể dẫn đến không có tiền trả, từ đó đưa đến hệ lụy là người cho vay có hành vi cố ý gây thương tích, hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản, hoặc người phạm tội sử dụng các hành vi khủng bố tinh thần như tạt sơn, chất bẩn… làm cho người đi vay và người thân của họ ở trong tình trạng luôn lo lắng, áp lực trả nợ, túng quẫn, gây ra các hành vi phạm pháp khác, thậm chí dẫn đến người đi vay phải tự tử. Những thiệt hại phi vật chất khác như về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội và nhiều hệ lụy khôn lường cho người dân, cho xã hội như các băng nhóm xã hội đen, đòi nợ thuê liên tục được mở rộng tràn lan, trật tự trị an xã hội bị ảnh hưởng. Đối với Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự thì hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội phạm này.
3. Những điểm mới của Tội cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự trong quy định của BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017)
Thực hiện chính sách hình sự về Tội cho vay lãi nặng với những định hướng, chủ trương của Đảng, Nhà nước trong việc sử dụng BLHS quy định tội phạm và hình phạt để đấu tranh và phòng chống tội phạm về cho vay nặng lãi hiện nay thì việc phải sửa đổi BLHS năm 1999 với tội danh cho vay lãi nặng quy định tại Điều 163 thành Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự tại Điều 201 BLHS năm 2015 (SĐ, BS năm 2017) với các dấu hiệu định tội và định khung đã được cụ thể hóa theo hướng định tính làm căn cứ xác định trách nhiệm hình sự là thực sự cần thiết. Trong đó, những điểm mới của Tội cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự thể hiện ở một số nội dung sau:
Thứ nhất, về tên tội danh. BLHS hiện hành đã sửa tên tội danh thành Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự mà không còn quy định chung chung là Tội cho vay lãi nặng. Điều này xuất phát từ bản chất cho vay là quan hệ giao dịch được xác lập theo quy định của pháp luật dân sự. Nếu quy định tên tội danh như BLHS năm 1999 thì sẽ căn cứ theo mức lãi suất do ngân hàng nhà nước công bố tại từng thời điểm hoặc theo Luật Các tổ chức tín dụng trong khi quan hệ này mang bản chất là một quan hệ giao dịch dân sự. Đây là điểm tiến bộ của nhà làm luật khi viện dẫn đúng và rõ ràng căn cứ pháp luật để xác định mức lãi suất cao nhất.
Thứ hai, về dấu hiệu định tội. Quy định tại Điều 201 BLHS năm 2015 (SĐ, BS năm 2017) đã quy định rõ ràng và mang tính định lượng hơn so với quy định mang tính định tính như trong BLHS năm 1999. Theo đó, quy định trong BLHS năm 1999 là “cho vay với mức lãi suất cao hơn mức lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định từ mười lần trở lên có tính chất chuyên bóc lột” mà để chứng minh dấu hiệu này thì rất khó khăn nên BLHS năm 2015 (SĐ, BS năm 2017) đã quy định cụ thể là “Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm”. Như vậy, quy định về dấu hiệu định tội đã có một số thay đổi: một là, giới hạn lại phạm vi chỉ trong giao dịch dân sự; hai là, quy định về mức lãi suất cao nhất đã được giảm xuống, mức lãi suất cho vay giảm xuống từ gấp 10 lần thành gấp 05 lần tuy nhiên phải đi kèm hậu quả là số tiền thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng; ba là, căn cứ để xác định lãi suất cao nhất cũng đã được nêu một cách cụ thể và thống nhất là “quy định trong Bộ luật Dân sự” mà không còn chung chung là “pháp luật quy định” như trong BLHS năm 1999. Dựa trên quy định rõ ràng này, mức lãi suất được xác định làm căn cứ tính lãi suất cao nhất được áp dụng một cách dễ dàng, rõ ràng và thống nhất hơn; bốn là, đã bỏ dấu hiệu “có tính chất chuyên bóc lột”; năm là bổ sung thêm hai dấu hiệu định tội ngoài dấu hiệu về tiền thu lợi bất chính là “đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm”. Điều này đưa đến khả năng xử lý triệt để hơn và nghiêm khắc hơn đối với người thực hiện hành vi cho vay lãi nặng trước tình hình thực tế là loại tội phạm này đang ngày càng gia tăng ở nước ta trong những năm vừa qua. Những quy định mới này rõ ràng và phù hợp hơn với thực tế và cho phép áp dụng pháp luật một cách rõ ràng, dễ dàng và triệt để hơn.
Thứ ba, về tình tiết định khung, BLHS năm 2015 (SĐ, BS năm 2017) đã quy định hậu quả của tội phạm này mang tính định lượng một cách rõ ràng là “… Phạm tội mà thu lợi bất chính 100.000.000 đồng trở lên...” mà không còn mang tính định tính như quy định tại Điều 163 BLHS năm 1999 là “Phạm tội thu lợi bất chính lớn”.
Thứ tư, về chế tài xử lý. Tội danh này đã cụ thể hơn về hình phạt tiền. Cụ thể, số tiền phạt được nêu cụ thể trong BLHS năm 2015 (SĐ, BS năm 2017) là “từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng” (Khoản 1 Điều 201) thay thế cho quy định chung chung tại Điều 163 BLHS năm 1999 là “phạt tiền từ một lần đến mười lần số tiền lãi”. Điều này cũng đảm bảo rõ ràng hơn khi quyết định hình phạt, không còn phụ thuộc vào việc tính số tiền lãi.
Những nội dung được sửa đổi trong BLHS năm 2015 (SĐ, BS năm 2017) đều là những điểm tiến bộ, giúp cho việc áp dụng quy định về tội danh này được rõ ràng, thuận lợi hơn, tạo điều kiện tốt hơn cho công tác đấu tranh phòng chống loại tội phạm này trên thực tế.
TÀI LIỆU TRÍCH DẪN
1Trường Đại học luật Hà Nội (2010), Giáo trình Luật Hình sự Việt Nam, tập 1, Nxb Công an nhân dân, tr 86.
2Trường Đại học luật Hà Nội (2010), Giáo trình Luật Hình sự Việt Nam, tập 1, Nxb Công an nhân dân, tr 99.
3TS. Trần Thị Quang Vinh, TS. Vũ Thị Thúy (2018), Tập bài giảng Luật Hình sự, Trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Bộ luật Hình sự năm 1999.
- Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
- Bộ luật Dân sự năm 2015.
- Trần Thị Quang Vinh, TS. Vũ Thị Thúy (2018), Tập bài giảng Luật Hình sự, Trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh.
CRIME FOR MAKING SUPER HIGH-INTEREST LOANS VIA CIVIL TRANSACTIONS ON THE CRIMINAL CODE 2015 (AMENDED AND SUPPLEMENTED IN 2017)
Master. Le Thi Minh Thu
Lecturer, Faculty of Law, Ho Chi Minh City University of Technology
Abstract:
The Criminal Code 2015 (amended and supplemented in 2017) was issued with many specific provisions that were amended and supplemented from the previous Criminal Code, including crime for making super high-interest loans via civil transactions. This article analyzes four constituent elements of the crime for making super high-interest loans via civil transactions, focusing on factors that have fundamental changes in regulations on this crime, namely objective factor. In addition, this article compares the provisions on this crime in the Criminal Code 1999 and the current version of the code, thereby introducing some new points.
Keywords: Super high-interest loan, subject, civil transaction, object, subjective side, objective side, Criminal Code 2015.