Năm 2012, kim ngạch xuất khẩu sang Xê-nê-gan chỉ đạt 91,35 triệu USD, giảm 48% so với năm 2011, trong đó gạo chiếm 66,2 triệu USD (giảm 39%), linh kiện phụ tùng xe máy đạt 14,32 triệu USD, máy vi tính, sản phẩm linh kiện điện tử 5,6 triệu USD, hạt tiêu 1,6 triệu USD… Nguyên nhân của việc giảm xuất khẩu mặt hàng gạo là do Xê-nê-gan chuyển sang mua gạo của Ấn Độ vì có giá bán rẻ hơn.
Về chính sách ngoại thương, Xê-nê-gan là thành viên của Liên minh Kinh tế, tiền tệ Tây Phi (UEMOA) bao gồm 8 quốc gia nói tiếng Pháp là Bê-nanh, Buốc-ki-na Pha-xô, Bờ Biển Ngà, Ghi-nê Bít-xao, Ma-li, Ni-giê, Xê-nê-gan và Tô-gô. Các nước này áp dụng 1 biểu thuế quan ngoại khối chung (TEC) đối với hàng hóa xuất nhập khẩu từ bên ngoài với tỷ suất từ 0 đến 20% tuỳ theo loại sản phẩm: 0% đối với thuốc chữa bệnh, sách và bao cao su; 5% đối với hàng thiết yếu, nguyên liệu cơ bản, trang thiết bị và nguyên liệu đầu vào đặc biệt; 10% đối với một số mặt hàng thiết yếu khác, các sản phẩm trung gian và một số nguyên liệu đầu vào; 20% đối với hàng tiêu dùng thành phẩm và tất cả các sản phẩm khác ngoài những mặt hàng kể trên. Ngoài ra còn có thuế đoàn kết cộng đồng (PCS) bằng 1% giá trị giao dịch hàng hoá áp dụng đối với mọi sản phẩm nhập khẩu đến từ những quốc gia không thuộc UEMOA và phí thống kê tương đương 1% giá trị CIF của hàng nhập khẩu.
Thủ tục xuất nhập khẩu
Những pháp nhân hay thể nhân có hoạt động công nghiệp hoặc thương mại cần xuất nhập khẩu hàng hoá, nguyên liệu hoặc sản phẩm phục vụ nhu cầu kinh doanh, công nghiệp, trực tiếp hoặc gián tiếp qua những người được uỷ quyền hay người môi giới hải quan được phép, phải có một chiếc thẻ đặc biệt mang tên «thẻ xuất nhập khẩu» (Điều 78 Bộ Luật hải quan). Thẻ này do Bộ Thương mại cấp.
Điều 18 Bộ luật Hải quan và Nghị định số 91-1221 ngày 14/11/1991 về xây dựng Chương trình kiểm tra hàng nhập khẩu (PVI) quy định: áp dụng trên toàn lãnh thổ CH Xê-nê-gan Chương trình kiểm tra hàng nhập khẩu (Điều 1).
Cụ thể, không kể việc kiểm tra theo luật pháp và quy định hiện hành, mọi hoạt động nhập khẩu hàng hoá vào Xê-nê-gan trước khi đưa hàng lên tàu phải được một công ty chuyên trách do Nhà nước uỷ quyền kiểm định về mặt chất lượng, số lượng, giá cả và loại thuế.
Những mặt hàng sau đây được miễn kiểm tra:
- Vàng, đá quý, hàng mỹ nghệ, vũ khí, đạn dược (trừ súng săn hay súng thể thao), chất nổ và hàng hóa mang tính kỹ thuật hỏa pháo, động vật sống, hàng tiêu dùng tươi sống, ướp lạnh, kim loại thu gom, cây và sản phẩm thực vật, phim ảnh, báo, tem thư hay tem thuế, tiền giấy, tiền xu, quyển séc, đồ dùng cá nhân đã sử dụng kể cả xe ô tô cũ, tặng phẩm cá nhân, hàng gửi bưu điện, hàng mẫu, dầu thô, tặng phẩm của các Chính phủ và tổ chức quốc tế gửi các hiệp hội, các tổ chức mang tính nhân đạo, giáo dục xã hội, gia đình được xác định là công ích, các thiết bị do các phái đoàn ngoại giao, lãnh sự hoặc các cơ quan thuộc Liên Hiệp quốc nhập khẩu trực tiếp phục vụ nhu cầu riêng.
- Việc kiểm định theo quy định tại điều 2 Nghị định nói trên được áp dụng đối với tất cả các hoạt động nhập khẩu hàng hoá dù trong lĩnh vực Nhà nước hay tư nhân.
- Việc kiểm định mang tính bắt buộc đối với mọi công-ten-nơ.
- Với mỗi hoạt động nhập khẩu hàng hoá, cần phải làm thủ tục khai báo nhập khẩu trước (DPI) với Công ty kiểm định được uỷ quyền phụ trách việc này.
Do vậy, mọi khai báo hải quan đăng ký tại Xê-nê-gan đòi hỏi phải xuất trình Tờ khai nhập khẩu trước (DPI) cũng như Giấy chứng nhận kiểm tra (AV) do Công ty kiểm tra phát hành hoặc phải chứng mình được miễn trừ hay hạn chế kiểm tra (đã được quy định trong Nghị định) trước khi đưa hàng lên tàu.
Xê-nê-gan sử dụng hệ thống phân loại thuế quan thống nhất với hệ thống thuế quan của Liên minh Kinh tế và Tiền tệ Tây Phi (UMOA) gồm 8 nước.
Những giấy tờ bắt buộc phải có trong thủ tục nhập khẩu hàng hoá gồm hoá đơn thương mại (2 bản) và giấy chứng nhận xuất xứ (1). Xem thêm chi tiết tại trang web Hải quan Xê-nê-gan (www.douanes.sn).
Quy định nơi thanh toán tại ngân hàng
Cơ sở pháp lý: Quy định số R09/98/CM/UEMOA ngày 20/12/1998 về quan hệ tài chính đối ngoại của các nước thành viên Liên minh Kinh tế và Tiền tệ Tây Phi (UEMOA).
- Mọi hoạt động nhập khẩu, dù đến từ nước nào, nếu đi kèm với việc thanh toán tài chính có trị giá FOB cao hơn 5.000.000 F.CFA đều phải thanh toán tại một ngân hàng trung gian được cấp phép.
- Cùng với hoạt động đăng ký thanh toán tại ngân hàng, phải nộp cho ngân hàng trung gian được cấp phép một Tờ khai trước về nhập khẩu (DPI) được lập theo mẫu quy định và ngân hàng tự động lưu lại tờ khai này.
- Việc nhập khẩu mà không có thanh toán tài chính kèm theo sẽ được miễn đăng ký địa điểm thanh toán tại ngân hàng nhưng phải được sự đồng ý trước (visa) của Ban Tài chính đối ngoại có trụ sở tại Ngân hàng các quốc gia Tây Phi (BCEAO) trong nước.
Việc đăng ký địa điểm thanh toán tại ngân hàng là bắt buộc đối với hoạt động nhập khẩu có tổng số tiền trên 5.000.000 F.CFA hoặc có giá trị tương đương theo Quy định số R09/98/CM/UEMOA ngày 20/12/1998 về quan hệ tài chính đối ngoại các Nhà nước thành viên UEMOA.
Về nhập khẩu
1/ Việc mở hồ sơ nhập khẩu tại ngân hàng
a. Nhà nhập khẩu phải cung cấp:
- Hoá đơn chiếu lệ (hình thức) hoặc mọi hình thức hợp đồng thương mại khác,
- Giấy phép đổi tiền đã được Cơ quan Tiền tệ và Tín dụng Xê-nê-gan xác nhận
- Giấy chứng nhận nhập khẩu
- Thẻ xuất nhập khẩu
b. Ngân hàng lưu lại tất cả giấy tờ trên, mở một hồ sơ, cung cấp số hồ sơ và trả lại cho nhà nhập khẩu Giấy chứng nhận nhập khẩu để đem tới cơ quan hải quan xác nhận khi hàng đến.
2/ Hoàn tất hồ sơ nhập khẩu
Hồ sơ được xem như được giải quyết khi đã nộp:
- Giấy chứng nhận nhập khẩu do Hải quan xác nhận,
- Tất cả các giấy báo thanh toán của ngân hàng về tổng số tiền đã được xác định nơi trả
- Bản sao vận đơn hoặc mọi giấy tờ vận chuyển khác
Về xuất khẩu
Việc đăng ký địa điểm thanh toán tại ngân hàng là bắt buộc đối với hoạt động xuất khẩu có tổng số tiền vượt quá 5.000.000 FCFA (1 USD =500 FCFA) hoặc có giá trị tương đương bằng loại tiền khác. Quy định về xuất khẩu cũng được ghi trong Quy định của Liên minh Kinh tế và Tiền tệ Tây Phi (UEMOA) nêu trên và có tại tất cả những ngân hàng trung gian đã được chấp nhận.
1/ Mở hồ sơ xuất khẩu tại ngân hàng
a. Nhà xuất khẩu phải xuất trình:
- Hoá đơn thương mại hoặc mọi hình thức hợp đồng thương mại khác,
- Bản cam kết tỷ giá
- Giấy chứng nhận xuất khẩu
- Chứng minh có Thẻ xuất nhập khẩu
b. Ngân hàng ghi lại tất cả các chứng từ trên, mở hồ sơ và trả lại nhà xuất khẩu Giấy chứng nhận xuất khẩu để xuất trình cho hải quan đóng dấu xác nhận hàng hóa ra khỏi lãnh thổ hải quan.
2/ Hoàn tất hồ sơ xuất khẩu
Hồ sơ đăng ký địa điểm thanh toán tại ngân hàng phải được giải quyết chậm nhất 1 tháng sau ngày yêu cầu quyết toán quy định trong hợp đồng thương mại.
Một hồ sơ được coi là đã giải quyết khi đã nộp:
- Các giấy báo thanh toán ngân hàng tương đương với tổng số tiền mở, mọi chênh lệch sẽ phải được chứng minh.
- Giấy chứng nhận xuất khẩu có dấu của hải quan.
Việc khai báo trước khi nhập khẩu mang tính bắt buộc dù xuất xứ hàng hoá đến từ đâu với điều kiện giá trị hàng hoá cao hơn 1.000.000 F.CFA hoặc tương đương bằng đồng tiền khác.
Tuy nhiên, khi nhập khẩu được thực hiện với giá trị cao hơn hoặc bằng 3.000.000 FCFA thì ngoài việc phải khai báo nhập khẩu trước, cần phải kiểm định hàng hoá khi rời nước xuất khẩu với việc xuất trình một giấy chứng nhận kiểm tra chất lượng, số lượng và giá cả.
Tại Xê-nê-gan, có 2 công ty được uỷ quyền cấp tờ khai nhập khẩu trước, đó là SGS và BIVAC.
Hoạt động thông quan (điều 69 Bộ luật Hải quan)
1. Khai báo chi tiết bắt buộc: Mọi hàng hoá nhập khẩu hoặc xuất khẩu phải được khai báo chi tiết theo chế độ hải quan. Việc miễn thuế và phí khi nhập cảnh hoặc xuất cảnh không đồng nghĩa với việc miễn nghĩa vụ này. Việc khai báo chi tiết phải được thực hiện tại một phòng hải quan chuyên trách.
2. Những người được phép khai báo hàng hoá chi tiết:
Chủ sở hữu hàng có ngân hàng bảo lãnh thanh toán hoặc những thể nhân/pháp nhân đã nhận được sự nhất trí của đại lý hải quan hoặc đã được cấp phép thông quan theo quy định của Bộ luật Hải quan có thể khai báo chi tiết hàng hóa xuất nhập khẩu.
3. Giấy phép thông quan cho người khác:
Mọi thể nhân hay pháp nhân không hành nghề môi giới hải quan muốn thực hiện hoạt động thông quan cho người khác (phục vụ hoạt động công nghiệp hoặc thương mại) cần phải có giấy phép thông quan.
Giấy phép này chỉ được cấp trong trường hợp đặc biệt đối với các hoạt động đã được xác định và không phổ biến rộng rãi, theo quy định của Nghị định số 85-863 ngày 9/8/1985 về tổ chức nghề môi giới được phép (điều 20).