Quy hoạch chiếu sáng đô thị cần nhiều giải pháp hợp lý

Theo tính toán của Sở Khoa học và Công nghệ TP. Hồ Chí Minh, nếu thay thế toàn bộ hệ thống đèn hiện nay bằng đèn LED công suất từ 65-200 W, Thành phố sẽ tiết kiệm được 55.315.699 kW/năm, tương đương k

Thông tin trên, được ông Huỳnh Kim Tước - Giám đốc Trung Tâm tiết kiệm năng lượng TP. Hồ Chí Minh (Sở Khoa học và Công nghệ TP. Hồ Chí Minh) cho biết tại hội thảo “Nghiên cứu lựa chọn công nghệ LED trong chiếu sáng đô thị”, được tổ chức sáng nay, ngày 11/8 tại TP. Hồ Chí Minh.

Ông Huỳnh Kim Tước - Giám đốc Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TP phát biểu tại hội thảo

Mục tiêu của hội thảo, nhằm tham mưu cho cơ quan Nhà nước, lựa chọn công nghệ LED phù hợp với hệ thống chiếu sáng công cộng. Qua đó, góp phần giúp cho cơ quan Nhà nước hoàn thành thực hiện chỉ tiêu tiết kiệm năng lượng được giao.

Ông Huỳnh Trí Dũng - Phó Chủ tịch Hội chiếu sáng Việt Nam chia sẻ tại hội thảo

Hội thảo đã thu hút nhiều đại diện của các cơ quan Nhà nước, như: Sở Giao thông Vận tải, Sở Xây dựng, các công ty chiếu sáng công cộng và công ty môi trường đô thị các tỉnh phía Nam, đặc biệt có sự tham dự của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh LED, các đơn vị thiết kế, thi công chiếu sáng.

Ông Vương Quan Trường - Giám đốc Trung tâm R&D Điện Quang phát biểu tại hội thảo

Phát biểu tại hội thảo, ông Huỳnh Kim Tước - Giám đốc Trung tâm tiết kiệm năng lượng TP. Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay, điện năng dùng cho chiếu sáng của Việt Nam chiếm khoảng 35% điện năng tiêu thụ của cả nước. Trong đó, hệ thống chiếu sáng công cộng là lĩnh vực tiêu tốn nhiều năng lượng, do thiết kế, lắp đặt và sử dụng chiếu sáng chưa hiệu quả.

Các đại biểu quan khách tìm hiểu tại gian hàng sản phẩm LED của Điện Quang

Ngoài ra, các thành phố lớn của Việt Nam chủ yếu dùng đèn thủy ngân cao áp hoặc Sodium cao áp cho hệ thống chiếu sáng công cộng. Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế trong ngành, loại đèn này tiêu thụ nhiều điện năng, hiệu suất chiếu sáng chưa cao và tuổi thọ còn thấp. Hệ thống các trạm điều khiển đèn vẫn chỉ được điều khiển bằng tủ cục bộ và hầu như chưa có thiết bị điều khiển chiếu sáng cho hệ thống.

Ông Tước cho biết thêm, tại Thành phố Hồ Chí Minh, hệ thống chiếu sáng tiêu thụ hơn 162 triệu kWh/năm, trong đó, hệ thống chiếu sáng công cộng chiếm khoảng 90 triệu kWh/năm, ước tính ngân sách Thành phố phải chi trả hơn 130 tỷ đồng/năm.

Các đại biểu tìm hiểu về quy chuẩn, tiêu chuẩn của đèn LED tại hội thảo

Trong số 102.500 bóng đèn chiếu sáng công cộng hiện đang sử dụng, đèn cao áp HPS 400W chiếm 2,4%, đèn HPS 250W chiếm 39% và đèn HPS từ 100 - 150W chiếm 58,5%.

Hiệu quả ứng  dụng công nghệ LED trong chiếu sáng đã được khẳng định từ lâu. Tuy nhiên, trong thị trường đa dạng chủng loại đèn LED, việc lựa chọn sản phẩm, công nghệ phù hợp cho các đô thị cần có sự tham vấn đúng đắn. Theo tính toán, nếu thay thế toàn bộ hệ thống đèn hiện nay bằng đèn LED công suất từ 65 - 200 W, Thành phố sẽ tiết kiệm được 55.315.699 kW/năm, tương đương khoảng 88 tỷ đồng/năm, ước tính giảm 31 tấn phát thải CO2 vào môi trường mỗi năm.

Doanh nghiệp sản xuất LED phát biểu tại hội thảo

Ông Huỳnh Trí Dũng - Phó Chủ tịch Hội chiếu sáng Việt Nam nhận định, hội thảo lần này không những tập trung phân tích các công nghệ LED hiện đang sử dụng, mà còn tập trung tìm ra các giải pháp tài chính hữu hiệu, dự án đầu tư phù hợp cho từng đơn vị sử dụng. Từ đó, làm cơ sở tham mưu cho cơ quan Nhà nước trong việc lựa chọn đúng công nghệ LED, phù hợp với chiếu sáng công cộng của từng địa phương.

Hiện nay, việc ứng dụng đèn LED trong chiếu sáng đô thị tại Việt Nam đã được triển khai ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, như: Đà Nẵng, Vũng Tàu, Đồng Tháp, Bến Tre, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh… tuy nhiên với mức độ vẫn còn rất khiêm tốn.

Cụ thể như ở một địa phương lớn như TP. Hồ Chí Minh, trong tổng số 136.869 bộ đèn chiếu sáng công cộng, thì đèn LED chỉ chiếm khoảng 1.200 bộ và được sử dụng chủ yếu tại một số tuyến đường lớn ở trung tâm. Còn ở các ngõ, hẻm vẫn chưa sử dụng công nghệ này, với lý do không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật về thiết kế, lắp ráp, mỹ thuật. Điều quan trọng nữa là chi phí đầu tư ban đầu cho sử dụng LED tiêu tốn khá nhiều, nên nhiều địa phương còn e ngại.

Để thị trường chiếu sáng LED phát triển tốt, tại hội nghị, các đại biểu tham dự cho rằng, cần phải có giải pháp tài chính hữu hiệu, đồng thời Nhà nước cần ưu đãi về thuế nhập khẩu các thiết bị, linh kiện để sản xuất đèn LED.

Bên cạnh đó, các nhà sản xuất và cung cấp dịch vụ chiếu sáng cần hợp tác với các cơ quan truyền thông, để tuyên truyền đúng, đầy đủ và tư vấn rõ ràng cho người sử dụng về các quy chuẩn, tiêu chuẩn cho từng sản phẩm, phù hợp với vị trí và xung quanh môi trường thực hiện.

Tại hội thảo, ông Vương Quan Trường - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển của Điện Quang chia sẻ thêm, với những tính năng vượt trội như tiết kiệm điện, tuổi thọ cao, thân thiện môi trường, giá cả phù hợp, đèn LED được lựa chọn thay thế các sản phẩm chiếu sáng truyền thống trong chiến dịch tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường.

Hiện nay, sản phẩm LED ở Việt Nam đa dạng về chủng loại, kiểu dáng và giá cả, tuy nhiên, có một số sản phẩm đèn LED chất lượng lưu thông trên thị trường còn kém, chưa có quy chuẩn rõ ràng.

Trước tình hình đó, để đảm bảo việc sản xuất ra những sản phẩm đúng chất lượng, Điện Quang đã xây dựng một phòng thí nghiệm đạt chuẩn ISO 17025, để kiểm tra chất lượng sản phẩm trước khi xuất xưởng. Ngoài ra, Điện Quang cũng trang bị một số thiết bị chuẩn để đo LED, chính nhờ đầu tư công nghệ tiên tiến kịp thời, các sản phẩm LED của Điện Quang đều đạt chất lượng theo tiêu chuẩn quy định và đáp ứng nhu cầu thị trường tiêu dùng với giá cả hợp lý.

Về giải pháp tài chính cho chi phí đầu tư ban đầu, ông Trường cho biết, Điện Quang sẽ hợp tác với các đối tác, đầu tư toàn bộ sản phẩm thay thế, sau đó sẽ thống kê số liệu về hiệu quả tiết kiệm năng lượng, bằng cách lấy con số tiêu hao lúc chưa sử dụng sản phẩm LED của Điện Quang và con số sau khi sử dụng, số liệu tiết kiệm điện năng, sẽ chia ra với tỷ lệ từ 20% đến 50% với các đối tác. Với các dự án từ 200 triệu đồng trở xuống, Điện Quang sẽ đầu tư bằng kinh phí của đơn vị, nếu cao hơn sẽ hợp tác thông qua các ngân hàng tại các địa phương.

Nhận định về xu hướng phát triển của đèn LED trên thế giới, ông Trường cho biết, thị trường đèn LED toàn cầu sẽ tăng từ 2,2 tỷ USD năm 2011 lên mức 3,7 tỷ USD vào năm 2016. Tốc độ tăng trưởng doanh thu được dự báo khoảng 14%/năm.

 

Hồng Lực