Tuy nhiên, do điều kiện địa lý và kinh tế - xã hội của các tỉnh biên giới cũng như nhiều nguyên nhân khác nhau, mạng lưới chợ trên tuyến biên giới Việt Nam – Lào còn phát triển chậm, yếu ớt, quy mô trao đổi hàng hoá còn nhỏ lẻ, cơ sở vật chất còn nghèo nàn, lạc hậu, lực lượng tham gia hoạt động chợ còn ít, nguồn vốn đầu tư chợ gặp nhiều khó khăn…
Nguyên nhân dẫn đến thực trạng chợ biên giới Việt Nam – Lào yếu kém như vậy là do:
Thứ nhất: Mạng lưới chợ biên giới của cả hai nước vẫn đang phát triển tự phát, phân bố chưa hợp lý, chưa được quy hoạch nên chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp, thương nhân và cư dân biên giới tham gia hoạt động kinh doanh tại chợ.
Thứ hai: Phương thức kinh doanh, trao đổi hàng hoá tại chợ biên giới Việt Nam – Lào còn lạc hậu theo mô hình chợ truyền thống, hàng hoá nghèo nàn, chủ yếu là sản phẩm tự tại của cư dân biên giới.
Thứ ba: Quản lý mạng lưới chợ biên giới Việt Nam – Lào còn nhiều yếu kém, gây nhiều khó khăn trong công tác phòng chống buôn lậu và gian lận thương mại, kiểm soát dịch bệnh lan truyền qua biên giới khó khăn.
Thứ tư: Thiếu sự hợp tác chặt chẽ trong việc quy hoạch mạng lưới chợ biên giới của hai nước Việt Nam - Lào.
Để giải quyết thực trạng yếu kém trên, việc hai nước Việt Nam - Lào phối hợp thống nhất lập quy hoạch chung mạng lưới chợ biên giới là vô cùng quan trọng và cần thiết. Thứ nhất, nó đảm bảo cho mạng lưới chợ biên giới Việt Nam – Lào hoạt động lâu dài và bền vững. Thứ hai, nó giải quyết được thực trạng yếu kém của chợ biên giới Việt Nam – Lào về mọi mặt, từ quy hoạch phát triển đến quản lý hoạt động, từ phương thức kinh doanh, giao dịch đến quy mô, vị trí không gian, hoạch định chính sách và chiến lược phát triển phù hợp với nhu cầu hội nhập kinh tế quốc tế. Từ đó mới thu hút được đầu tư trong nước và ngoài nước, tạo công ăn việc làm cho cư dân biên giới hai nước, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số được cải thiện, góp phần xoá đói giảm nghèo và phát triển bền vững.
Hơn nữa, việc quy hoạch mạng lưới chợ biên giới Việt Nam – Lào, nhằm đạt được các mục tiêu quan trọng, đáp ứng đòi hỏi cấp thiết trong tiến trình phát triển thương mại biên giới nói chung, kinh tế thương mại biên giới Việt Nam – Lào nói riêng. Cụ thể:
- Làm cơ sở cho việc xây dựng văn bản pháp quy thực hiện quản lý nhà nước đối với mạng lưới chợ biên giới của hai nước Việt Nam và Lào thời kỳ từ nay đến năm 2020;
- Làm căn cứ để thu hút các nhà đầu tư kinh doanh chợ trên tuyến biên giới Việt Nam-Lào;
- Làm cơ sở cho các tỉnh biên giới Việt Nam và Lào xây dựng và tổ chức thực hiện quy hoạch phát triển mạng lưới chợ trên phạm vi lãnh thổ.
Việt Nam và Lào là hai nước láng giềng có nhiều điểm tương đồng, vấn đề dân tộc của Lào và Việt Nam có những đặc điểm chung, nhưng trong khuôn khổ của mỗi quốc gia lại có những đặc thù riêng. Trải qua hơn 20 năm đổi mới ở Việt Nam, tại khu vực biên giới hai nước, đời sống của cư dân đã có những thay đổi lớn. Tuy nhiên trong quá trình phát triển kinh tế, tính đa dạng của văn hoá các dân tộc thiểu số có xu hướng giảm đi. Thực tiễn cho thấy, xây dựng và phát triển chợ ở vùng dân tộc thiểu số không chỉ là vấn đề kinh tế, mà còn là vấn đề xã hội, chính trị…Vì vậy, nghiên cứu và đề xuất phương án quy hoạch phát triển mạng lưới chợ biên giới Việt Nam – Lào đến năm 2020 vừa có ý nghĩa kinh tế, vừa có ý nghĩa xã hội sâu sắc.
Mặc dù Việt Nam đã xây dựng quy hoạch phát triển mạng lưới chợ toàn quốc đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020, đã xác lập những định hướng phát triển mạng lưới chợ biên giới, nhưng hiện nay, Lào vẫn chưa có quy hoạch về chợ biên giới. Do vậy, để khai thác triệt để nguồn lực tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương hai nước thông qua hoạt động của mạng lưới chợ biên giới, Chính phủ hai nước Việt Nam và Lào đã nhất trí cao việc lập dự án quy hoạch phát triển mạng lưới chợ biên giới chung của hai nước, nhằm mục đích thống nhất trong công tác quản lý chợ biên giới tuyến Việt Nam – Lào cho phù hợp với lợi thế phát triển, đặc điểm kinh tế - xã hội của từng khu vực biên giới, đồng thời cũng góp phần củng cố quan hệ hữu nghị, an ninh biên giới và lành mạnh hoá hoạt động thương mại biên giới.
Hơn nữa, việc xây dựng quy hoạch phát triển mạng lưới chợ biên giới Việt Nam – Lào không chỉ là yêu cầu tất yếu của quá trình phát triển kinh tế - xã hội nói chung và phát triển thương mại nói riêng, mà còn là bước cụ thể hoá, nhằm thực hiện các quyết định của Thủ Tướng Chính phủ về phát triển kinh tế thương mại biên giới trở thành động lực phát triển kinh tế thương mại của cả nước, gắn liền với công tác biên mậu trong toàn khu vực.
Toàn bộ tuyến biên giới Việt Nam – Lào có 10 tỉnh sẽ được khảo sát gồm: Điện Biên, Sơn La, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Kon Tum và 10 tỉnh biên giới Lào gồm: Phong Xa Lỳ, Luông Phrabang, Hủa Phăn, Xiêng Khoảng, Bo Li Khăm Xay, Khăm Muộn, Savannakhet, Sa La Van, Xê kông, Attapư.
Quy hoạch phát triển mạng lưới chợ biên giới Việt Nam – Lào không những là một cuộc cải cách kinh tế của hai nước Việt Nam – Lào, mà còn là nhân tố hết sức quan trọng giữ vững đoàn kết, ổn định và an ninh chính trị tại khu vực biên giới, củng cố và làm tăng lòng tin vào Đảng, Chính phủ của đồng bào dân tộc thiểu số. Đây cũng là mục tiêu xây dựng hai nước Việt Nam và Lào đoàn kết, thống nhất và ổn định theo hướng văn minh, hiện đại để chủ động hội nhập kinh tế quốc tế.
Trong tương lai, ở khu vực nông thôn, miền núi, biên giới, chợ không chỉ là một kiểu tổ chức kinh tế, mà còn là một dạng sinh hoạt văn hoá chứa đựng sâu sắc và đậm đà các giá trị truyền thống dân tộc. Rất nhiều nhu cầu của đời sống người nông dân, cả trong sản xuất lẫn tiêu dùng, dù là phục vụ sinh hoạt vật chất hay tinh thần, đều được thoả mãn thông qua chợ.
Tuy nhiên, trong phát triển mạng lưới chợ biên giới Việt Nam – Lào vẫn còn một số tồn tại, nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ việc thiếu hợp tác trong lập và tổ chức thực hiện Quy hoạch phát triển mạng lưới chợ biên giới Việt Nam – Lào để đảm bảo hoạt động lâu dài và bền vững. Thực tiễn đang đặt ra những vấn đề phải giải quyết cả về quy hoạch phát triển lẫn việc quản lý hoạt động của mạng lưới chợ biên giới, từ chức năng, phương thức giao dịch, quy mô, vị trí không gian, tổ chức quản lý đến các chính sách và biện pháp phát triển…để có thể phát huy được vai trò của chợ biên giới trong quá trình hội nhập kimh tế quốc tế của mỗi nước. Đồng thời, với quy hoạch này, sẽ tạo thuận lợi cho việc thu hút đầu tư cả trong và ngoài nước cho quá trình phát triển kinh tế của khu vực biên giới hai nước Việt – Lào trong thời gian tới.
Quy hoạch chợ biên giới Việt Nam – Lào
TCCT
Trong thời gian qua, mạng lưới chợ trên tuyến biên giới Việt Nam – Lào được hình thành đã góp phần thúc đẩy giao thương, trao đổi hàng hoá, chuyển đổi cơ cấu kinh tế vùng biên giới. Mạng lưới chợ biên