Ông Đỗ Quang Thịnh, Giám đốc Sở Công nghiệp Hải Phòng: Hải Phòng có 3 KCN do Chính phủ thành lập, trong đó có KCN Nomura được lấp đầy 80%. Đến nay, chúng tôi đã thành lập thêm 3 CCN, trong đó có CCN Vĩnh Niệm đã được lấp đầy ngay sau khi hoàn thành xây dựng hạ tầng. Hải Phòng có 30 làng nghề TTCN hoạt động tương đối hiệu quả, giải quyết được nguồn lao động dư thừa hiện nay theo hướng lao động có tay nghề, thông qua các lớp đào tạo nghề của chương trình Khuyến công. Về công tác quy hoạch công nghiệp, Hải Phòng đã phối hợp với Viện Nghiên cứu Chiến lược Chính sách Công nghiệp hoàn thành Đề án điều chỉnh bổ sung quy hoạch công nghiệp và điện lực giai đoạn 2006-2010 có xét đến năm 2020. Với Thành phố Hải Phòng, quy hoạch công nghiệp như hiện nay là hợp lý.
Bên cạnh cái đã làm được, Hải Phòng xin kiến nghị một số vấn đề sau: Nếu thực hiện theo Nghị định 36/CP thì về quản lý nhà nước đối với các KCN, CCN, KCX, đang có sự chồng chéo giữa Ban quản lý với Sở Công nghiệp. Sự chồng chéo này gây nên phiền phức, không đồng bộ, nhiều đầu mối cho các nhà đầu tư. Theo chúng tôi, Chính phủ sớm xem xét, sửa đổi Nghị định 36/CP, hoặc là ban hành một Nghị định mới về quản lý các KCN, CCN. KCX.
Trong các doanh nghiệp công nghiệp ở Hải Phòng đã xảy ra tình trạng đình công, bỏ việc của công nhân. Nguyên nhân là tiền lương không có sự thống nhất trong cùng một ngành nghề giữa doanh nghiệp nhà nước với doang nghiệp tư nhân có vốn đầu tư nước ngoài. Để đảm bảo lợi ích đôi bên, Hải Phòng xin đề nghị Chính Phủ ban hành một Nghị định thống nhất về tiền lương trong cùng một ngành nghề đối với các doanh nghiệp.
Để làm tốt công tác Khuyến công, thúc đẩy công nghiệp và TTCN phát triển mạnh và hiệu quả, chúng tôi xin đề nghị tăng cường thêm 1 biên chế chuyên trách về công nghiệp và TTCN ở cấp phường, xã hiện nay.
Ông Phạm Xuân Trường, Giám đốc Sở Công nghiệp Hưng Yên: Hưng Yên không có lợi thế về khoáng sản, biển, rừng như một số tỉnh trong khu vực. Khi mới tái lập tỉnh, Hưng Yên có 6 KCN tập trung. Đến nay, Hưng Yên đã phối hợp với Viện nghiên cứu Chiến lược Chính sách Công nghiệp lập quy hoạch phát triển được 14 KCN tập trung ở tất cả các huyện thị trong tỉnh, tổng diện tích lên tới 2.330 ha. Toàn tỉnh có 18.890 cơ sở sản xuất công nghiệp và TTCN. Tỉnh chúng tôi có 80 làng nghề TTCN. Cũng như Hải Phòng, tỉnh Hưng Yên đã hoàn thành quy hoạch công nghiệp và quy hoạch điện lực giai đoạn 2006-2010 có tính tới 2020. So sánh với quy hoạch trước đây, lần này Hưng Yên có sự điều chỉnh kịp thời và sát với thực tế của Tỉnh. Nhìn tổng thể quy hoạch công nghiệp Hưng Yên là cân đối, hợp lý, phù hợp với phát triển công nghiệp của một tỉnh thuần nông. Kết quả sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2006 đạt 4.678,75 tỷ đồng, tăng 27,07% so với thực hiện cùng kỳ và bằng 47,5% kế hoạch năm. Đạt được kết quả đó, lãnh đạo Tỉnh cùng các sở ban ngành cùng chính quyền các cấp ở Hưng Yên đã xác định: Phát triển công nghiệp là sự nghiệp của các cấp các ngành chứ không riêng gì của ngành công nghiệp.
Về mặt bất cập hiện nay, Tỉnh chưa thu hút được các nhà đầu tư xây dựng hạ tầng cho các KCN. Các KCN ở Hưng Yên hầu hết mới dừng lại ở xác định vị trí, diện tích đất, một số trục đường giao thông cơ bản, cho nên kêu gọi các nhà đầu tư vào KCN còn rất hạn chế.
Về công tác truyền thông công nghiệp, chúng tôi thấy thông tin cập nhật còn quá ít, chưa có hiệu quả, mặc dù Bộ Công nghiệp, các Sở Công nghiệp đã xây dựng được trang Website riêng cho đơn vị mình.
Ông Phan Thanh Tịnh, Giám đốc Sở Công nghiệp Nghệ An: So với 15 tỉnh trong khu vực thì Nghệ An là tỉnh lớn nhất về diện tích tự nhiên, thứ nhì về dân số. Nghệ An đã phối hợp với Viện nghiên cứu Chiến lược Chính sách Công nghiệp xây dựng xong quy hoạch phát triển công nghiệp giai đoạn 2006-2010 tầm nhìn đến năm 2020. Theo đánh giá chung, quy hoach công nghiệp Nghệ An như hiện nay là đạt yêu cầu. Cụ thể là Tỉnh đã có 5 KCN tập trung với tổng diện tích 803, 4 ha. Đã có 38 dự án đầu tư với tổng số vốn 1.800 tỷ đồng và 12 triệu USD, trong đó có 9 dự án đi vào hoạt động, tạo việc làm cho 1.700 lao động. Nghệ An đã thành lập thêm 8 KCN với diện tích quy hoạch 113,3 ha trong đó có 2 KCN được lấp đầy. Toàn Tỉnh có 110 làng nghề TTCN. Giá trị sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2006 là 1.925, 4 tỷ đồng, tăng 5,22% so với cùng kỳ. Điểm nổi bật của Nghệ An là công tác Khuyến công. Uỷ ban nhân dân Tỉnh đã có Nghị quyết về phát triển công nghiệp và TTCN. Hàng năm, Tỉnh trích 0,5% ngân sách để triển khai công tác Khuyến công. Quỹ Khuyến công Nghệ An đã có 9,5 tỷ đồng hỗ trợ các huyện thị phát triển công nghiệp, khôi phục làng nghề, đào tạo nghề, trình diễn mô hình kỹ thuật, xúc tiến thị trường, quảng bá sản phẩm, thông tin tuyên truyền phát triển công nghiệp trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Về kiến nghị, Nghệ An đề nghị các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty có kế hoạch đầu tư phát triển ở địa phương thì sớm cho Sở Công nghiệp được biết để cùng phối hợp.
Về phía Bộ Công nghiệp, chúng tôi kiến nghị Bộ tạo điều kiện và ủng hộ mạnh mẽ hơn nữa những dự án đã triển khai tại Nghệ An như: Sản xuất Sô đa, lắp ráp ô tô, thuỷ điện, xi măng.
Đối với kinh phí Khuyến công quốc gia, Cục Công nghiệp địa phương nên cấp kinh phí có trọng điểm cho từng ngành, từng tỉnh.
Hà Tĩnh đã quy hoạch xong phát triển công nghiệp giai đoạn 2006-2010 tầm nhìn đến năm 2020. Cũng như các tỉnh trong khu vực, Hà Tĩnh đã chuẩn bị tương đối đầy đủ các điều kiện đón nhận các nhà đầu tư.
Cái khó nhất hiện nay đối với các nhà đầu tư là giải phóng mặt bằng. Hà Tĩnh rút ra bài học thiết thực từ thực tiễn của Tỉnh là giải phóng mặt bằng không nên để cho các nhà đầu tư trực tiếp thoả thuận với dân vùng bị giải toả, mà các cấp chính quyền và các đoàn thể địa phương đứng ra làm công tác giải toả thì “êm” hơn nhiều. Như vậy, nhà đầu tư sẽ tránh được phát sinh thêm những khó khăn từ phía những phần tử bị kích động, cố tình gây khó khăn cho các nhà đầu tư, làm chậm tiến độ của dự án.
Ông Vũ Văn Khoa, Giám đốc Sở Công nghiệp Thanh Hoá: Thanh Hoá cũng đã quy hoạch xong phát triển công nghiệp giai đoạn 2006-2010 có tầm nhìn đến năm 2020. So với các lần quy hoạch trước đây, quy hoạch lần này tương đối đầy đủ, được đánh giá là sát với thực tế của Tỉnh.
Về một số bất cập hiện nay về quản lý nhà nước, xin kiến nghị với Bộ Công nghiệp về lĩnh vực quản lý vật liệu nổ công nghiệp. Hiện nay một số doanh nghiệp khai thác đá và khoáng sản ở Thanh Hoá mua vật liệu nổ công nghiệp ở 2 nơi: Bộ Quốc phòng và Bộ Công nghiệp. Nhưng có một thực tế là, lượng thuốc nổ sử dụng quá định mức. Nên chăng Bộ Công nghiệp đề nghị Chính phủ sớm thành lập Cục Quản lý Tài nguyên Khoáng sản trực thuộc Bộ Công nghiệp để giúp cho các Sở Công nghiệp các tỉnh về quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.
Thứ hai, đề nghị Bộ Công nghiệp và Uỷ ban nhân dân Tỉnh Thanh Hoá có sự hỗ trợ nhiều hơn nữa về kinh phí khuyến công để kích cầu cho Công nghiệp và TTCN Tỉnh phát triển. Hiện nay Thanh Hoá mới có hơn 4 tỷ đồng cho công tác Khuyến công là quá ít, rất khó triển khai, nhất lại là một tỉnh nhiều ngành nghề, lớn thứ nhì và đông dân vào thứ nhất trong 15 tỉnh thành của khu vực