Quy hoạch và đầu tư hợp lý để phát triển bền vững hạ tầng bán lẻ

Theo bà Đào Thanh Hương - Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế công nghiệp, dịch vụ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện nay hệ thống bán lẻ hiện đại tại các khu vực phát triển được xây dựng, phát triển với tốc độ nhanh khi các tỉnh đã có những phương án quy hoạch và đầu tư đồng bộ.

Quy hoạch là định hướng cho đầu tư hạ tầng bán lẻ

Phát biểu tại Diễn đàn Chính sách và Pháp luật Phát triển Thương mại trong nước năm 2024 với chủ đề “Phát triển hệ thống bán lẻ hiện đại, nhanh và bền vững” do Bộ Công Thương tổ chức chiều 4/12, bà Đào Thanh Hương - Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế công nghiệp, dịch vụ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, quy hoạch là công cụ quan trọng để định hướng và tổ chức các nguồn lực, đảm bảo sự phát triển bền vững, cân bằng và hiệu quả.

Đào Thanh Hương
Theo bà Đào Thanh Hương, quy hoạch là công cụ quan trọng để định hướng và tổ chức các nguồn lực, đảm bảo sự phát triển bền vững, cân bằng và hiệu quả.

Theo Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế công nghiệp, dịch vụ, việc quy hoạch hiệu quả đem lại 4 lợi ích: (1) giúp hỗ trợ kiểm soát và quản lý hiệu quả việc sử dụng tài nguyên, đất đai, nước, vốn và nhân lực; tích hợp các tiêu chí về bảo vệ môi trường, giảm thiểu rủi ro do thiên tai, biến đổi khí hậu và các yếu tố bất lợi khác; (2) đảm bảo sự liên kết, kết nối giữa các ngành (nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ), giữa các khu vực/vùng nhằm tối ưu hoá lợi thế so sánh của từng ngành/khu vực; (3) xác lập định hướng phát triển dài hạn; các lĩnh vực, khu vực, chương trình, dự án ưu tiên và lộ trình phát triển, từ đó bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch thu hút nguồn vốn đầu tư theo các yêu cầu đặc thù của mình, hạn chế tình trạng dàn trải, chồng chéo, lãng phí nguồn lực; (4) giúp nhà đầu tư yên tâm trong việc triển khai các dự án sản xuất kinh doanh.

Qua đó có thể thấy, công tác quy hoạch có vai trò chiến lược trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và là tiền đề, định hướng cho công tác đầu tư.

Đối với hạ tầng thương mại, có thể nói, hạ tầng thương mại có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, góp phần thúc đẩy sản xuất, lưu thông hàng hóa, cải thiện đời sống nhân dân và hội nhập quốc tế. Đảng luôn có chủ trương xuyên suốt, nhất quán đối với phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, trong đó có lĩnh vực thương mại.

Cụ thể, tại Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 16/01/2012 Hội nghị Trung ương 4 khóa XI về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020: “Phát triển hạ tầng thương mại tại các trung tâm sản xuất và tiêu thụ hàng hoá lớn tại các cảng cửa ngõ, các khu kinh tế cửa khẩu. Phát triển các chợ đầu mối nông sản, các trung tâm phân phối lớn, trung tâm bán buôn theo nhóm hàng nông sản, các cửa hàng tiện lợi ở nông thôn; các cửa hàng chuyên doanh, siêu thị và trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm tại các đô thị lớn, đô thị trung tâm vùng, các thành phố, tỉnh lỵ. Đẩy nhanh việc xây dựng trung tâm hội chợ triển lãm thương mại cấp quốc gia, nâng cấp các trung tâm hội chợ triển lãm thương mại hiện có tại các thành phố lớn. Xây dựng các trung tâm hội chợ triển lãm thương mại quy mô vừa tại các tỉnh, thành phố có vị trí trung tâm vùng. Phát triển nhanh hệ thống thương mại điện tử”.

Ngày 23/2/2024, Kết luận số 72-KL/TW của Bộ Chính trị tiếp tục chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 16/1/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Ngân sách nhà nước luôn chú trọng đầu tư cho hạ tầng bán lẻ

Nhận định về tình hình đầu tư cho hạ tầng bán lẻ, bà Đào Thanh Hương khẳng định, ngân sách nhà nước luôn dành sự quan tâm tới đầu tư cho hạ tầng bán lẻ, ở đây là chợ dân sinh, chợ đầu mối.

Nghị quyết số 1023/NQ-UBTVQH13 ngày 28/8/2015 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020 quy định “Vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước được bố trí để chuẩn bị đầu tư và thực hiện các dự án hạ tầng kinh tế - xã hội không có khả năng hoàn vốn trực tiếp hoặc không xã hội hóa được, trong đó có lĩnh vực Thương mại (bao gồm: các dự án chợ dân sinh, chợ đầu mối, trung tâm logistic, trung tâm hội chợ triển lãm, kết cấu hạ tầng xuất khẩu, nhập khẩu ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn)”.

Nghị quyết số 937/2020/UBTVQH14 ngày 8/7/2020 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 quy định “Vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước được bố trí cho các đối tượng quy định tại Điều 5 của Luật Đầu tư công và được phân theo ngành, lĩnh vực quy định tại Điều 36 của Luật Ngân sách nhà nước, trong đó có lĩnh vực Thương mại (bao gồm chợ dân sinh, chợ đầu mối, trung tâm logistic, trung tâm hội chợ triển lãm, kết cấu hạ tầng xuất khẩu, nhập khẩu)”.

Đối với hạ tầng thương mại bán lẻ hiện đại ở thành phố lớn, các khu vực trung tâm, ngân sách nhà nước tập trung vào phát triển giao thông, điện, nước, hệ thống logistics… Bên cạnh đó ngân sách nhà nước cũng đã có quy định về ưu đãi đầu tư hạ tầng thương mại bán lẻ tại các vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa để giảm khoảng cách phát triển so với các thành phố lớn.

Trong đó, theo quy định tại Luật Đầu tư và Nghị định 31/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư, ngành, nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư là xây dựng và quản lý, kinh doanh chợ tại vùng nông thôn. Ngành, ngành, nghề ưu đãi đầu tư là xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp chợ đầu mối; đầu tư kinh doanh trung tâm hội chợ triển lãm hàng hóa, trung tâm logistics, cảng cạn, kho hàng hóa, siêu thị, trung tâm thương mại (Phụ lục II Nghị định số 31/2021/NĐ-CP) và địa bàn ưu đãi đầu tư là 54/63 địa phương (Phụ lục III Nghị định số 31/2021/NĐ-CP).

Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn quy định Đầu tư chợ ở vùng nông thôn thuộc Danh mục ngành, nghề ưu đãi đầu tư trong nông nghiệp và nông thôn; các ưu đãi cụ thể được quy định tại Nghị định (như miễn, giảm tiền sử dụng đất; miễn, giảm tiền thuê đất; tập trung đất đai; tiếp cận tín dụng; chuyển giao công nghệ…).

Đề xuất địa phương nâng cao chất lượng hạ tầng thương mại

Hiện nay, quy hoạch hạ tầng thương mại đã được tích hợp vào các quy hoạch tỉnh, vùng, làm cơ sở thu hút đầu tư. Việc đầu tư cải tạo, nâng cấp các chợ truyền thống, nhất là chợ ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa đã góp phần làm cho hạ tầng thương mại truyền thống trở nên văn minh và hiện đại hơn. Hệ thống bán lẻ hiện đại tại các khu vực phát triển (thành phố, thị xã) như trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi được xây dựng, phát triển với tốc độ nhanh, góp phần thay đổi đáng kể diện mạo hạ tầng bán lẻ.

hạ tầng bán lẻ
Việc đầu tư cải tạo, nâng cấp các chợ truyền thống, nhất là chợ ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa đã góp phần làm cho hạ tầng thương mại truyền thống trở nên văn minh và hiện đại hơn

Trong bối cảnh thương mại điện tử trong nước đang phát triển mạnh mẽ nhưng cần quy hoạch đồng đều, mức độ ứng dụng công nghệ và thương mại điện tử vào thương mại ở nhiều địa phương cần được đẩy mạnh để nâng cao hiệu quả phân phối hàng hóa, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế công nghiệp, dịch vụ Đào Thanh Hương đưa ra một số giải pháp, khuyến nghị nhằm định hướng tốt hơn hệ thống hạ tầng bán lẻ.

Theo bà, các địa phương trên cả nước cần tích cực, chủ động triển khai thực hiện thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng thương mại, trung tâm logistics theo các quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt. Với vốn ngân sách nhà nước, các địa phương cần hiểu rõ hơn tầm quan trọng của thương mại trong phát triển kinh tế để dành sự ưu tiên đầu tư hạ tầng thương mại truyền thống trong cân đối ngân sách địa phương, nhất là tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Với nguồn vốn xã hội hoá, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đầu tư, nhất là tại các địa bàn được ưu đãi; đối với các khu vực có lợi thế về đất đai, kêu gọi nhà đầu tư vào đầu tư, khai thác chợ theo các quy định hiện hành về đấu giá, đấu thầu.

Hình thành các cơ chế liên kết giữa các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm, đảm bảo hệ thống hạ tầng thương mại liên thông với hệ thống logistics để thu hút đầu tư, phục vụ lưu thông hàng hóa nội địa và quốc tế hiệu quả.

Bên cạnh đó, các tỉnh cần tiếp tục rà soát, sửa đổi cơ chế, chính sách liên quan đến phát triển hạ tầng thương mại, nhất là chính sách về đầu tư công, quy hoạch, đối tác công - tư, ngân sách nhà nước, phát triển hạ tầng số…, đồng thời đầu tư các giải pháp công nghệ hiện đại để quản lý và vận hành hạ tầng bán lẻ; nâng cao chất lượng dịch vụ bán lẻ; tăng cường đào tạo nhân lực quản lý và vận hành hạ tầng bán lẻ hiện đại.

Tiến Thành