Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá: Tích cực vì cộng đồng

Những năm qua, công tác phòng chống tác hại của thuốc lá đã được các cơ quan chức năng tích cực triển khai, qua đó tạo được nhiều chuyển biến trong xã hội. Một trong những đơn vị có nhiều hoạt động nổ

Phóng viên: Để thực hiện các nhiệm vụ đề ra, những năm qua, hoạt động của Quỹ có gì nổi bật, thưa ông?

PGS.TS Lương Ngọc Khuê: Để thực hiện nhiệm vụ được giao, những năm qua, Quỹ đã thực hiện một số hoạt động nổi bật là: Thiết lập mạng lưới PCTHTL trên toàn quốc; nâng cao năng lực cho mạng lưới cộng tác viên; nhân rộng các mô hình không khói thuốc; xây dựng các mô hình thành phố du lịch không khói thuốc lá; triển khai công tác tư vấn cai nghiện thuốc lá, tăng cường kiểm tra xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực PCTHTL…

Quỹ được thành lập theo Quyết định số 47/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và thực hiện nhiệm vụ được quy định trong Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá. Để thực hiện nhiệm vụ, Quỹ đã tích cực phối hợp với các Bộ ngành, các tổ chức Chính trị xã hội và UBND các tỉnh, thành phố tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức trong cộng đồng về tác hại của việc hút thuốc, xây dựng môi trường không khói thuốc, đặc biệt là đẩy mạnh các hoạt động nhằm ngăn ngừa hút thuốc trong thanh thiếu niên, bảo vệ các thế hệ tương lai của đất nước khỏi các tổn thất về sức khỏe do việc sử dụng thuốc lá. Quỹ PCTHTL đã đạt được những kết quả bước đầu đáng ghi nhận. Cụ thể:

62 tỉnh, thành phố, 17 Bộ, ngành, tổ chức chính trị xã hội thành lập Ban chỉ đạo PCTHTL. Các mô hình nơi làm việc, trường học, cơ sở y tế, thành phố du lịch, khách sạn, nhà hàng, không khói thuốc được triển khai nhân rộng. Lãnh đạo các Bộ, UBND tỉnh, thành phố đã có sự quan tâm hơn với công tác PCTHTL thông qua sự chỉ đạo mạnh mẽ, sự phân công trách nhiệm rõ ràng cho các Sở, ban, ngành và tổ chức, cá nhân liên quan. Ngoài ra còn có nhiều hoạt động thiết thực như đưa nội dung PCTHTL lá vào kế hoạch hoạt động hàng năm, đưa quy định cấm hút thuốc nơi làm việc vào quy chế nội bộ của cơ quan, đơn vị, đưa tiêu chí không hút thuốc tại nơi làm việc vào tiêu chuẩn thi đua khen thưởng của công chức, viên chức, người lao động đã được nhiểu cơ quan, đơn vị chấp hành nghiêm chỉnh. Nhiều cơ quan, đơn vị thực hiện tốt quy định về môi trường không khói thuốc như Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, UBND Tp. Hạ Long, Tp. Hội An, bệnh viện Việt Đức, bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắc Lắc, Bệnh viện huyện Hải hậu, Nam Định,.. Mô hình khách sạn, nhà hàng không khói thuốc lá cũng đang được nhiều khách sạn, nhà hàng hưởng ứng như khách sạn Lotus Hạ Long; Khách sạn Hữu nghị tại Hải Phòng; chuỗi nhà hàng Thái Express; khách sạn Caravelle Tp. Hồ Chí Minh…

Trong năm 2015, đã có hơn 1.000 buổi truyền thông trực tiếp cho 22.673 người; 400 trường trung học phổ thông, 457 trường trung học cơ sở thực hiện nghiêm quy định cấm hút thuốc. Công tác bồi dưỡng nâng cao năng lực cho mạng lưới cộng tác viên tại các tỉnh, thành phố được đẩy mạnh. Trong 3 năm qua, hơn 15.000 cán bộ chủ chốt tham gia hoạt động PCTHTL được tập huấn về thực hiện môi trường không khói thuốc. Công tác tư vấn cai nghiện thuốc lá cũng bước đầu được triển khai, trong đó bệnh viện Bạch Mai được giao nhiệm vụ thành lập Trung tâm Tư vấn cai nghiện. Tính từ tháng 7 đến tháng 12/2015, tổng đài tư vấn cai nghiện thuốc lá đã tiếp nhận hơn 10.000 cuộc gọi xin tư vấn cai nghiện thuốc lá.

Nhiều sự kiện văn hoá, thể thao lớn tại cộng đồng đã gắn chặt với việc tuyên truyền tác hại thuốc lá như sự kiện Festival Nha trang – thành phố biển không khói thuốc lá năm 2015; Đại hội Thể thao bãi biển không khói thuốc tại Tp. Đà Nẵng năm 2016; Lễ phát động các Chiến dịch Ngôi nhà không khói thuốc; Phụ nữ xây dựng tổ ấm không khói thuốc lá Hội Phụ nữ Việt Nam tổ chức với sự tham gia của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam (năm 2015) và của Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh (năm 2016), đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành, đoàn thể, sự tham của đông đảo thanh niên, sinh viên... Những sự kiện này đã thu hút sự tham gia của đông đảo người dân trong cộng đồng thời gian qua.

Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm hành chính về PCTHTL cũng được tăng cường. Trong 3 tháng cuối năm 2016, thanh tra Bộ Y tế đã tổ chức kiểm tra 151 cơ sở tại 3 tỉnh, thành phố (Hà nội, Quảng Ninh, Thừa Thiên Huế), xử phạt 16 cơ sở với số tiền 136 triệu đồng. Tại Tp. Hà Nội, đoàn kiểm tra liên ngành các Quận Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng cũng đã tiến hành kiểm tra việc tuân thủ Luật PCTHTL tại 118 đơn vị, xử phạt 12 khách sạn, nhà hàng với tổng số tiền là 60 triệu đồng. Tại Tp. Hải phòng, các cơ quan chức năng đã kiểm tra 62 đơn vị, cơ sở kinh doanh, các khách sạn nhà hàng, tổng số tiền xử phạt trong năm 2016 khoảng 200 triệu đồng.

Phóng viên: Các chương trình hỗ trợ của Quỹ đã đem lại hiệu quả thế nào cho cộng đồng và xã hội, thưa ông?

PGS.TS Lương Ngọc Khuê: Tỷ lệ sử dụng thuốc lá điếu ở thanh thiếu niên Việt Nam giảm; tỷ lệ hút thuốc lá điếu trong nam giới khu vực thành thị giảm rõ rệt; tỷ lệ hút thuốc lá thụ động giảm đáng kể ở bệnh viện, trường học, trên các phương tiện giao thông công cộng... là một trong những điểm nhấn quan trọng trong kết quả hoạt động của Quỹ. Kết quả này là sự kết hợp của nhiều biện pháp PCTHTL hiệu quả, là nỗ lực của công tác phối hợp liên ngành, sự ủng hộ của các cơ quan truyền thông và các tổ chức PCTHTL trong nước và quốc tế.

Theo điều tra toàn cầu năm 2014 về tình hình sử dụng thuốc lá trong học sinh từ 13-15 tuổi cho thấy, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điếu ở thanh thiếu niên Việt Nam giảm từ 3,3% năm 2007 xuống 2,5% năm 2014; tỷ lệ hút thuốc lá thụ động giảm từ 66,5% xuống 47,7%. Ở người trưởng thành từ 15 tuổi trở lên, kết quả điều tra toàn cầu về sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành (GATS 2015) do Tổng Cục thống kê phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hoa kỳ công bố năm 2016 cũng cho thấy, so với năm 2010, tỷ lệ hút thuốc trong nam giới Việt Nam có xu hướng giảm (từ 47,4% xuống 45,3%), trong đó tỷ lệ hút thuốc lá điếu của nam giới khu vực thành thị giảm 6,5%. Đặc biệt tỷ lệ hút thuốc thụ động tại nơi làm việc giảm 13,3%, hút thuốc thụ động tại trường đại học, cao đẳng giảm 16,4%, tại nhà hàng giảm 4,2%, trên phương tiện giao thông công cộng giảm 15%, hút thuốc thụ động tại cơ sở chăm sóc y tế giảm 5,2%. Điều này cho thấy ý thức tuân thủ quy định cấm hút thuốc và nhận thức về tác hại của thuốc lá trong cộng đồng đang có những chuyển biến tích cực và đây cũng là những chỉ số quan trọng, góp phần đảm bảo hiệu quả bền vững của các hoạt động PCTHTL trong thời gian tới tại nước ta.

Với sự hỗ trợ của Quỹ, chúng ta sẽ có nhiều cơ hội hơn để triển khai toàn diện các hoạt động PCTHTL hiệu quả, hỗ trợ những người cai thuốc bỏ thuốc, ngăn ngừa thanh thiếu niên không hút thuốc, góp phần bảo vệ tốt hơn sức khỏe cộng đồng.

Phóng viên: Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Quỹ đang gặp những khó khăn gì, thưa ông?

PGS.TS Lương Ngọc Khuê: Giá thuốc lá còn quá rẻ, thuốc lá đang được bày bán tràn lan, mọi người có thể dễ dàng tiếp cận và mua thuốc lá ở nơi công cộng, đặc biệt là quán cà phê, nhà hàng và địa điểm vui chơi khác...gây ra những khó khăn, cản trở nỗ lực trong việc cai nghiện thuốc lá, giảm tỷ lệ hút thuốc tại nước ta.

Trên thị trường Việt Nam lại xuất hiện một số sản phẩm mới như shisha, Vape, thuốc lá điện tử và được quảng bá mạnh mẽ trên nhiều trang mạng internet về sự hấp dẫn và sành điệu khi sử dụng. Thậm chí các sản phẩm này còn được quảng cáo là có tác dụng cai nghiện thuốc lá truyền thống. Điều này không những thu hút thanh thiếu niên tham gia sử dụng mà còn gây những hiểu lầm về sự an toàn cho sức khỏe khi sử dụng các sản phẩm này. Bên cạnh đó, hiện nay hành vi vi phạm quy định trưng bày thuốc lá diễn ra phổ biến tại các điểm bán lẻ... cũng là một khó khăn cho công tác PCTHTL. Theo điều tra năm 2015 của Trường Đại học Y tế công cộng, hơn 90 phần trăm các điểm bán lẻ thuốc lá đang vi phạm quy định trưng bày quá một bao, một tút, một hộp của một nhãn hiệu thuốc lá, tạo thành các điểm quảng cáo sản phẩm thuốc lá, thu hút người sử dụng, trong khi đó tại các tỉnh, thành phố, công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện Luật PCTHTL cũng chưa được triển khai đồng bộ và thường xuyên. Những khó khăn này tiếp tục đặt ra nhiều nhiệm vụ nặng nề cho công tác PCTHTL trong thời gian tới.

Phóng viên: Để phát huy được vai trò của Quỹ nhiều hơn nữa cần tập trung vào những trọng tâm gì, thưa ông?

PGS.TS Lương Ngọc Khuê: Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tập trung đẩy mạnh việc thực thi quy định cấm hút thuốc tại các nơi công cộng; chú trọng tới các khu vực trong nhà của khách sạn, nhà hàng, các nơi làm việc, nơi công cộng trong nhà; tăng cường phối hợp liên ngành để đảm bảo hoạt động PCTHTL được triển khai toàn diện tại các cơ quan, đơn vị; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra xử phạt vi phạm hành chính và giám sát tình hình thực thi Luật PCTHTL tại các tỉnh, thành phố; tiếp tục truyền thông nhằm nâng cao và duy trì nhận thức của cộng đồng về tác hại của thuốc lá và các quy định của Luật PCTHTL.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng sẽ triển khai các hoạt động nghiên cứu, đánh giá để cung cấp bằng chứng phục vụ công tác PCTHTL; tăng cường năng lực cho các cán bộ làm công tác thanh kiểm tra, năng lực cho cán bộ làm công tác tư vấn cai nghiện thuốc lá.. Tiếp tục nhân rộng các mô hình không khói thuốc, đồng thời để xuất Chính phủ và Quốc hội cần đánh giá tác động của việc tăng thuế thuốc lá hiện nay đến tiêu dùng các sản phẩm thuốc lá. Ngoài ra cần có lộ trình tiếp tục tăng thuế đến mức có thể giúp giảm tỷ lệ hút thuốc, đồng thời cũng giúp tăng nguồn thu đáng kể cho ngân sách./.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông!

Quang Tuấn thực hiện