Nghị quyết 35/52 được đại hội đồng thông qua vào ngày 4 tháng 12 năm 1980.

 

35/52. Qui tắc hoà giải của Uỷ ban Liên Hiệp Quốc về Luật thương mại quốc tế.

 

Ðại hội đồng,

 

Công nhận ý nghĩa của việc hoà giải như là một phương thức giải quyết tranh chấp phát sinh trong bối cảnh các quan hệ thương mại quốc tế. 

 

Cho rằng việc thiết lập qui tắc hoà giải mà có thể được công nhận ở nhiều nước có các hệ thống kinh tế, xã hội và pháp luật khác nhau sẽ đóng góp đáng kể vào việc phát triển các quan hệ kinh tế quốc tế hài hoà thống nhất.

 

Lưu ý rằng qui tắc hoà giải của Uỷ ban iên hợp quốc về luật thương mại quốc tế được  Ủy ban này thông qua tại kỳ họp lần thứ 13 sau khi xem xét những bảo lưu của các chính phủ và các tổ chức có quan tâm tới vấn đề này.

 

1. Khuyến nghị việc sử dụng qui tắc hoà giải của  ỦY ban Liên Hiệp Quốc về Luật thương mại quốc tế trong các trường hợp có tranh chấp phát sinh trong các quan hệ thương mại quốc tế và các bên tìm kiếm một giải pháp hoà giải về tranh chấp qua phương thức hoà giải.

 

2. Yêu cầu Tổng thư ký thu xếp để có thể phổ biến một cách rộng rãi nhất Qui tắc Hoà giải này.

 

 

QUI TẮC HOÀ GIẢI CỦA UNCITRAL

 

Ðiều 1:  Áp dụng Qui tắc

 

1. Qui tắc này áp dụng cho việc hoà giải tranh chấp phát sinh từ hoặc liên quan tới quan hệ pháp lý hoặc hợp đồng khi các bên mong muốn một giải pháp hoà giải cho tranh chấp của mình đồng ý rằng Qui tắc Hoà giải UNCITRAL sẽ áp dụng.

 

2. Các bên có thể thoả thuận loại bỏ hoặc thay đổi một trong những qui định của Qui tắc này tại bất cứ thời điểm nào.

 

3. Trong trường hợp bất kỳ một trong các qui định của Qui tắc này trái với qui định của luật mà các bên không thể từ bỏ được thì qui định của luật đó sẽ có giá trị hiệu lực cao hơn.

 

Ðiều 2: Khởi đầu quá trình hoà giải

 

1. Bên khởi đầu quá trình hoà giải gửi cho bên kia một thư mời để hoà giải theo Qui tắc này, nêu vắn tắt nội dung của tranh chấp.

 

2. Quá trình hoà giải bắt đầu khi bên kia chấp nhận thư mời để hoà giải. Nếu đồng ý bằng miệng thì tốt hơn là nên khẳng định việc chấp nhận này bằng văn bản.

 

3. Nếu bên kia từ chối thư mời thì sẽ không có quá trình hoà giải.

 

4. Nếu bên khởi đầu việc hoà giải không nhận được trả lời trong 30 ngày kể từ ngày bên đó gửi thư mời, hoặc trong thời hạn được ghi trong giấy mời, thì bên đó có thể xem việc này là sự từ chối hoà giải của bên kia và nếu cho là như vậy thì bên mời hoà giải sẽ phải gửi thông báo cho bên từ chối biết.

 

Ðiều 3:  Số lượng hoà giải viên

 

Sẽ có một hoà giải viên tham gia trừ khi các bên thoả thuận là có hai hoặc ba hoà giải viên. Nếu có nhiều hoà giải viên, theo nguyên tắc, họ cùng tiến hành.

 

Ðiều 4: Việc chỉ định các hoà giải viên

 

(1) (a) Trong quá trình hoà giải có một hoà giải viên, các bên sẽ cố gắng thoả thuận về tên của hoà giải viên duy nhất đó.

 

(b) Trong quá trình hoà giải có hai hoà giải viên, mỗi bên chỉ định một hoà giải viên;

 

(c) Trong quá trình hoà giải có ba hoà giải viên, mỗi bên chỉ định một hoà giải viên. Các bên sẽ cố gắng thoả thuận về tên của hoà giải viên thứ ba.

 

(2) Các bên có thể tranh thủ sự hỗ trợ của một cơ quan hoặc cá nhân thích hợp liên quan tới việc chỉ định các hoà giải viên. Cụ thể,

 

a.  Một bên có thể yêu cầu tổ chức hoặc người đó giới thiệu tên tuổi của cá nhân có đủ điều kiện làm hoà giải viên; hoặc

 

b. Các bên có thể thoả thuận việc chỉ định một hoặc nhiều hoà giải viên có thể do một tổ chức hoặc cá nhân nào đó trực tiếp thực hiện.

 

Trong khi giới thiệu hoặc chỉ định những người trở thành hoà giải viên, tổ chức hoặc cá nhân giới thiệu hoặc chỉ định đó sẽ phải tính tới những khả năng như đảm bảo việc chỉ định một hoà giải viên khách quan vô tư và độc lập và trong trường hợp là hoà giải viên duy nhất hoặc hoà giải viên thứ ba, sẽ phải tính tới khả năng chỉ định hoà giải viên thuộc quốc tịch khác với quốc tịch của các bên.

 

Ðiều 5: Nộp bản tường trình lên hoà giải viên

 

1. Hoà giải viên, ngay sau khi được chỉ định, yêu cầu từng bên nộp bản tường trình nêu rõ bản chất chung của tranh chấp và các vấn đề đang tranh cãi. Mỗi bên sẽ gửi một bản tường trình của mình cho bên kia.

 

2. Hoà giải viên có thể yêu cầu từng bên nộp cho mình bản tường trình cụ thể hơn về tình thế của mình, về sự việc và căn cứ bổ trợ cho việc đó, bất cứ tài liệu hoặc chứng cứ khác bổ sung mà cho là thích hợp. Bên này cũng sẽ phải gửi bản tường trình của mình cho bên kia.

 

3. Tại bất cứ giai đoạn nào của quá trình hoà giải, hoà giải viên có thể yêu cầu một bên nộp cho mình các thông tin bổ sung mà hoà giải viên cho là thích hợp.

 

Ðiều 6: Ðại diện và hỗ trợ

 

Theo sự lựa chọn của các bên, người đại diện có thể thay mặt hoặc hỗ trợ các bên. Tên tuổi và địa chỉ của những người này phải được giao dịch bằng văn bản với bên kia và hoà giải viên. Giao dịch đó là nhằm làm rõ xem sự chỉ định này được đưa ra là vì mục đích đại diện hay là vì mục đích hỗ trợ.

 

Ðiều 7: Vai trò của hoà giải viên

 

1. Bằng nỗ lực của mình hoà giải viên giúp các bên theo cách thức vô tư khách quan và độc lập để đạt được giải pháp hoà giải cho tranh chấp.

 

2. Hoà giải viên sẽ theo các nguyên tắc về tính khách quan, vô tư và công bằng, và trong các vấn đề khác, có tính tới quyền và nghĩa vụ của các bên, tập quán buôn bán có liên quan và các hoàn cảnh xung quanh tranh chấp, bao gồm các thực tiễn kinh doanh trước đây giữa các bên.

 

3. Hoà giải viên có thể tiến hành quá trình hoà giải theo cách thức mà anh ta thấy là phù hợp, có tính tới các hoàn cảnh của vụ việc, mong muốn mà các bên bày tỏ, kể cả yêu cầu của bất cứ bên nào đưa ra mà hoà giải viên đó trực tiếp nghe trình bày bằng miệng, và nhu cầu về giải quyết tranh chấp mau lẹ.

 

4. Hoà giải viên có thể, tại bất kỳ thời điểm nào của quá trình hoà giải, đưa ra đề xuất về giải quyết tranh chấp. Ðề xuất đó không cần thiết phải lập bằng văn bản và không cần phải đi kèm theo tuyên bố lý do về việc đó.

 

Ðiều 8: Hỗ trợ hành chính

 

Ðể tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiến hành quá trình hoà giải, các bên hoặc hoà giải viên với sự đồng ý của các bên, có thể thu xếp để tìm sự hỗ trợ hành chính của một tổ chức hoặc cá nhân thích hợp.

 

Ðiều 9: Giao dịch giữa hoà giải viên và các bên

 

1. Hoà giải viên có thể mời các bên tới gặp hoặc có thể giao dịch với họ bằng miệng hoặc bằng văn bản. Người hoà giải cũng có thể gặp hoặc giao dịch cùng với tất cả các bên hoặc từng bên một.

 

2. Trừ khi là các bên có thoả thuận về nơi gặp gỡ với hoà giải viên, nếu không việc tổ chức nơi gặp gỡ sẽ do hoà giải viên quyết định sau khi bàn bạc với các bên và có tính tới hoàn cảnh của quá trình hoà giải.

 

Ðiều 10:  Công khai thông tin

 

Khi hoà giải viên nhận được thông tin có liên quan tới tranh chấp của một bên, anh ta sẽ công bố nội dung chính của thông tin đó cho bên kia biết để bên kia có cơ hội trình bày những giải thích mà anh ta cho là thích hợp. Tuy nhiên, khi một bên đưa ra một thông tin nào đó cho hoà giải viên biết dưới một điều kiện cụ thể là thông tin đó phải được giữ kín, thì hoà giải viên đó không được công bố thông tin đó cho bên kia biết.  

 

Ðiều 11: Hợp tác của các bên với hoà giải viên

 

Các bên sẽ thiện chí hợp tác với hoà giải viên và cụ thể là sẽ cố gắng tuân theo các yêu cầu của hoà giải viên về việc nộp các bản tường trình, cung cấp bằng chứng và tham dự các cuộc gặp.

 

Ðiều 12: Những Ðề nghị của các bên về giải quyết tranh chấp

 

Mỗi bên có thể chủ động hoặc theo lời mời của hoà giải viên nộp cho hoà giải viên những đề nghị về cách thức  giải quyết tranh chấp. 

 

Ðiều 13: Thỏa thuận hòa giải

 

1. Khi xuất hiện những yếu tố về cách thức giải quyết tranh chấp trước hoà giải viên mà có thể được cả hai bên chấp nhận, thì hoà giải viên đó lập các điều khoản về cách thức giải quyết và đưa cho các bên để các bên xem xét. Sau khi nhận được những bình luận của các bên, hoà giải viên có thể thiết lập lại các điều khoản của thỏa thuận dưới góc độ những ý kiến nhận xét này.

 

2. Nếu các bên đạt được thoả thuận về giải quyết tranh chấp, họ sẽ soạn thảo và ký kết một thoả thuận hoà giải. "Nếu có yêu cầu của các bên, hoà giải viên sẽ thảo hoặc hỗ trợ các bên trong quá trình soạn thảo văn kiện thoả thuận này"

 

3. Bằng việc ký vào thoả thuận hoà giải này, các bên kết thúc việc tranh chấp và bị ràng buộc bởi thoả thuận hoà giải đó.

 

Ðiều 14: Bí mật 

 

Hoà giải viên và các bên phải giữ bí mật mọi vấn đề liên quan tới quá trình hoà giải. Việc giữ kín cũng có thể áp dụng cho cả thoả thuận hoà giải, trừ khi việc công bố là cần thiết vì mục đích thực thi.

 

Ðiều 15 : Chấm dứt quá trình hoà giải

 

Quá trình hoà giải chấm dứt:

 

a. Vào ngày mà các bên ký vào thoả thuận hoà giải; hoặc

 

b. Vào ngày công bố văn bản của hoà giải viên mà văn bản đó được đưa ra sau khi bàn bạc với các bên với mục đích nêu rõ mọi cố gắng hơn nữa trong quá trình hoà giải là không còn hợp lý nữa.

 

c. Vào ngày công bố văn bản của các bên gửi tới hoà giải viên để quá trình hoà giải chấm dứt; hoặc

 

d. Vào ngày công bố văn bản của một bên với bên kia và hoà giải viên, nếu được chỉ định, để quá trình hoà giải chấm dứt.

 

Ðiều 16:  Viện tới tố tụng tòa án hoặc trọng tài

 

Trong quá trình hoà giải các bên cam kết không khởi đầu bất cứ tố tụng tòa án hoặc trọng tài nào đối với tranh chấp là đối tượng của quá trình hoà giải, trừ khi một bên theo quan điểm của mình cho rằng khởi đầu quá trình trọng tài hoặc tòa án là cần thiết để bảo toàn quyền của bên đó.

 

Ðiều 17:  Chi phí

 

(1) Ngay khi chấm dứt quá trình hoà giải, hoà giải viên ấn định các chi phí của cuộc hoà giải và gửi thông báo về việc này cho các bên. Thuật ngữ 'chi phí ' chỉ bao gồm:

 

a. Một khoản phí hợp lý cho hoà giải viên;

 

b. Phí đi lại và các chi phí khác của hoà giải viên

 

c. Phí đi lại và các chi phí khác của nhân chứng theo yêu cầu của hoà giải viên với sự đồng ý của các bên;

 

d. Chi phí về tư vấn của các chuyên gia theo yêu cầu hoà giải viên với sự đồng ý của các bên;

 

e. Chi phí về hỗ trợ hành chính được qui định tại Ðiều 4 Khoản 2 (b) và Ðiều 8 của Qui tắc này. 

 

(2) Các chi phí như đã ghi ở trên do hai bên đều chịu như nhau trừ khi thoả thuận hoà giải ghi rõ việc phân bổ chi phí khác nhau. Mọi chi phí khác do một bên gây ra thì sẽ do bên đó chịu.

 

Ðiều 18: Tiền ứng trước

 

(1) Hoà giải viên, ngay khi được bổ nhiệm, có thể yêu cầu mỗi bên tạm ứng trước một khoản tiền như nhau cho các chi phí được nêu ở Ðiều 17 khoản (1) mà hoà giải viên cho rằng những phí này sẽ phát sinh.

 

(2) Trong quá trình hoà giải, hoà giải viên có thể yêu cầu mỗi bên nộp khoản tiền bổ sung như nhau.

 

(3) Nếu khoản tiền ứng trước theo yêu cầu ở các khoản (1) và (2) của Ðiều này không được hai bên nộp đầy đủ trong vòng 30 ngày, thì hoà giải viên có thể đình chỉ quá trình hoà giải hoặc có thể đưa ra tuyên bố bằng văn bản chấm dứt với cả hai bên, văn bản sẽ có hiệu lực vào ngày công bố.

 

(4) Ngay khi chấm dứt quá trình hoà giải, hoà giải viên sẽ tính toán chi phí trong số tiền đã ứng trước và trả lại bất cứ khoản phí còn lại nào không chi tới cho các bên.

 

Ðiều 19: Vai trò của hoà giải viên trong tố tụng khác

 

Các bên và hoà giải viên cam kết rằng hoà giải viên sẽ không tiến hành với tư cách là trọng tài viên hoặc như người đại diện hoặc như luật sư tư vấn của một bên trong tố tụng tòa án hoặc trọng tài đối với tranh chấp là đối tượng của quá trình hoà giải. Các bên cũng cam kết là họ sẽ không đưa hoà giải viên đó ra với tư cách là nhân chứng cho bất kỳ tố tụng nào.

 

Ðiều 20: Sự thừa nhận bằng chứng trong tố tụng khác

 

Các bên cam kết không căn cứ vào hoặc không đưa những tố tụng liên quan tới tranh chấp là đối tượng của quá trình hòa giải như là bằng chứng trong tố tụng tòa án hoặc trọng tài, bao gồm:

 

a. Các quan điểm đã nêu hoặc những đề nghị mà bên kia đưa ra về giải pháp cho tranh chấp

 

b. Sự chấp nhận mà bên kia đưa ra trong quá trình hoà giải;

 

c. Những đề xuất mà hoà giải viên đưa ra;

 

d. Việc bên kia có nguyện vọng đồng ý với đề xuất về giải quyết tranh chấp mà hoà giải viên đưa ra.

 

ÐIỀU KHOẢN HOÀ GIẢI MẪU

 

Trong trường hợp tranh chấp phát sinh hoặc liên quan tới hợp đồng này nếu các bên muốn giải quyết tranh chấp qua con đường hoà giải thì quá trình hoà giải sẽ tiến hành theo Qui tắc hoà giải UNCITRAL đang có hiệu lực thi hành.

 

(Các bên có thể thoả thuận đưa ra điều khoản hoà giải khác) .

 

  • Tags: