Theo đó, Chương VI: Quản lý nhà nước đối với cụm công nghiệp (gồm 07 Điều từ Điều 28 đến Điều 34): Chương này tập trung phân định, quy định về quản lý nhà nước đối với cụm công nghiệp, tránh chồng chéo, bỏ sót nhiệm vụ; quy định cụ thể quyền hạn, trách nhiệm của Bộ Công Thương và các Bộ liên quan (Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Công an), Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Sở Công Thương và Ủy ban nhân dân cấp huyện theo hướng đẩy mạnh phân cấp cho chính quyền địa phương, giao trách nhiệm nhiều hơn cho cơ quan quản lý nhà nước về công thương địa phương để có công cụ, điều kiện thực hiện vai trò, chức năng đầu mối quản lý các cum công nghiệp trên địa bàn.
Quyền hạn, trách nhiệm của Bộ Công Thương
Cụ thể, tại điều 30, Chương VI, Nghị định nêu rõ Bộ Công Thương là cơ quan quản lý nhà nước về cụm công nghiệp trên phạm vi cả nước có quyền hạn, trách nhiệm như:
Xây dựng, trình cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các chính sách, pháp luật, chương trình, kế hoạch, các mẫu văn bản, chế độ báo cáo thống kê, cơ sở dữ liệu về quản lý, phát triển cụm công nghiệp cả nước; có ý kiến đối với phương án phát triển cụm công nghiệp của các địa phương theo quy định.
Hàng năm xây dựng kế hoạch, dự toán kinh phí hoạt động phát triển cụm công nghiệp từ nguồn ngân sách trung ương, trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức thực hiện sau khi được phê duyệt.
Thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế, hỗ trợ xúc tiến đầu tư phát triển cụm công nghiệp.
Định kỳ hoặc đột xuất kiểm tra, đánh giá hiệu quả thực hiện phương án phát triển, chính sách quản lý, phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn cấp tỉnh; khen thưởng, xử lý kiến nghị, vi phạm pháp luật về cụm công nghiệp theo thẩm quyền, quy định của pháp luật liên quan.
Xem nội dung chi tiết Nghị định số 32/2024/NĐ-CP ngày 15/3/2024 tại đây.