Hành trình dài phát triển cụm công nghiệp
Trước ngày 19/8/2009, chưa có văn bản quy phạm pháp luật cấp Trung ương quy định chung về công tác quản lý đối với cụm công nghiệp. Việc quản lý cụm công nghiệp, từ công tác quy hoạch, thành lập, đầu tư xây dựng đến quản lý sau đầu tư các cụm công nghiệp là do các tỉnh/thành phố quy định riêng. Thực tiễn quản lý cụm công nghiệp đó dẫn đến phát triển cụm công nghiệp tại các địa phương mang nặng tính tự phát, theo phong trào, mỗi nơi mỗi kiểu, thiếu tính định hướng,… Giai đoạn này, trên cả nước đã hình thành các khu, cụm, điểm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp (gọi chung là cụm công nghiệp) do Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phê duyệt, cho phép đầu tư.
Có thể thấy, quản lý cụm công nghiệp giai đoạn này còn thiếu khung pháp lý về thành lập, hoạt động, chính sách và quản lý nhà nước về cụm công nghiệp. Cho đến thời điểm này, chưa có văn bản pháp luật nào của Trung ương (Chính phủ, các Bộ) quy định về thành lập, hoạt động, chính sách và quản lý nhà nước về cụm công nghiệp. Các địa phương đã ban hành các quy định riêng về trình tự, hồ sơ thành lập, mở rộng, bổ sung cụm công nghiệp. Có khoảng 20 tỉnh ban hành Quy định quản lý cụm công nghiệp hoặc Quy định quản lý đầu tư xây dựng cụm điểm công nghiệp trên địa bàn. Do vậy, các điều kiện thành lập, mở rộng, bổ sung cụm công nghiệp thiếu chặt chẽ, thống nhất giữa các địa phương; việc thành lập cụm công nghiệp chủ yếu xuất phát từ nhu cầu của chủ đầu tư; vấn đề môi trường, sử dụng đất nông nghiệp, an ninh lương thực và đời sống nông dân… chưa được quan tâm đúng mức.
Ngoài ra, chưa có sự thống nhất về quản lý nhà nước và tổ chức chỉ đạo thực hiện hoạt động phát triển cụm công nghiệp từ Trung ương đến địa phương.
Đến cuối năm 2007, Bộ Công Thương được Chính phủ giao nhiệm vụ “quản lý các cụm điểm công nghiệp ở cấp huyện; Sở Công Thương có chức năng nhiệm vụ “tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý cụm công nghiệp và điểm công nghiệp trên địa bàn”.
Công tác lập quy hoạch/kế hoạch phát triển cụm công nghiệp tại các địa phương chưa được quan tâm, quy hoạch chi tiết xây dựng cụm công nghiệp chưa được quy định, hướng dẫn. Cả nước chỉ có 15 địa phương phê duyệt quy hoạch phát triển các cụm công nghiệp, chủ yếu là các tỉnh có công nghiệp phát triển. Còn lại, do nhu cầu cấp thiết về mặt bằng, thu hút đầu tư, giải quyết ô nhiễm môi trường, các địa phương đã chỉ đạo lập ngay dự án đầu tư xây dựng các cụm công nghiệp. Vì vậy, việc các cụm công nghiệp phát triển còn mang tính tự phát, thiếu quy hoạch, hiệu quả sử dụng đất tại các cụm công nghiệp chưa cao, ảnh hưởng đến quỹ đất nông nghiệp, an ninh lương thực và đời sống nông dân trên địa bàn.
Ngày 19/8/2009, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 105/2009/QĐ-TTg về quy chế quản lý cụm công nghiệp. Từ đây, khái niệm về cụm công nghiệp đến các quy định về quản lý cụm công nghiệp được thống nhất trên phạm vi cả nước và đã tạo ra khung pháp lý thống nhất quản lý cụm công nghiệp từ Trung ương đến các địa phương; làm cơ sở cho các cơ quan quản lý, chủ đầu tư hạ tầng và các đơn vị liên quan chấp hành đúng chủ trương, quy định của nhà nước về phát triển cụm công nghiệp.
Sau đó, Bộ Công Thương đã chủ trì xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về công tác quản lý cụm công nghiệp như: Thông tư số 39/2009/TT-BCT ngày 28/12/2009 hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Quyết định số 105/2009/QĐ-TTg ngày 19/8/2009; Thông tư liên tịch số 31/2012/TTLT-BCT-BKHĐT ngày 10/10/2012 của liên Bộ Công Thương và Bộ Kế hoạch & Đầu tư hướng dẫn xử lý cụm công nghiệp hình thành trước khi Quyết định số 105/2009/QĐ-TTg có hiệu lực; Thông tư số 17/2016/TT-BCT ngày 30/8/2016 sửa đổi, bổ sung Điều 10 của Thông tư số 31/2012/TTLT-BCT-BKHĐT.
Trên cơ sở đó, công tác quy hoạch, thành lập, đầu tư xây dựng hạ tầng và quản lý hoạt động của cụm công nghiệp ngày càng được các địa phương nhận thức một cách đúng mức, tổ chức thực hiện theo trình tự, quy định của pháp luật; hạn chế việc phát triển cụm công nghiệp tự phát, thiếu quy hoạch như trước đây.
Hầu hết các tỉnh/thành phố đã ban hành quy chế phối hợp quản lý nhà nước về cụm công nghiệp trên địa bàn, tạo được mối quan hệ phối hợp giữa các sở, ngành và Ủy ban nhân dân cấp huyện trong việc quản lý, đầu tư, quy hoạch và phát triển cụm công nghiệp gắn với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; nhiều tỉnh/thành phố đã thực hiện công tác lập quy hoạch riêng phát triển cụm công nghiệp, ban hành cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn.
Việc phát triển cụm công nghiệp đã góp phần thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ở địa phương theo định hướng quy hoạch; đồng thời di dời các cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm ra khỏi khu dân cư, thuận tiện cho việc xử lý ô nhiễm môi trường.
Tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, nâng cao hiệu quả quản lý
Để khắc phục các tồn tại, hạn chế nêu trên cũng như nâng cao hiệu lực pháp lý của Quyết định số 105/2009/QĐ-TTg, ngày 25/5/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 68/2017/NĐ-CP về quản lý, phát triển cụm công nghiệp; và Nghị định số 66/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 68/2017/NĐ-CP.
Việc ban hành, tổ chức thực hiện Nghị định số 68/2017/NĐ-CP, Nghị định số 66/2020/NĐ-CP đã tạo hành lang pháp lý thống nhất thực hiện trong cả nước từ quy hoạch, thành lập, đầu tư xây dựng hạ tầng, thu hút đầu tư, hoạt động trong cụm công nghiệp. Đồng thời, chấn chỉnh việc phát triển cụm công nghiệp tự phát trước đây, thu hút được các nhà đầu tư hạ tầng và đầu tư thứ cấp vào cụm công nghiệp.
Từ thực tế nêu trên, sau hành trình dài xây dựng cơ chế từ chỗ tự phát, phát triển cụm công nghiệp đã dần đi vào nền nếp. Công tác quản lý, đầu tư phát triển cụm công nghiệp nhìn chung được thực hiện nghiêm túc, đảm bảo theo trình tự, quy định của pháp luật. Nhiều địa phương đã rà soát xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện Quy chế quản lý, Quy hoạch phát triển và chính sách hỗ trợ cụm công nghiệp trên địa bàn. Việc quy hoạch, phát triển cụm công nghiệp đã tạo thuận lợi trong tiếp cận chính sách về đất đai, đáp ứng nhu cầu mặt bằng sản xuất cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các hợp tác xã, cơ sở sản xuất hộ gia đình.
Tuy nhiên, tiến độ đầu tư, hoàn thiện hạ tầng cụm công nghiệp tại các địa phương nhìn chung còn chậm, trông chờ vào ngân sách; thu hút doanh nghiệp làm chủ đầu tư hạ tầng các cụm công nghiệp tại nhiều địa phương, nhất là địa phương vùng miền núi, vùng sâu vùng xa còn nhiều khó khăn; vấn đề môi trường chưa được cải thiện rõ rệt,... Vì vậy, cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý, phát triển cụm công nghiệp để khắc phục những tồn tại, hạn chế, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn quản lý, phát triển cụm công nghiệp.
Để khắc phục tình trạng này, liên tiếp trong 2 năm 2022, 2023, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị lấy ý kiến về cơ chế chính sách quản lý phát triển cụm công nghiệp và đã có dự thảo nghị định thay thể văn bản trước đây.
Việc hoàn thiện khung khổ pháp lý trong quản lý sẽ tiếp tục đẩy mạnh đầu tư phát triển cụm công nghiệp một cách hiệu quả, chặt chẽ, hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong cụm công nghiệp theo chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Theo Cục Công Thương địa phương, tính đến hết năm 2022, cả nước đã thành lập 1.084 cụm công nghiệp với tổng diện tích hơn 39.000 ha; trong đó có 734 cụm công nghiệp với tổng diện tích trên 23.300 ha đi vào hoạt động; thu hút hơn 13.300 dự án đầu tư sản xuất kinh doanh, đạt tỷ lệ lấp đầy bình quân 64,8%, tạo việc làm cho trên 776.000 lao động.