Quyết tâm duy trì thứ hạng Chỉ số đổi mới sáng tạo của Hà Nội

Để giữ vững các chỉ số đổi mới sáng tạo đang dẫn đầu cả nước, UBND TP Hà Nội đã có kế hoạch cải thiện và nâng cao Bộ chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương của TP Hà Nội.

Kết quả Chỉ số Đổi mới sáng tạo cấp địa phương năm 2023 (viết tắt là PII - Provincial Innovation Index) cho thấy Hà Nội có điểm số cao nhất, đạt 62.86, sau đó là TPHCM đạt 55.85, tỉnh Cao Bằng có điểm số thấp nhất là 22.18.

Để tiếp tục giữ vững các chỉ số đổi mới sáng tạo đang dẫn đầu cả nước, UBND TP Hà Nội đã có những kế hoạch nhằm cải thiện, nâng cao các chỉ số còn thấp; phát huy điểm mạnh, khắc phục điểm yếu dựa trên các chỉ tiêu thành phần trong Chỉ số PII của thành phố Hà Nội. Từ đó đưa ra các giải pháp cải thiện phù hợp, kịp thời xây dựng và ban hành hoàn thiện các chính sách. Qua đó, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu về phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo theo Chương trình số 07-CTr/TU của Thành ủy (khóa XVII) về “Đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025” và Kế hoạch số 345/KH-UBND ngày 29/12/2022 của UBND thành phố về việc thực hiện Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Hà Nội.

chi so pii

Vẫn còn nhiều điểm yếu

Theo kết quả PII 2023 do Bộ Khoa học và Công nghệ công bố, thành phố Hà Nội có 14/52 chỉ số thành phần đứng đầu cả nước, 27/52 chỉ số thành phần ở mức trung bình và 11/52 chỉ số thành phần đứng ở nhóm thấp nhất cần được cải thiện trong thời gian tới.

Hà Nội là địa phương có lợi thế dẫn đầu cả nước trong 3 trụ cột. Trong đó, trụ cột nhân lực: Vốn con người và nghiên cứu & phát triển là các thế mạnh của Hà Nội khi nơi đây tập trung nhiều trường đại học, viện nghiên cứu lớn của cả nước. Hai trụ cột: Trình độ phát triển của thị trường và sản phẩm tri thức, sáng tạo và công nghệ cũng có điểm số cao nhất với số lượng lớn các doanh nghiệp, đơn đăng ký sáng chế và giải pháp hữu ích. Hà Nội có các điểm mạnh vượt trội, dẫn đầu cả nước, như: Số sản phẩm OCOP 4 sao trở lên, tín dụng cho khu vực tư nhân hay đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp, đơn đăng ký sáng chế và giải pháp hữu ích/10.000 dân... Đây là những chỉ số và trụ cột góp phần đưa Hà Nội trở thành địa phương có Chỉ số PII đứng đầu cả nước, đóng góp quan trọng vào Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) của Việt Nam.

Tuy nhiên, một số trụ cột và chỉ số thành phần của Hà Nội còn thấp. Cụ thể, các chỉ số: Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự (xếp thứ 44/63 tỉnh, thành phố); chi phí gia nhập thị trường (59/63); tỷ lệ chi ngân sách địa phương cho khoa học và công nghệ/GRDP (61/63); tính năng động của chính quyền địa phương (53/63); tỷ lệ học sinh phổ thông tham gia các cuộc thi nghiên cứu khoa học kĩ thuật/tổng học sinh phổ thông (57/63); quản trị môi trường (60/63); chỉ dẫn địa lý đã được cấp giấy chứng nhận bảo hộ/tổng số xã (52/63); tỷ lệ dự án đầu tư đang hoạt động trong các khu công nghiệp/1.000 doanh nghiệp (59/63); số doanh nghiệp khoa học và công nghệ và doanh nghiệp đủ điều kiện là doanh nghiệp khoa học và công nghệ/1.000 doanh nghiệp (48/63); chỉ số sản xuất công nghiệp (45/63); tỷ lệ lao động có việc làm trong nền kinh tế trên tổng dân số (52/63).

Bản chất của đổi mới sáng tạo là làm ra cái mới, cái chưa từng có. Hà Nội tụ hội nhiều nền tảng tri thức để đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, vì tính “mới, chưa từng có” này chưa có trong các quy định hiện hành nên mâu thuẫn trực tiếp với cách điều hành, hành xử của các sở, ban, ngành. Vì vậy, địa phương nào linh hoạt, có sáng kiến, cởi mở để “gỡ” cho những thứ mới thì nơi đó phát huy được đổi mới sáng tạo. Hà Nội đang yếu về trụ cột thể chế nên cần quan tâm đến yếu tố này.

doi moi sang tao

Tập trung triển khai nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm

Để tiếp tục duy trì thứ hạng, cải thiện và nâng cao Chỉ số PII 2024 và những năm tiếp theo đồng bộ và hiệu quả, Hà Nội cần kịp thời sử dụng các kết quả đánh giá Chỉ số PII vào công tác chỉ đạo, điều hành, xây dựng và thực hiện các biện pháp, giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Hà Nội cũng cần ban hành Kế hoạch nâng cao Chỉ số PII, trong đó lồng ghép xây dựng các nhiệm vụ, giải pháp nâng cao Chỉ số PII với các giải pháp, nhiệm vụ nâng cao các chỉ số khác của thành phố như: Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); Cải cách hành chính (PAR INDEX); chuyển đổi số (DTI); Hiệu quả quản trị hành chính công (PAPI)...

Thành phố cũng tập trung triển khai các hoạt động tuyên truyền, phổ biến về ý nghĩa, bản chất của Chỉ số PII tới hệ thống chính trị các cấp, ngành và các tầng lớp nhân dân. Đặc biệt, tập trung theo dõi, tham mưu, đề xuất và triển khai các giải pháp cải thiện và nâng cao chỉ số của 7 trụ cột, 52 chỉ số thành phần của Chỉ số PII của thành phố Hà Nội.

UBND thành phố giao Sở Khoa học và Công nghệ là đầu mối tổng hợp, hướng dẫn các đơn vị của thành phố thu thập đầy đủ số liệu và tài liệu minh chứng để phục vụ tính toán Chỉ số PII của thành phố hằng năm bảo đảm theo yêu cầu của Bộ Khoa học và Công nghệ.

UBND thành phố đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố và các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, nghề nghiệp của thành phố; các sở, ban, ngành, địa phương chủ động đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp để nâng cao, cải thiện giá trị của các chỉ số thành phần, góp phần nâng cao Chỉ số PII và vị trí xếp hạng của Hà Nội.

UBND thành phố cũng đề nghị các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội trong việc tuyên truyền, triển khai các hoạt động đổi mới sáng tạo trên địa bàn thành phố; chủ động đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp để góp phần nâng cao Chỉ số PII và vị trí xếp hạng của Hà Nội.

Tú Linh