Ngụy trang thuốc lá trong giỏ hoa quả, can nhựa
6 tháng đầu năm 2021, do ảnh hưởng của dịch Covia-19, tình hình vận chuyển, buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu nhìn chung giảm, tuy nhiên, tuỳ từng thời điểm, từng khu vực, có lúc, có nơi, hoạt động vận chuyển, tàng trữ, buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu diễn biến khá phức tạp.
Hoạt động này chủ yếu diễn ra tại địa bàn các tỉnh, thành phố: Long An, An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, Tây Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Quảng Trị, Quảng Ninh, Hải Phòng… Trong đó, khu vực biên giới Tây Nam là địa bàn trọng điểm về nhập lậu thuốc lá.
Trong khi đó, Tp. Hồ Chí Minh và thành phố Hà Nội là hai địa bàn buôn bán, tiêu thụ thuốc lá điếu ngoại nhập lậu lớn nhất cả nước; khu vực biên giới của tỉnh Quảng Trị là địa bàn trọng điểm về nhập lậu thuốc lá trên tuyến biên giới Việt - Lào. Thuốc lá điếu ngoại nhập lậu chủ yếu là thuốc lá nhãn hiệu Jet, Hero, 555, Elephant, Nelson, Scott, Esse....
Đại diện Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT), Bộ Công Thương cho biết, để qua mắt lực lượng chức năng, các đối tượng đầu nậu, người vận chuyển, người buôn thuốc lá thường xuyên thay đổi thủ đoạn vận chuyển; chẻ nhỏ hàng, ngụy trang vào trong các loại hàng hóa khác như can nhựa, thùng carton, giỏ hàng rau, củ, quả… đưa đi tiêu thụ.
Tinh vi hơn, các đối tượng thường xuyên tổ chức thành các đường dây, ổ nhóm vận chuyển từ biên giới vào nội địa khiến cho việc chống buôn lậu thuốc lá gặp nhiều khó khăn.
Điển hình, trong vòng 3 ngày, từ ngày 16 - 18/6/2021, lực lượng QLTT tỉnh Long An đã phát hiện, bắt giữ 8 vụ buôn lậu, vận chuyển thuốc lá ngoại nhập lậu các loại. Tang vật thu giữ trên 35.000 bao thuốc lá ngoại các loại và 8 xe ô tô.
Hay như tại Đồng Tháp, Đội QLTT số 3 - Cục QLTT tỉnh liên tiếp phát hiện và thu giữ gần 2.000 bao thuốc lá điếu nhập lậu được các đối tượng vận chuyển bằng chuyển bằng xe máy đưa đi tiêu thụ. Tránh né sự kiểm tra của lực lượng chức năng, các đối tượng đã cất giấu thuốc lá trong các can nhựa màu trắng, trong giỏ xách chứa cùng các loại rau, củ quả..
Hiện nay, Chính phủ đã có Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Cụ thể, từ ngày 15/10/2020, phạt tiền từ 1 - 3 triệu đồng đối với việc buôn bán, vận chuyển, tàng trữ và giao nhận thuốc lá điếu nhập lậu có số lượng dưới 50 bao. Mức phạt cao nhất là phạt tiền từ 90- 100 triệu đồng (trong trường hợp không bị truy cứu trách nhiệm hình sự) đối với các hành vi buôn bán, vận chuyển, tàng trữ và giao nhận thuốc lá điếu nhập lậu có số lượng từ 1.500 bao trở lên. Trường hợp tái phạm các hành vi này, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật hình sự.
Tuy nhiên, tình trạng buôn lậu thuốc lá vẫn gia tăng bất chấp sự kiểm soát gắt gao của lực lượng chức năng, giá trị tang vật bắt giữ của từng vụ việc có xu hướng tăng.
Tại thị trường nội địa, mặc dù thuốc lá nhập lậu không bày bán công khai, ngang nhiên như trước đây, song vì lợi nhuận, không ít điểm kinh doanh nhỏ lẻ, cửa hàng tạp hóa, quán bar, karaoke… vẫn lén lút bán.
Số liệu thống kê từ Tổng cục QLTT cho biết, 6 tháng đầu năm 2021, lực lượng QLTT cả nước đã kiểm tra, xử lý trên 820 vụ việc về buôn bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép thuốc lá điếu, cigar, thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng… và xử lý trên 560 vụ…
Đưa ra nguyên nhân khiến tình trạng thuốc lá buôn lậu gia tăng, ông Trần Hữu Linh - Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT cho rằng, nguyên nhân của vấn nạn này do buôn lậu thuốc lá đem lại siêu lợi nhuận. Cùng với đó, địa hình kênh rạch chằng chịt, đường mòn lối tắt nhiều là điều kiện cho các đối tượng buôn lậu thẩm lậu thuốc lá vào Việt Nam. Mặt khác, công tác tuyên truyền về tác hại thuốc lá nhập lậu của Việt Nam hiện chưa đủ mạnh...
Ngoài ra, người vận chuyển thuốc lá lậu chủ yếu là người nghèo không có nghề nghiệp ổn định, đi làm thuê nên việc xử phạt hành chính gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, giới chủ buôn lậu lại thường xuyên thay đổi thủ đoạn tinh vi hơn, hỗ trợ vận chuyển bằng các hình thức manh động hơn. Đặc biệt là nhu cầu sử dụng thuốc lá nhập lậu trên thị trường vẫn còn cao.
Quyết tâm truy quét và xử lý thuốc lá nhập lậu
Xác định đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá ngoại nhập lậu là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên, thời gian tới, Tổng cục QLTT tiếp tục đẩy mạnh truyền thông, đa dạng về hình thức tuyên truyền, nhằm nâng cao ý thức người dân về tác hại của buôn lậu thuốc lá đối với xã hội và kêu gọi mọi người không bao che, tiếp tay cho hành vi này.
Ngoài ra, có chính sách hỗ trợ khuyến khích người dân đưa tin, tố giác hành vi buôn lậu thuốc lá cho lực lượng chức năng. Song song với đó, tăng cường cơ sở vật chất cho lực lượng chống buôn lậu, bởi buôn lậu ngày càng tinh vi, hiện đại, nhưng cơ sở vật chất của lực lượng chức năng vẫn còn rất khó khăn.
Mặt khác, tăng cường phối hợp lực lượng chức năng liên quan kiểm tra, kiểm soát ngăn chặn hoạt động buôn bán, vận chuyển, tàng trữ thuốc lá điếu nhập lậu, chú trọng địa bàn trên các tuyến trọng điểm, tuyến biên giới như: Hà Nội, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Quảng Trị, Kiên Giang, An Giang, Long An, Tây Ninh, Đồng Tháp, Thành phố Hồ Chí Minh.
Bên cạnh đó, tăng cường quản lý địa bàn, rà soát các tổ chức, cá nhân kinh doanh thuốc lá: nhà hàng, quán bar, cửa hàng tạp hóa, điểm bán lẻ. Nắm thông tin các điểm nóng, kho chứa trữ, đường dây, ổ nhóm hoạt động buôn lậu thuốc lá trên địa bàn.
Đặc biệt, kịp thời tham mưu Ban Chỉ đạo 389, địa phương khen thưởng kịp thời các cá nhân/tập thể có thành tích hoặc phê bình, kiểm điểm, xử lý trách nhiệm người đứng đầu các đơn vị, địa phương để xảy ra tình trạng buôn lậu thuốc lá nghiêm trọng kéo dài/tái diễn ở địa bàn, lĩnh vực mình phụ trách.