Mỗi lần ra Hà Nội rồi về thăm quê, bố lại không dấu được vẻ ngượng ngùng khi ai đó vô tình hỏi mẹ thằng bé đâu, mẹ con bé đâu, có liên lạc gì không… Ông chỉ cười gượng rồi nói “có chớ” bằng cái giọng đã pha “lơ lớ” tiếng Sài Gòn rồi lại ra ngoài vườn ngồi nhìn mãi ra mảnh sân đầy nắng có đàn chim sẻ lích chích bay nhảy vô tư lự. Khu vườn phong quang sạch sẽ và chiếc ấm tích được ủ ấm tỏa ra một thứ nhiệt lượng giữa tiết trời cuối xuân chuẩn bị sang hè thật đặc biệt. Từ khi vào sống ở Sài Gòn, thứ mà ông thèm thuồng nhất là mùi hoa bưởi nên mỗi dịp này ông lại tranh thủ “sống gấp” trong từng nhịp hít hà hương loài hoa trắng ngần có nhụy mầu vàng thơm ngát cả góc vườn bên trái…
Hẻm Xéo quận 1
Xưa, thuở mới chỉ có Linh, bố mẹ cùng Linh ở một căn nhà ngoài Hà Nội vui lắm, ngoài sân có một cây bưởi nhỏ xinh chiết từ cây bưởi ở quê bố mỗi mùa xuân lại nở hoa thơm ngát. Cuộc sống của họ sung túc vì bố làm phiên dịch còn mẹ làm một công ty ăn uống. Bố mẹ có người bạn có khoản tiền nhàn rỗi muốn cho vay, thế là bố mẹ giúp họ cho một người bạn khác vay nóng rồi không may người bạn đó trốn mất. Không chịu nổi cú sốc tài chính phải bán nhà, xấu hổ với gia đình họ tộc bên nhà bố, mẹ Linh bỏ đi để lại cho bố con Linh nỗi cô đơn khủng khiếp và những điều tiếng xì xào đến nỗi không thể ngẩng mặt lên nhìn ai. Ngôi nhà vốn đầy ắp tiếng cười, tình yêu và niềm hạnh phúc mà mỗi khi đi làm về người đàn ông thường đứng thật lâu ở bên ngoài cửa để nghe tiếng bát đũa lanh canh, tiếng vợ hát thầm và tiếng cậu con trai đang tuổi ăn học huỳnh huỵch đấm bao cát… phút chốc bỗng biến mất. Linh còn non nớt thế khiến ông không thể gục ngã, nhưng sống tiếp thì thật khó khăn, nhất là trước những đôi mắt dò xét của mọi người, những điều tiếng bỉ bai khi nặng khi nhẹ cứ vô tình như cơn gió mùa đông bắc cắt ngọt trái tim hai cha con. Một sớm mùa đông, họ con lặng lẽ bỏ vào Sài Gòn lập nghiệp.
Nhớ hồi mới vào đây hai bố con ở trọ trong một xóm trọ sinh viên nghèo đói khát quanh năm chỉ có tiếng cười là không bao giờ dứt với hàng trăm trò nghịch ngợm. Trong một buổi đêm kiến bò bụng, nghe tiếng rao bánh trong đêm khuya thanh vắng “Bánh mỳ Sài Gòn, năm ngàn một ổ, bánh mỳ Sài Gòn, đặc ruột thơm bơ ơ… ơ… ơ…”, mấy cậu sinh viên nảy ra trò chọc ghẹo. “Ê mày, mày muốn rao gì thì rao, mẹ tao tên là bánh, bố tao tên là mỳ, cấm phạm húy nghe chưa mày”. Thế là bỗng dưng từ đấy xuất hiện tiếng rao khó hiểu nhất vinh Bắc Bộ “… Sài Gòn, năm ngàn một ổ, … Sài Gòn, đặc ruột thơm bơ…ơ…ơ…ơ”. Bố con Linh ngạc nhiên mất vài buổi đến khi hiểu ra thì cười mấy ngày trời…
Sài Gòn sau vai
Sài Gòn rộng lớn hoa lệ là thế, nhưng với bố con Linh chỉ loanh quanh xóm trọ nghèo mà vui. Nỗi đau dần lên da non, bố Linh mưu sinh bằng nghề dạy tiếng Anh, đủ sống, đủ nuôi cậu con trai học hết cấp II rồi lên cấp III, quây quần xung quanh là các em nhỏ, nhiều và rất nhiều các anh chị sinh viên vui tính, nghịch ngợm. Ở đây không ai hỏi bố con Linh từ đâu đến, mẹ Linh đâu, mỗi tháng thu nhập bao nhiêu… Mỗi tối thứ 7 thấy hai bố con xách chiếc xe cub cà tàng ra phố ai cũng hiền hòa nói “Bố con ông giáo lại đi ăn tiệm bát phố rồi”. “Tiệm” là cửa hàng hủ tíu ở góc phố ….. rồi hai bố con đi lang thang một vòng rồi về nhà, vui ríu rít. Rồi bỗng một ngày mẹ về.
Khỏi phải nói, bố vui biết bao nhiêu. Nhưng mẹ chỉ ở đến khi em Minh tròn hai tuổi thì mẹ lại đi, lần này là đi nước ngoài để làm ăn, để thay đổi cuộc sống của một gia đình đã có 4 người, hai đứa con một đứa đang rất cần tiền ăn học và một đứa còn nhỏ xíu. Mẹ thuyết phục bố cả tháng trời để bố đồng ý để mẹ đi một năm xem sao. Nước chảy đá mòn, bố ôm mẹ vào lòng như muốn níu giữ mẹ mãi mãi. Mẹ đi rồi, bố dồn hết tình thương cho cô con gái nhỏ. Cô bé con vừa biết nói cũng là cùng một lúc nói được cả tiếng Việt lẫn tiếng Anh. Còn anh Linh đã trở thành sinh viên năm nhất. Hàng xóm yêu thương, kính trọng gia đình ông giáo lắm. Ngày mẹ Linh đi hàng xóm sang chia tay tiễn biệt ai cũng nói chị đi mạnh giỏi nhanh rồi về với gia đình. Mẹ dấu nét mềm yếu trong vẻ cứng cỏi bên ngoài mong mọi người giúp đỡ ba bố con, tiếng cười cố bật ra kìm tiếng tiếng nức nở trong lòng. Lạ thật, có cuộc chia tay nào mà người trong cuộc thì cười mà người ngoài thì khóc thương đến vậy…
Hẻm chợ Xóm Chiếu quận 5
Năm nào cũng vậy, mùa xuân phương Bắc ẩm ướt thật khó nói lời tạm biệt. Nhưng nỗi nhớ quay quắt xóm trọ nghèo, lũ học sinh sinh viên nghịch ngợm, bà con hàng xóm, những buổi dạy vui vẻ tưng bừng… cũng kéo bố con Linh về với Sài Gòn sớm hơn dự định. Vì Sài Gòn còn lời hứa trở về của mẹ.
… Mỗi tối thứ 7, ba bố con quần áo xoàng xĩnh lại ríu rít chở nhau trên chiếc xe máy đi ăn tiệm bát phố trong ánh mắt yêu thương của bà con xóm trọ. Bé Minh ngồi phía trước, anh Linh ngồi phía sau nhưng cứ sát vào bố và để trống một chỗ ngồi phía sau cùng. Phần mẹ.