SaigonTex 2017: Cơ hội giao thương Ngành Dệt May Việt Nam

Sáng nay, ngày 05/4, Triển lãm Quốc tế SaigonTex 2017 đã được chính thức được khai mạc tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Triển lãm Quốc tế Ngành công nghiệp Dệt May – Thiết bị và Nguyên phụ liệu năm 2017 (SaigonTex 2017) được triển lãm với quy mô tổng diện tích trưng bày trên 35.000m2, thu hút hơn 1.200 doanh nghiệp, đến từ 24 quốc gia và lãnh thổ như: Bỉ, Canada, Trung Quốc, Cộng hòa Séc, Pháp, Đức, Nhật, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan, Mỹ, Anh Quốc, Việt Nam… , giới thiệu các thiết bị và nguyên phụ liệu phục vụ ngành công nghiệp dệt may, các công nghệ tự động hóa trong ngành may mặc như: Hệ thống xã vải và phân tích mẫu vải (Anh Quốc), hệ thống CAD, máy trải vải, băng truyền, máy lập trình may rập tự động (Trung Quốc), thiết bị chuyên dùng đồng bộ kỹ thuật cao – máy may công nghiệp chất lượng cao của Đức và Nhật Bản…

Vụ trưởng Vụ Công nghiệp Nhẹ - Bộ Công Thương cho rằng nguyên nhân chính ngành Dệt May có giá trị gia tăng thấp là chưa phát triển được chuỗi cung ứng dệt may

Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Phan Chí Dũng – Vụ trưởng, Vụ Công nghiệp Nhẹ - Bộ Công Thương cho biết, trong những năm qua, ngành dệt may đã góp phần đáng kể trong sự phát triển chung của đất nước, năm 2016, trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt, nhưng tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành vẫn đạt 28,5 tỷ USD, tăng 5,2% so với năm 2015, trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may và may mặc đạt 23,6 tỷ USD, tăng 3,3%; xuất khẩu xơ sợi ước đạt 2,9 tỷ USD, tăng 4,1%. Tuy nhiên, ông Dũng cũng chia sẽ điểm yếu của ngành dệt may hiện nay còn tồn tại, là phương thức sản xuất chủ yếu gia công cho các đơn hàng nước ngoài, nên tỷ lệ giá trị gia tăng không cao, một điểm yếu khác nữa là dệt may chưa phát triển được chuỗi cung ứng, đây cũng là nguyên nhân chính làm cho ngành dệt may có giá trị gia tăng thấp so với nhiều nước trên thế giới. Để khắc phục những tồn tại trên, nhằm tăng giá trị gia tăng của các sản phẩm dệt may xuất khẩu, Chính phủ và các Bộ, ngành đang từng bước tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi, ban hành các cơ chế, chính sách nhằm phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, trong đó có sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của ngành dệt may.

Tổng Giám đốc VINATEX cho rằng cần khắc phục những trở ngại về vận chuyển, thanh toán, rào cản thương mại Ngành Dệt May mới hoàn thành mục tiêu 31 tỷ USD năm 2017Cải thiện chất lượng sản phẩm, nâng cao năng suất chất lượng là vấn đề cốt lõi của Ngành dệt May Việt Nam

Phát biểu tại buổi lễ, ông Lê Tiến Trường – Tổng Giám đốc Tập Đoàn Dệt May Việt Nam nhận định, năm 2016 vừa qua, là một năm đầy thách thức, khó khăn, nhưng cũng là năm mở ra cho các doanh nghiệp dệt may nhiều cơ hội tự nâng cao năng lực cạnh tranh, đầu tư chiều sâu vào kỹ thuật, công nghệ mới với năng suất cao, chất lượng tốt và thân thiện với môi trường. Ngành dệt may Việt Nam hiện đang sẳn sàng đón nhận cơ hội từ các Hiệp định thương mại song phương và đa phương mang lại như Hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam – Liên minh kinh tế Á – Âu (EAEU), tuy nhiên để hoàn thành mục tiêu xuất khẩu 31 tỷ USD trong năm 2017, cần phải khắc phục được những trở ngại về vận chuyển, thanh toán và rào cản thương mại, về phía các doanh nghiệp cần tập trung vào năng suất, cải thiện chi phí lao động trên một sản phẩm, rút ngắn thời gian giao hàng, đồng thời đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường mới, đối tác mới, để biến các mục tiêu, kế hoạch năm 2017 trở thành hiện thực.

Khách tham quan đang tìm hiểu thông số kỹ thuật tại gian hàng của Công ty CP Tư vấn Công nghệ May Nhà BèKhách tham quan tìm hiểu chất lượng sản phẩm qua các thiết bị máy móc được giới thiệu tại Saigon Tex 2017

Trong suốt thời gian diển ra triển lãm, từ ngày 05/04 đến 08/04/2017, sẽ có những hội thảo chuyên ngành với các chủ đề quan trọng như: Nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm dệt may Việt Nam bằng việc thay đổi phương thức sản xuất từ CMT sang FOB, từ FOB sang ODM; Những nền tảng mới của xu hướng thời trang Xuân Hè 2018; Những thách thức – cơ hội đầu tư cho ngành dệt may – da giày và rào cản thương mại từ các Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA); Thị trường May mặc & Thời trang toàn cầu ngày nay; Chiến lược Đại Dương Xanh trong ngành dệt may; Giới thiệu một số Vật liệu Dệt & Công nghệ mới trong ngành dệt may hiện nay.


Hồng Lực