Nguồn tin Nikkei Asian Review cho biết Tập đoàn điện tử Hàn Quốc sẽ chuyển dây chuyền sản xuất tivi từ Thiên Tân tới Việt Nam, Mexico, Hungary, Ai Cập và một số nơi khác. Đại diện Samsung khẳng định sự dịch chuyển này sẽ giúp hoạt động sản xuất toàn cầu của hãng trở nên hiệu quả hơn.
Nhà máy Thiên Tân, mở cửa vào năm 1993, chỉ còn sử dụng khoảng 300 lao động sau nhiều đợt cắt giảm quy mô. Samsung có kế hoạch phân công lại những công nhân này cho các cơ sở khác hoặc giúp họ tìm việc làm mới sau khi đóng cửa.
Trước đó, Samsung đã đóng cửa các nhà máy lắp ráp điện thoại thông minh ở Thiên Tân và thành phố Huệ Châu (tỉnh Quảng Đông) trong năm ngoái. Hãng cũng sẽ đóng cửa một nhà máy lắp ráp máy vi tính ở Tô Châu (tỉnh Giang Tô).
Tại Việt Nam, Tập đoàn Samsung hiện đang là doanh nghiệp đầu tư nước ngoài lớn nhất. Chỉ tính riêng Samsung Điện tử đã có tới 3 tổ hợp sản xuất tại Bắc Ninh (SEV), Thái Nguyên (SEVT) và TP.Hồ Chí Minh (SEHC) với tổng vốn đầu tư 9,5 tỷ USD, trong đó SEHC tập trung vào mảng sản xuất tivi và màn hình.
Khảo sát của Bank of America cho thấy, từ trước khi dịch COVID-19 bùng lên ở Trung Quốc, nhiều tập đoàn toàn cầu đã bắt đầu quá trình dịch chuyển dây chuyền sản xuất từ nước này sang các quốc gia khác vì xung đột thương mại Mỹ - Trung, căng thẳng giữa Trung Quốc và Ấn Độ, giá lao động ở Trung Quốc tăng cao...
Dịch Covid-19 là chất xúc tác khiến quá trình này tăng tốc mạnh mẽ. Theo thống kê của BofA, đại dịch khiến 80% lĩnh vực kinh doanh toàn cầu đối mặt với tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng.
Khoảng 67% doanh nhân tham gia vào khảo sát Global Fund Manager của BofA cho rằng việc các công ty đưa chuỗi cung ứng từ Trung Quốc về quê hương hoặc đến các thị trường khác sẽ là thay đổi lớn nhất trong thời kỳ sau dịch Covid-19.