Sản phẩm dệt may Việt Nam trong cuộc chiến trên sân nhà: Bây giờ hoặc không bao giờ

Năm 2005 đánh dấu một bước ngoặt trong sự phát triển của ngành Dệt - May Việt Nam. Đây là năm đầu tiên thực hiện việc bãi bỏ chế độ hạn ngạch (quota) giữa các thành viên thuộc Tổ chức thương mại thế g

Hạn ngạch vừa là yếu tố hạn chế nhưng đồng thời nó cũng bảo vệ cho các nhà xuất khẩu dệt may thông qua việc giới hạn lượng hàng dệt may tối đa mà mỗi quốc gia có thể xuất khẩu sang các thị trường lớn nhất thế giới như Mỹ, EU, Nhật Bản và Canada. Với việc bãi bỏ chế độ hạn ngạch, các nước  là thành viên của WTO có thể xuất khẩu với số lượng không hạn chế sang các thị trường trên, điều đó sẽ dẫn tới cán cân trong cuộc chiến trên thị trường xuất khẩu dệt may thế giới sẽ nghiêng hẳn về phía những nước có lợi thế về nguồn nguyên liệu và nhân công rẻ như Trung Quốc hay ấn Độ.
Cũng như các nước khác, Dệt May Việt Nam sẽ phải cạnh tranh gay gắt với những người khổng lồ trên, thậm chí, chúng ta còn bất lợi hơn so với một số quốc gia xuất khẩu hàng dệt may khác, do chúng ta đang trong quá trình đàm phán và sớm nhất là phải đến cuối năm 2005, Việt Nam mới được gia nhập WTO.
Để đối phó với tình hình trên, một trong những giải pháp đầu tiên phải nghĩ tới để giải bài toán phát triển Dệt May Việt Nam là tạo thế cân bằng giữa chiến lược hướng ngoại và chiến lược hướng nội thông qua việc thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm tại thị trường nội địa, vì trong những năm qua, các doanh nghiệp đã quá mải mê xuất khẩu mà chưa chú ý đúng mức đến thị trường đầy tiềm năng này.
Nước ta có dân số khoảng 80 triệu người, tỷ lệ tăng trưởng kinh tế vào loại cao nhất trên thế giới. Theo số liệu tính toán của Viện nghiên cứu Nomura (Nhật Bản), tổng giá trị sản phẩm dệt may tiêu dùng tại thị trường nội địa đã đạt tới con số tương đối lớn, khoảng 1,3 tỷ USD vào năm 2002. Như vậy, một trong những điều kiện tiên quyết để thực hiện chiến lược hướng nội là quy mô thị trường nội địa đã được thỏa mãn, vấn đề đặt ra là chúng ta phải làm gì để thực hiện được chiến lược đó.
Trước tiên, phải khẳng định là chúng ta không thể trì hoãn một phút nào nữa trong cuộc chiến chiếm lĩnh thị trường nội địa.
Hiện nay, các sản phẩm dệt may nội địa đang được bảo hộ với thuế suất nhập khẩu khá cao. Chẳng hạn, mức thuế nhập khẩu  sản phẩm từ các nước ASEAN đối với sợi là 15%, vải là 30%, và quần áo là 35%. Với việc gia nhập đầy đủ vào AFTA kể từ 1/1/2006 tới đây, mức thuế nhập khẩu các sản phẩm trên sẽ phải giảm xuống còn tối đa là 5%. Cũng tương tự như vậy, trong tương lai gần,  khi Việt Nam gia nhập WTO, các hàng rào bảo hộ thuế quan và phi thuế quan đối với mặt hàng dệt may sẽ phải dỡ bỏ và đó sẽ là điều kiện để hàng may mặc Trung Quốc, vốn đã chiếm lĩnh tới 60% thị trường Việt Nam (theo ước tính của một số chuyên gia) chủ yếu thông qua con đường trao đổi tiểu ngạch và nhập khẩu bất hợp pháp, tràn ngập thị trường nội địa thông qua con đường nhập khẩu chính ngạch.
Vì vậy, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam cần phải nhanh chóng tận dụng quãng thời gian được bảo hộ còn lại để chuyển hướng kinh doanh, mở rộng thị phần trong nước, chuẩn bị cho cuộc cạnh tranh khốc liệt hơn với hàng nhập khẩu trong thời gian tới. 
Để làm được điều này, các doanh nghiệp cần phải nâng cao khả năng tiếp cận thị trường và năng lực cạnh tranh thông qua một số biện pháp chính như sau:
- Tăng cường đầu tư nghiên cứu thị trường nội địa để lựa chọn sản xuất các sản phẩm phù hợp.
Hiện nay, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam còn để trống nhiều đoạn thị trường cho các sản phẩm nước ngoài, đặc biệt là của Trung Quốc mặc sức khai thác.
Nếu phân đoạn thị trường theo chủng loại sản phẩm thì hiện nay, các sản phẩm may mặc Việt Nam bán trên thị trường nội địa còn hạn chế về chủng loại, kiểu dáng. Điểm qua các sản phẩm nổi bật trên thị trường có thể thấy chủ yếu các doanh nghiệp tập trung khai thác một số chủng loại sản phẩm như áo sơ mi các loại, quần áo dệt kim, áo gió,… với số lượng mẫu mã, kiểu dáng hạn chế. Các chủng loại sản phẩm khác như chăn, đra, gối, đệm, và các chủng loại quần áo khác hầu như bị bỏ ngỏ để hàng nhập khẩu của Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan chiếm lĩnh. Nếu loại trừ những mặt hàng chúng ta không thể sản xuất do quá bất lợi về chi phí sản xuất, thì phần còn lại là những đoạn thị trường trống mà các doanh nghiệp trong nước chưa khai thác.
Xét trên góc độ phẩm cấp của sản phẩm, có thể thấy trong thời gian qua chủ yếu chúng ta bán ở thị trường nội địa các sản phẩm có phẩm cấp trung bình, số lượng các sản phẩm cao cấp còn rất ít. Nhìn tổng thể, mặc dù các sản phẩm như áo sơ mi các loại có chất lượng vải cao hơn hàng nhập khẩu của Trung Quốc, nhưng lại thua kém về kiểu dáng, mẫu mã. Điều này thật là khó hiểu vì rõ ràng việc chúng ta nghiên cứu thị trường nội địa sẽ dễ dàng hơn và chi phí cũng sẽ thấp hơn so với người nước ngoài. Như vậy, có thể thấy vấn đề ở đây là các doanh nghiệp chưa chú ý đúng mức đến việc nghiên cứu thị trường, tìm hiểu nhu cầu của người dân hoặc tiến hành nghiên cứu chưa  có hiệu quả. Một nghịch lý khác là cùng với thu nhập tăng nhanh, thị trường nội địa có nhu cầu ngày càng nhiều đối với các sản phẩm cao cấp nhưng lại ít được đáp ứng. Chúng ta đủ sức làm ra những sản phẩm xuất khẩu có chất lượng cao, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của những thị trường khó tính như Nhật, Mỹ, nhưng chúng ta lại không chú trọng đến việc sản xuất những sản phẩm cao cấp tương tự để đáp ứng nhu cầu trong nước. Kết quả là việc xuất hiện những khoảng thị trường trống để cho hàng hóa nước ngoài xâm nhập. 
- Xây dựng hệ thống kênh phân phối có hiệu quả.
Hiện tại, hệ thống kênh phân phối nội địa của chúng ta được tổ chức  sơ sài. Đại đa số các công ty dệt may Việt Nam tiêu thụ sản phẩm trong nước thông qua hệ thống các cửa hàng do chính họ quản lý trực tiếp hoặc thông qua các đại lý. Với tổ chức như vậy, việc phân phối các sản phẩm không đạt hiệu quả cao, mạng lưới phân phối không rộng.
Do đa số các công ty hướng tới thị trường nội địa chưa lâu, phần lớn các sản phẩm xuất khẩu lại là may gia công, không phải quan tâm đến vấn đề tiêu thụ nên các công ty có ít kinh nghiệm trong việc phân phối sản phẩm. Việc đầu tư thiết lập một mạng lưới phân phối rộng rãi đòi hỏi chi phí đầu tư lớn về hệ thống cửa hàng, kho bãi, vận chuyển, bảo quản,…nên các công ty vừa và nhỏ sẽ khó có  thể chịu nổi. Hơn nữa việc các doanh nghiệp có ít kinh nghiệm trong vấn đề này sẽ ảnh hưởng đáng kể tới hiệu quả của việc phân phối sản phẩm. Đối với loại sản phẩm có vòng đời ngắn như các loại quần áo, vải vóc,… sự chậm trễ trong việc phân phối cũng sẽ gây ảnh hưởng lớn đến việc tiêu thụ.
Một giải pháp  cho vấn đề này là việc thiết lập các doanh nghiệp chuyên  chịu trách nhiệm phân phối sản phẩm dệt may hay còn gọi là các nhà phân phối. Với việc hình thành các nhà phân phối, các doanh nghiệp có điều kiện để tập trung vào lĩnh vực quen thuộc là sản xuất, do đó, hiệu quả hoạt động sẽ cao hơn. Về phía các nhà phân phối, do đây là lĩnh vực hoạt động chuyên sâu của họ nên hệ thống các kênh phân phối sẽ được tổ chức và điều hành tốt hơn để thúc đẩy việc tiêu thụ sản phẩm, vì chính việc tiêu thụ sản phẩm gắn liền với doanh thu của họ.
Hiện nay chính là thời điểm thích hợp để thiết lập các nhà phân phối, vì việc xây dựng hệ thống phân phối đòi hỏi phải có thời gian. Các sản phẩm dệt may Trung Quốc đang vào nước ta chủ yếu thông qua con đường trao đổi tiểu ngạch và nhập khẩu bất hợp pháp nên không thể xây dựng hệ thống phân phối rộng rãi. Một khi chúng ta gia nhập WTO, hàng rào bảo hộ về thuế quan bị dỡ bỏ, hàng dệt may Trung Quốc sẽ xâm nhập thị trường nội địa thông qua con đường nhập khẩu chính ngạch với số lượng lớn và các doanh nghiệp xuất khẩu Trung Quốc sẽ thiết lập hệ thống phân phối rộng rãi. Đến lúc đó, nếu chúng ta chưa có hệ thống phân phối hoặc hệ thống phân phối hoạt động kém hiệu quả thì chúng ta sẽ gặp bất lợi rất lớn trong việc cạnh tranh.
- Xây dựng thương hiệu cho sản phẩm. 
Chắc chắn sẽ có không ít người tiêu dùng đặt câu hỏi: Tại sao một chiếc  áo sơ mi Pierre Cardin lại có giá hàng trăm ngàn đồng trong khi giá của một chiếc áo bình thường chỉ từ vài chục  đến một trăm ngàn đồng? Phải chăng sản phẩm của Pierre Cardin có chất lượng gấp 7-8 lần?  Câu trả lời hoàn toàn không phải như vậy. Một trong những lý do chính, Pierre Cardin là một thương hiệu nổi tiếng.
Trong lĩnh vực may mặc-thời trang, Việt Nam cũng đã có một số thương hiệu được khẳng định như: May 10, May Việt Tiến, gấm Thái Tuấn, dệt kim Đông Xuân, sơ mi An Phước... nhưng số lượng những thương hiệu như vậy còn quá ít.
Để có thể  cạnh tranh mạnh mẽ với hàng dệt may nhập khẩu, đồng thời thúc đẩy việc xuất khẩu, các công ty cần phải quan tâm và đầu tư đúng mức việc xây dựng thương hiệu cho riêng mình cũng như cho các sản phẩm dệt may Việt Nam nói chung.
Xây dựng thương hiệu là một quá trình đầu tư, vì thương hiệu không đơn giản chỉ  là một cái tên hay dấu hiệu mà là một cam kết về sản phẩm.
Để xây dựng thương hiệu, các doanh nghiệp Dệt May Việt Nam có nhiều con đường đi. Hoặc là lựa chọn việc mua lại một thương hiệu quen thuộc hoặc xây dựng từ đầu một thương hiệu mới thông qua việc nâng cao chất lượng dịch vụ đối với sản phẩm và đặt dấu ấn thương hiệu trong trí nhớ của người tiêu dùng  qua các chiến dịch truyền thông, quảng bá.
Song song với quá trình xây dựng phải là quá trình bảo vệ thương hiệu. Như đã nói ở trên, thương hiệu gắn liền với cam kết của nhà sản xuất về chất lượng, dịch vụ sản phẩm. Chỉ một sơ suất đối với khách hàng cũng làm tổn thương đến uy tín của thương hiệu và qua đó ảnh hưởng trực tiếp và lâu dài đến kết quả hoạt động của doanh nghiệp. q

  • Tags: