Vừa qua, Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ đã khai trương khu gian hàng Việt Nam tại Hội chợ Giày dép Quốc tế Ấn Độ (IIFF) lần thứ 7 ở Trung tâm triển lãm Pragati Maidan, thủ đô New Delhi.
Hội chợ IIFF tập trung trưng bày toàn bộ các sản phẩm liên quan đến ngành da giày. Các danh mục sản phẩm bao gồm: da giày, nguyên phụ liệu, thành phẩm và phụ trợ như nguyên liệu tổng hợp, da thành phẩm; các thành phần – mũ giày, đế, gót; máy móc thiết bị giày dép, quy trình công nghệ, hóa chất, bao bì và ấn phẩm.
Đại diện Việt Nam tham gia hội chợ lần này có Công ty TNHH sản xuất hàng tiêu dùng Bình Tiên (thương hiệu Biti’s) và Công ty cổ phần Thương Mại và Dịch Vụ Emall.
Thị trường tại Ấn Độ có nhiều tiềm năng, cơ hội kinh doanh hấp dẫn và Biti’s ưu tiên tìm kiếm và đồng hành với nhà phân phối cùng hợp tác thông qua hình thức kinh doanh bán buôn và sẽ nghiên cứu các mô hình bán lẻ.
Công ty cổ phần Thương mại và Dịch vụ Emall mang đến Ấn Độ các thương hiệu giày dép Pierre Cardin Shoes và Oscar Fashion, các thương hiệu này đã được quảng bá tại các nước trong khu vực Đông Nam Á.
Hội chợ IIFF là một sự kiện hàng đầu trong ngành công nghiệp giày dép tại khu vực Nam Á, là một trong những hội chợ lớn nhất và quan trọng nhất trong ngành công nghiệp giày dép tại Ấn Độ. Sự kiện thu hút một lượng lớn các doanh nghiệp, nhà sản xuất, nhà buôn và nhà nhập khẩu từ khắp nơi trên thế giới. IIFF là cơ hội tốt để doanh nghiệp Việt Nam khám phá các xu hướng mới nhất, tìm kiếm đối tác kinh doanh và mở rộng mạng lưới liên kết trong ngành công nghiệp giày dép.
Bên cạnh hội chợ triển lãm sẽ diễn ra các buổi trao đổi kinh nghiệm, hội thảo và diễn đàn, IIFF tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trưng bày, giới thiệu và tiếp cận với thị trường Ấn Độ và cũng như các thị trường quốc tế khác.
Theo Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương, năm 2022, thị trường giày dép của Ấn Độ đạt 15,5 tỷ USD và đặt mục tiêu tiếp tục tăng trưởng ở mức 11% trong 5 năm tới. Dự kiến, ngành công nghiệp giày dép ngoài da của Ấn Độ sẽ vượt mốc 6 tỷ USD vào năm 2024.
Ấn Độ là nhà sản xuất giày dép lớn thứ hai trên thế giới và 60 đến 70% sản lượng tiêu thụ của nước này được đáp ứng thông qua nhập khẩu, điều này có nghĩa là lượng tiêu thụ đang diễn ra nhiều hơn và không đủ nguồn cung cho sản xuất tại Ấn Độ.
Ngành da, giày và phụ kiện ở Ấn Độ đóng góp khoảng 2% vào GDP chung của đất nước và là một ngành cung cấp việc làm chính. Lĩnh vực này là một trong những ngành tạo ra việc làm hàng đầu trong nước và sử dụng 2 triệu công nhân.
Thị trường dệt may và giày dép khác ở Ấn Độ dự kiến sẽ tăng trưởng bình quân 12,9%/năm trong giai đoạn 2020 - 2023. Thị trường giày thể thao ở Ấn Độ dự kiến sẽ tăng trưởng bình quân 14,3%/năm trong giai đoạn 2020 - 2023.
Theo Vụ Thị trường châu Á-châu Phi, kim ngạch thương mại Việt Nam - Ấn Độ chiếm khoảng 80% tổng kim ngạch của Việt Nam với các nước Nam Á khác. Trong khi đó, Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ 23 trên thế giới và lớn thứ 4 trong khu vực ASEAN của Ấn Độ.
Ngược lại, Ấn Độ hiện là đối tác thương mại lớn thứ 8 của Việt Nam. Năm 2022, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Ấn Độ đạt 15 tỷ USD, mức cao nhất từ trước đến nay. Việt Nam và Ấn Độ còn nhiều tiềm năng và lợi thế hợp tác trong các lĩnh vực như nông, thủy sản, sản xuất công nghiệp, dệt may, da giày.
Trong 4 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Ấn Độ đạt 4,9 tỷ USD, giảm 11% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Ấn Độ đạt 2,7 tỷ USD, giảm 5% so với cùng kỳ năm 2022.
Tuy nhiên, các mặt hàng xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam sang Ấn Độ vẫn đạt kim ngạch tăng so với cùng kỳ, cụ thể: gỗ và sản phẩm từ gỗ (đạt 21 triệu USD, tăng 171%); giày dép các loại (đạt 73 triệu USD, tăng 20%); hàng dệt, may (đạt 44,6 triệu USD, tăng 2,7%); sản phẩm từ cao su (đạt 5,2 triệu USD, tăng 21%); cà phê (đạt 27 triệu USD, tăng 73%); sắt thép các loại (đạt 142 triệu USD, tăng 590%)…