Sản xuất chế phẩm vi sinh bằng công nghệ lên men chìm nâng cao chất lượng nuôi tôm quy mô công nghiệp

Sử dụng chế phẩm sinh học được coi là một giải pháp hiệu quả trong nuôi tôm công nghiệp, nuôi tôm siêu thâm canh, đồng thời góp phần xử lý ô nhiễm môi trường nuôi trồng thủy sản, giảm sử dụng kháng sinh và tăng khả năng sinh trưởng của tôm.

Nuôi tôm là lĩnh vực kinh tế mũi nhọn của nước ta, góp phần quan trọng trong tổng giá trị xuất khẩu thủy sản. Bên cạnh lợi ích kinh tế, nghề nuôi tôm phát triển ồ ạt gây ô nhiễm môi trường. Sử dụng chế phẩm sinh học được coi là một giải pháp hiệu quả trong nuôi tôm công nghiệp, nuôi tôm siêu thâm canh, đồng thời góp phần xử lý ô nhiễm môi trường nuôi trồng thủy sản,  giảm sử dụng kháng sinh và tăng khả năng sinh trưởng của tôm.

Nhằm nghiên cứu tạo chế phẩm vi sinh có hiệu quả cao, tăng khả năng sinh trưởng của tôm, tăng năng suất thu hoạch tôm, hạn chế lây lan dịch bệnh và góp phần phát triển nông nghiệp bền vững ở nước ta, Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Trúc Anh đã triển khai Dự án sản xuất thử nghiệm “Sản xuất chế phẩm vi sinh bằng công nghệ lên men chìm để nâng cao chất lượng nuôi tôm ở quy mô công nghiệp”.

trúc anh nuôi tôm công nghiệp
Dự án đã sản xuất được hàng chục tấn chế phẩm vi sinh được cấp phép lưu hành sử dụng trong nuôi tôm của Tổng cục Thủy sản

 

Nhiệm vụ khoa học và công nghệ đã được Bộ Công Thương đã tổ chức nghiệm thu theo quy định và do PGS.TS Phí Quyết Tiến - Phó Viện trưởng Viện Công nghệ sinh học (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) làm chủ tịch Hội đồng.

Tại buổi nghiệm thu, TS Lê Anh Xuân – Chủ nhiệm dự án đã trình bày báo cáo tóm tắt các kết quả triển khai. Theo TS Lê Anh Xuân, chế phẩm vi sinh có tác dụng kích thích hệ miễn dịch, giúp tôm hấp thụ thức ăn tốt, giảm độc tố trong ao nuôi xuống mức thấp nhất… Trên cơ sở các kết quả nghiên cứu và sản xuất chế phẩm vi sinh trong nuôi tôm công nghiệp những năm qua của Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Trúc Anh, dự án đã thực hiện tuyển chọn bổ sung thêm các chủng giống vi khuẩn probiotic hiệu quả cao, tạo được chủng giống vi sinh tốt nhất để sản xuất chế phẩm vi sinh.

Dự án đã hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất chế phẩm vi sinh bằng kỹ thuật lên men chìm  quy mô 3.000 lít/mẻ.

Bên cạnh đó, nhằm hoàn thiện chất lượng sản phẩm, các chế phẩm vi sinh do dự án sản xuất đã được gửi đi kiểm nghiệm tại Trung tâm kiểm nghiệm độc lập trong nước. Kết quả phân tích cho thấy không phát hiện các vi sinh vật gây bệnh và có hại trong chế phẩm, an toàn và đáp ứng yêu cầu sử dụng trong nuôi trồng thủy sản.

Đặc biệt, đến nay, dự án đã sản xuất được hàng chục tấn chế phẩm vi sinh được cấp phép lưu hành sử dụng trong nuôi tôm của Tổng cục Thủy sản và đang tiếp tục sản xuất để cung ứng cho thị trường nội địa.

“Chúng tôi đã tiến hành sử dụng chế phẩm sinh học dự án sản xuất để nuôi tôm thử nghiệm tại các ao nuôi của Công ty và một số ao nuôi của các vùng nuôi tôm khác tại Cà Mau, Sóc Trăng. Kết quả cho thấy, sử dụng bộ chế phẩm làm tăng tỷ lệ sống và làm giảm hệ số sử dụng thức ăn, từ đó giảm giá thành và chi phí trong nuôi tôm công nghiệp”, Chủ nhiệm dự án TS Lê Anh Xuân cho biết.

Dự án “Sản xuất chế phẩm vi sinh bằng công nghệ lên men chìm để nâng cao chất lượng nuôi tôm ở quy mô công nghiệp” do Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Trúc Anh thực hiện có ý nghĩa thực tiễn và khả năng ứng dụng cao. Dự án được thực hiện góp phần tạo nên các sản phẩm chất lượng, giải quyết các vấn đề về dịch bệnh trong nghề nuôi tôm. Dự án cũng tận dụng được nguồn nguyên liệu dồi dào và nguồn lao động sẵn có trong nước, tạo sản phẩm có giá trị gia tăng, đáp ứng nhu cầu đa dạng hóa sản phẩm. 

Vụ Khoa học và Công nghệ - Bộ Công Thương