Tình hình khai thác than mỡ và luyện cốc hiện nay ở Điện Biên.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Điện Biên, địa phương có khoảng 4 mỏ than chính với trữ lượng lớn là mỏ Thanh An, mỏ Thanh Xương, mỏ Na Sang, mỏ Nà Púng Pú Nhi, trong đó mỏ than Thanh An có trữ lượng C1 là 209.000 tấn, C2 là 285.000 tấn và P là 409.000 tấn. Năm 1993, mỏ than này đã được Công ty Khoáng sản Điện Biên bắt tay vào khai thác. Song, cho đến nay, sản phẩm chỉ là than mỡ (than nguyên chất), được khai thác ngay từ hầm mỏ và chủ yếu là để phục vụ nhu cầu sản xuất vật liệu xây dựng nội tỉnh như: nung vôi, đốt gạch, ngói... Mãi tới năm 2002, Công ty mới cho ra đời mẻ than cốc đầu tiên và tiêu thụ ngay trong năm được 450 tấn và sau đó, Công ty Phân lân Ninh Bình ký hợp đồng tiêu thụ 6.000 tấn than cốc/năm. Một bước khởi sắc tốt đẹp cho sản phẩm than cốc Điện Biên. Song thực tế, các nhà tiêu thụ ý kiến rằng, chất lượng than cốc Điện Biên rất thấp, chỉ phù hợp cho ngành công nghiệp luyện kim nóng chảy ở nhiệt độ thấp như luyện chì, kẽm... Làm phép tính đơn giản, chúng ta sẽ thấy, để luyện được thép thì nhiên liệu đốt cần phải đảm bảo tiêu chuẩn nhiệt lượng từ 5.000 kilô calo/kg trở lên, hàm lượng cacbon phải đạt ít nhất từ 80% trở lên. Trong khi đó, than cốc Điện Biên mới chỉ đạt 4.000 kilô calo/kg, hàm lượng cacbon mới chỉ đạt 60 - 65%.
Vì chất lượng sản phẩm thấp, nên than cốc Điện Biên mới chỉ tiêu thụ ở thị trường Hà Giang để phục vụ công nghiệp luyện chì và kẽm. Thái Nguyên là một thị trường giàu tiềm năng trong việc tiêu thụ than cốc để luyện thép, nhưng vì sản phẩm không đáp ứng nhu cầu nên than cốc Điện Biên đã không thể vươn đến thị trường này được.
Bất kỳ một sản phẩm hàng hoá nào, muốn khẳng định được sự tồn tại và phát triển trên thị trường đều phải không ngừng hoàn thiện và nâng cao chất lượng, nhưng điều đó dường như lại là nhược điểm của than cốc Điện Biên. Để sản phẩm than cốc đạt được chất lượng, đòi hỏi một quy trình công nghệ với yêu cầu kỹ thuật cao, từ giai đoạn làm sạch, tuyển chọn than mỡ đến hệ thống lò luyện. Song hiện nay, quy trình luyện cốc tại Điện Biên vẫn theo phương thức thủ công: đào hầm lò, đốt than mỡ như kiểu nhà nông ủ phân chuồng làm mục để bón ruộng. Với cách luyện này, than cốc Điện Biên chỉ có thể tiêu thụ ở một số thị trường bó hẹp nhất định, mà không thể vươn xa sang các thị trường khó tính khác.Trong một buổi làm việc trực tiếp với Bộ trưởng Bộ Công nghiệp-Hoàng Trung Hải vào cuối tháng 4/2005, tỉnh Điện Biên cũng đã thừa nhận những hạn chế và yếu kém của mình trong việc phát triển ngành công nghiệp của địa phương. Những hạn chế đó là do đầu tư công nghệ chưa tương xứng với tốc độ phát triển của ngành, công nghệ lạc hậu nên sản phẩm công nghiệp không có khả năng cạnh tranh so với sản phẩm cùng loại của các địa phương khác. Công tác tiếp thị, nghiên cứu thị trường của các doanh nghiệp còn yếu, chưa có chiến lược thu hút đầu tư cũng như chiến lược phát triển thị trường để tiêu thụ sản phẩm. Ngành khai thác than mỡ và luyện cốc ở Điện Biên cũng đang nằm trong tình trạng yếu kém chung này. Trong định hướng phát triển công nghiệp của Điện Biên đến năm 2010, UBND tỉnh có nhấn mạnh đến việc tập trung vào khai thác chế biến than mỡ, tiếp tục nghiên cứu công nghệ luyện cốc. Cụ thể, Tỉnh đã giao chỉ tiêu cho Công ty Khoáng sản Điện Biên sản xuất phải đạt 5.000 tấn than cốc/năm. Định hướng của Tỉnh là như vậy, tuy nhiên sản phẩm than cốc Điện Biên trong tương lai liệu có đủ điều kiện để vươn mạnh ra thị trường trong nước?.
Thăm trực tiếp đơn vị luyện than cốc ở Điện Biên.
Để tìm hiểu sâu hơn về tình hình luyện than cốc ở Điện Biên, chúng tôi đã có buổi làm việc trực tiếp với Ban Giám đốc Công ty Khoáng sản Điện Biên, một doanh nghiệp nhà nước, là đơn vị trực tiếp thực hiện kế hoạch luyện than cốc theo kế hoạch Tỉnh giao. Ông Vũ Văn Đình - Giám đốc Công ty đã từ chối làm việc với chúng tôi với lý do "ngã nhẹ, bị bong gân chân", hẹn vài ngày tới. Tiếp chúng tôi là ông Nguyễn Văn Bốn - Phó giám đốc Công ty, ông nói: Giám đốc mới có thẩm quyền làm việc với các phóng viên, còn buổi nói chuyện hôm nay giữa tôi và các bạn sẽ không liên quan tới công việc, nên chúng ta chỉ có thể nói chuyện "vô tư cởi mở" ngoài khía cạnh công việc.
Và trong cái "vô tư cởi mở" của ông Bốn, chúng tôi đã nhận ra Công ty Khoáng sản Điện Biên không thể có khả năng khai thác và luyện than cốc đạt chất lượng cao được. Nhìn vào thực tế cho thấy, cơ sở vật chất trang thiết bị tại văn phòng làm việc của Công ty quá thiếu thốn. Việc ứng dụng tin học mới chỉ phục vụ cho bộ phận kế toán thay việc đánh máy chữ bằng máy vi tính. Do kinh phí hoạt động khó khăn nên trên bàn làm việc của Phó giám đốc Bốn cũng không đủ khả năng để trang bị một dàn máy vi tính, hơn nữa có trang bị cũng chẳng biết để làm gì (theo lời ông Bốn). Trong buổi nói chuyện "vô tư cởi mở" không liên quan tới công việc, vô tình ông Bốn để lộ: để nâng cao chất lượng luyện than cốc thì phải đầu tư công nghệ sản xuất hiện đại, phải lắp đặt dây chuyền luyện cốc tiên tiến khoảng 1 tỷ đồng. Vâng! chỉ 1 tỷ đồng thôi nhưng Công ty liệu có đủ khả năng và mạnh dạn đầu tư trong khi chỉ một bộ máy vi tính còn chưa đủ khả năng đầu tư. Chưa kể đến năng lực làm chủ công nghệ của đội ngũ CBCNV.
Việc kêu gọi thu hút các đối tác đầu tư cũng là một giải pháp tốt, song liệu có nhà đầu tư nào dám mạo hiểm, bắt tay, nâng cấp, lắp đặt dây chuyền sản xuất hiện đại khi mà tỉnh Điện Biên chưa đưa ra được con số chính xác về trữ lượng than tại các điểm mỏ trên địa bàn tỉnh. Thông thường, để sản xuất 1 tấn than cốc phải cần 2 tấn than mỡ. Với tình trạng khai thác than lạc hậu như hiện nay, thì Điện Biên mới chỉ đạt sản lượng khoảng 70 tấn/ngày vào mùa khô, còn mùa mưa là hầu như không khai thác được. Xem ra, với nguồn nguyên liệu như vậy, cộng với quy trình luyện cốc thủ công lạc hậu, Công ty Khoáng sản Điện Biên khó có thể hoàn thành chỉ tiêu Tỉnh giao.
Thiết nghĩ, việc phát triển khai thác than và nâng cao chất lượng luyện cốc ở Điện Biên cần phải đổi mới tư duy từ quy trình quản lý khai thác và chế biến đến việc thăm dò trữ lượng tài nguyên. Điện Biên cần sớm đầu tư kinh phí để tiến hành thăm dò xác định cụ thể trữ lượng, trước khi nghiên cứu lắp đặt thiết bị dây chuyền công nghệ luyện cốc. Tránh tình trạng nhà máy sản xuất dựng lên rồi nhưng phải đóng cửa vì thiếu nguyên liệu hoạt động.