Theo Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), Lễ công bố Bộ chỉ số đánh giá kết quả thực hiện các Hiệp định thương mại tự do (FTA Index) của các địa phương năm 2024 sẽ được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại Trụ sở Chính phủ ở Hà Nội và kết nối với điểm cầu trực tuyến tại UBND các tỉnh, thành phố trên cả nước.
Tại buổi lễ, Bộ Công Thương sẽ công bố kết quả khảo sát và đánh giá kết quả thực hiện các FTA tại các địa phương, mức độ tiếp cận thông tin về FTA của cộng đồng doanh nghiệp, hiệu quả các chương trình, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng FTA, việc triển khai các cam kết phát triển bền vững trong các FTA tại địa phương, những khó khăn, vướng mắc mà địa phương, doanh nghiệp gặp phải trong quá trình thực hiện, tận dụng các FTA...
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cùng Lãnh đạo các Bộ, ngành sẽ trao Bằng khen cho các địa phương có thành tích, đạt kết quả tốt trong việc đánh giá kết quả thực hiện các Hiệp định thương mại tự do (FTA Index) năm 2024.
Cùng với việc chỉ ra những kết quả đạt được và những vấn đề còn tồn tại, Bộ chỉ số FTA Index lần đầu tiên được công bố sẽ khuyến nghị những giải pháp đối với các cơ quan quản lý Nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp nhằm thúc đẩy hơn nữa hiệu quả thực hiện, tận dụng các FTA mà Việt Nam đã tham gia.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) đã trở thành một xu hướng chủ đạo nhằm thúc đẩy trao đổi thương mại giữa các quốc gia. Theo Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), tính đến đầu năm 2025, có khoảng 328 FTA có hiệu lực, tăng mạnh so với 98 FTA vào năm 2000. Các hiệp định này không chỉ tập trung vào việc cắt giảm thuế quan và hàng rào phi thuế quan, mà còn mở rộng sang các lĩnh vực phi truyền thống như lao động, môi trường, doanh nghiệp nhà nước hay minh bạch hóa trong điều hành chính sách.
Việt Nam là quốc gia tích cực tham gia vào tiến trình này. Từ việc gia nhập Khu vực Mậu dịch Tự do ASEAN (AFTA) vào năm 1996, đến nay, Việt Nam đã ký kết và thực thi 17 FTA với nhiều đối tác lớn trên thế giới. Đặc biệt, việc tham gia các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, UKVFTA đã khẳng định cam kết hội nhập sâu rộng và toàn diện của Việt Nam. Các FTA này mang lại nhiều lợi ích to lớn cho nền kinh tế như thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu, mở rộng thị trường, thu hút đầu tư nước ngoài, đồng thời nâng cao năng lực sản xuất và tính cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam. Các cam kết cải cách và minh bạch hóa thể chế trong khuôn khổ FTA cũng tạo động lực cải thiện môi trường kinh doanh trong nước.
Tuy nhiên, thực tế triển khai FTA tại Việt Nam vẫn còn không ít thách thức. Việc tận dụng cơ hội từ các FTA chưa đồng đều giữa các địa phương và doanh nghiệp, đặc biệt là trong khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nhiều doanh nghiệp còn chưa cập nhật đầy đủ thông tin, chưa nắm rõ cam kết cụ thể và chưa đủ năng lực để đáp ứng các tiêu chuẩn về xuất xứ, kỹ thuật, môi trường, lao động... Mặt khác, sự phối hợp giữa các cơ quan trung ương, chính quyền địa phương và cộng đồng doanh nghiệp trong triển khai FTA chưa thật sự đồng bộ và hiệu quả, làm giảm tác động lan tỏa của các hiệp định.

Trong bối cảnh đó, Chính phủ đã giao Bộ Công Thương xây dựng Bộ chỉ số đánh giá kết quả thực thi các Hiệp định thương mại tự do (FTA Index). Đây là một công cụ mới, mang tính định lượng và hệ thống, được xây dựng dựa trên khảo sát thực tế doanh nghiệp tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Nội dung khảo sát của Bộ chỉ số FTA Index tập trung vào 04 khía cạnh chính: (1) mức độ tiếp cận thông tin về FTA của doanh nghiệp; (2) tình hình tuân thủ các quy định pháp luật nội luật hóa từ cam kết FTA; (3) hiệu quả các chương trình, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng FTA; và (4) việc triển khai các cam kết phát triển bền vững trong các FTA tại địa phương, đồng thời ghi nhận các khó khăn, vướng mắc mà doanh nghiệp đang gặp phải.
Bộ chỉ số FTA Index hướng đến việc cung cấp cơ sở dữ liệu minh bạch và khách quan cho Chính phủ, các cơ quan trung ương và địa phương trong chỉ đạo, giám sát, điều hành công tác hội nhập; hỗ trợ địa phương đánh giá kết quả thực thi FTA theo chương trình hành động đã đề ra; đồng thời là căn cứ để hoạch định chính sách, chiến lược phát triển phù hợp với điều kiện và tiềm năng từng địa phương.
Bộ chỉ số cũng góp phần nâng cao nhận thức và thúc đẩy sự tham gia chủ động của cộng đồng doanh nghiệp trong tận dụng cơ hội từ FTA, nâng cao chất lượng thực hiện các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, cũng như thử nghiệm các công cụ đo lường hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế một cách khoa học và thực tiễn hơn.