
Nằm trong khuôn khổ Hội chợ Thương mại Quốc tế Việt Nam lần thứ 34 - Vietnam Expo 2025, Hội thảo đã thu hút sự tham gia của hơn 100 đại biểu đến từ các doanh nghiệp sản xuất, tổ chức tư vấn và các chuyên gia kinh tế.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Đức Minh - Phó Chủ tịch HAMI khẳng định, việc chuyển đổi xanh và số hóa không chỉ là xu hướng mà đã trở thành yêu cầu tất yếu trong chiến lược phát triển và hội nhập của các doanh nghiệp công nghiệp chủ lực.

Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu biến động mạnh mẽ và các yêu cầu khắt khe về phát triển bền vững trong thương mại quốc tế, Hội thảo tập trung thảo luận vào một số nội dung như tác động của các chính sách quốc tế đến xuất khẩu Việt Nam; xu hướng chuyển đổi xanh tại các thị trường nhập khẩu, tiêu dùng lớn...
Trong đó, việc gia tăng các quy định kỹ thuật và tiêu chuẩn môi trường từ thị trường EU, Mỹ, Nhật Bản... buộc doanh nghiệp Việt phải nhanh chóng tuân thủ các chứng chỉ như ISO 14064-1, ISO 14067 nếu không muốn bị loại khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng chia sẻ về chuyển đổi xanh và logistics. Các chuyên gia nhận định, chi phí logistics có thể tăng nếu không tái cấu trúc hệ thống vận tải theo hướng phát thải thấp. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để tối ưu vận hành, tăng khả năng truy xuất và giảm rủi ro trong xuất khẩu.

TS. Bùi Thanh Minh - Phó Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân chia sẻ về cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp xuất khẩu trong bối cảnh mới
Một nội dung khác thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp là kinh nghiệm ứng dụng AI và số hóa sản xuất. Những chia sẻ tại Hội thảo cho thấy, các nền tảng AI giúp doanh nghiệp giảm 8-15% chi phí logistics, tăng hiệu suất và minh bạch hóa dữ liệu chuỗi cung ứng - một yếu tố quan trọng để tiếp cận các thị trường tiêu chuẩn cao.
Trong giai đoạn 2025 - 2030, các chuyên gia khuyến nghị, các doanh nghiệp cần tập trung các thị trường có chính sách thuế ưu đãi và khuyến khích hàng hóa xanh, tiêu dùng xanh như Canada, EU, Đông Bắc Á. Bên cạnh đó, việc tiếp cận tín dụng xanh, ưu đãi đầu tư và các chương trình tư vấn - đào tạo sẽ đóng vai trò then chốt trong nâng cao năng lực xuất khẩu.

Hội Doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực Thành phố Hà Nội (HAMI) được thành lập theo Quyết định số 121/QĐ-UBND ngày 14/4/2022 của UBND thành phố Hà Nội. Đây là tổ chức đại diện cho hơn 100 doanh nghiệp hoạt động trong 8 nhóm ngành công nghiệp chủ lực, có năng lực sản xuất - xuất khẩu cao, trình độ công nghệ tiên tiến và đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng công nghiệp của Thủ đô.
Đến nay, các doanh nghiệp hội viên của HAMI đã đóng góp 117 sản phẩm được công nhận là sản phẩm công nghiệp chủ lực, trong đó có 22 doanh nghiệp đạt doanh thu trên 1.000 tỷ đồng/năm và hơn 10 doanh nghiệp có thị trường xuất khẩu sang các nước EU, Mỹ, Nhật Bản, Trung Đông và ASEAN.
Nhiều doanh nghiệp đã không ngừng cải tiến, đầu tư công nghệ và đạt các tiêu chuẩn quốc tế như CE, ISO, RoHS nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe từ các thị trường phát triển.