Việc đầu tư xây dựng đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ góp phần giải quyết nhu cầu vận tải khi tuyến Quốc lộ 1 đã quá tải; thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực Tây Nam Bộ;
Đảm bảo quốc phòng an ninh của các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và cả nước nói chung; giảm thiểu tai nạn giao thông trên Quốc lộ 1; từng bước hoàn chỉnh mạng đường bộ cao tốc theo quy hoạch.
Theo phê duyệt, tổng chiều dài tuyến khoảng 22,97 km (địa phận tỉnh Vĩnh Long dài 12,52 km, tỉnh Đồng Tháp dài 10,45 km); điểm đầu tại Km107+363,08 kết nối với cầu Mỹ Thuận 2 thuộc địa phận thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long;
Điểm cuối tại Km130+337 (nút giao Chà Và, kết nối với Quốc lộ 1 hiện hữu) thuộc địa phận thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long.
Phần tuyến chính, bình diện và trắc dọc đạt tiêu chuẩn đường cao tốc với vận tốc thiết kế 100km/h (theo TCVN 5729:1997 kết hợp với TCVN 5729:2012);
Mặt cắt ngang giai đoạn hoàn chỉnh đạt tiêu chuẩn đường cao tốc 6 làn xe; mặt cắt ngang giai đoạn 1, phân kỳ đầu tư quy mô 4 làn xe với bề rộng nền đường Bnền=17 m, vận tốc thiết kế 80km/h.
Công trình cầu xây dựng vĩnh cửu bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực; tải trọng thiết kế HL-93 theo TCVN 11823:2017; bề rộng cầu phù hợp với bề rộng đường theo từng giai đoạn.
Dự án được đầu tư theo hình thức đầu tư công với tổng mức đầu tư dự án 4.827,32 tỷ đồng từ nguồn vốn Ngân sách Trung ương.
Dự án được đầu tư xây dựng ở tỉnh Vĩnh Long và tỉnh Đồng Tháp.
Dự kiến, Dự án được khởi công năm 2020, cơ bản hoàn thành năm 2022, hoàn thành toàn bộ dự án (giai đoạn 1) trong năm 2023.
Trước đó, tháng 3/2020 Bộ trưởng Bộ GTVT vừa quyết định giao nhiệm vụ Chủ đầu tư giai đoạn chuẩn bị Dự án đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, giai đoạn 1 theo hình thức PPP, Hợp đồng BOT cho Tổng công ty Đầu tư phát triển & Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long, thay thế cho Ban quản lý dự án Thăng Long (PMU Thăng Long).
Theo Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án Đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, giai đoạn I theo hình thức PPP được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt năm 2017, công trình có tổng chiều dài 23,6 km, giai đoạn I đầu tư mặt cắt ngang 4 làn xe, rộng 17 m, tổng mức đầu tư 5.408 tỷ đồng.
Thời gian thu phí hoàn vốn công trình khoảng 18 năm 2 tháng (bắt đầu thu dự kiến từ năm 2021) và hỗ trợ bằng quyền thu phí đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương là 4 năm 2 tháng (dự kiến từ tháng 4/2028 đến tháng 6/2032).