Trong Hội nghị ngành ngân hàng ngày 11/4, ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, cơ quan quản lý sắp ban hành nghị định mới về thanh toán không dùng tiền mặt với sự xuất hiện lần đầu của nhiều quy định mới.
Theo đó, lần đầu tiên những quy định về tiền điện tử sẽ có trong Nghị định này. Ngoài ra đại diện Vụ Thanh toán cũng cho biết Nghị định sắp tới sẽ nêu rõ ràng hơn về việc hợp tác giữa các tổ chức ngân hàng và các tổ chức thanh toán nước ngoài, hướng dẫn cụ thể về hoạt động của các tổ chức khác cung cấp dịch vụ thanh toán không qua tài khoản thanh toán... "Đây sẽ là những nền tảng cơ bản để hướng tới nền kinh tế không dùng tiền mặt", ông Dũng đánh giá.
Liên quan đến nội dung hợp tác giữa các tổ chức ngân hàng và các tổ chức thanh toán nước ngoài, quy định mới của Ngân hàng Nhà nước sẽ mở đường cho việc hợp tác cụ thể hơn giữa ngân hàng trong nước với các nền tảng thanh toán lớn như Alipay hay Wechat, giúp việc thanh toán thuận tiện hơn, đặc biệt với du khách nước ngoài.
Ngoài ra, một nội dung khác là dịch vụ mobile money đã được Ngân hàng Nhà nước trình Chính phủ ngày 4/4 vừa qua.
Dịch vụ mobile money hiểu một cách đơn giản là việc biến tài khoản di động thành một tài khoản có thể lưu trữ, chuyển - nhận tiền giữa các số di động và thực hiện các chức năng thanh toán hóa đơn, hàng hóa, nạp thẻ di động.
"Đây là một nội dung không thể không triển khai, nhưng khi đã làm thì chắc chắn sẽ mở ra một cuộc đua mới, sự bùng nổ về thanh toán điện tử", ông Dũng nhận xét.
Với thế mạnh của các công ty viễn thông đã sở hữu hàng chục triệu thuê bao đã được xác thực, mạng lưới thanh toán rộng, việc triển khai mobile money sẽ tạo áp lực cạnh tranh rất lớn với hệ thống thanh toán qua ngân hàng. Tuy nhiên, các công ty viễn thông cũng phải đáp ứng nhiều điều kiện để được thực hiện dịch vụ này, bao gồm việc ký quỹ với tiền gửi vào của khách hàng, quản lý sim rác, đảm bảo việc thanh toán các dịch vụ hợp pháp... Cũng theo đại diện Vụ Thanh toán, bước đầu nếu được chấp thuận thì dịch vụ này cũng chỉ giới hạn 5-10 triệu đồng một tháng với mỗi thuê bao.
Đánh giá về hiện trạng lĩnh vực trung gian thanh toán, ông Dũng cho rằng đã có những bước tiến đáng kể trong những năm gần đây, đặc biệt là thanh toán không dùng tiền mặt với tốc độ tăng trưởng cao, tuy nhiên thị trường vẫn còn nhiều dư địa để tăng trưởng.
Dân số Việt Nam đang trong giai đoạn dân số vàng với sự gia tăng của thế hệ Z, tuy nhiên ngành ngân hàng phục vụ chỉ chiếm khoảng 5% của nhóm này. 77 triệu tài khoản thanh toán, 97 triệu thẻ nhưng số lượng giao dịch vẫn còn thấp, quy mô giao dịch không cao. Việc phát triển QR Code, thẻ chip nội địa, dù có nhiều tiềm năng mở ra một giai đoạn mới cho thị trường, nhưng vẫn đang trong những giai đoạn đầu tiên.
Số lượng ATM bình quân của Việt Nam cũng chỉ ở mức 22,4 máy ATM trên 100.000 dân, con số này chưa tới một phần năm so với Thái Lan và thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Mật độ phân bố ATM cũng không đồng đều khi tập trung dày đặc ở một số thành phố lớn.
Theo Vụ trưởng Thanh toán, những cơ sở này cho thấy thị trường thanh toán vẫn còn nhiều dư địa để phát triển, đặc biệt là cần sự vào cuộc nhiều hơn nữa của nhóm các ngân hàng thương mại.