Rà soát định mức kinh tế - kỹ thuật
Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định giao dự toán chi khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế năm 2020 với tổng dự toán là 103.063.247 triệu đồng.
Trong đó, Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội được giao 17.717.246 triệu đồng; Bảo hiểm xã hội thành phố Hồ Chí Minh 19.004.986 triệu đồng; Bảo hiểm xã hội An Giang 1.323.788 triệu đồng; Bảo hiểm xã hội tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu 881.014 triệu đồng; Bảo hiểm xã hội tỉnh Bạc Liêu 766.718 triệu đồng; Bảo hiểm xã hội tỉnh Bắc Giang 1.321.734 triệu đồng;...
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm chỉ đạo Sở Tài chính chuyển đủ và kịp thời kinh phí ngân sách nhà nước đóng, hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho các đối tượng do ngân sách nhà nước đảm bảo; tham gia quản lý quỹ bảo hiểm y tế theo quy định;
Chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện cập nhật đầy đủ, kịp thời thông tin về khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế và chuyển dữ liệu cho cơ quan Bảo hiểm xã hội theo quy định về việc giám định, thanh toán được chính xác, kịp thời.
Điểm nhấn trong quyết định nói trên là Thủ tướng giao cho Bộ trưởng Bộ Y tế có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính sớm rà soát định mức kinh tế - kỹ thuật các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh làm cơ sở tiếp tục điều chỉnh giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh phù hợp với chất lượng dịch vụ, khả năng cung ứng của các cơ cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và khả năng cân đối quỹ bảo hiểm y tế.
Tiếp tục điều chỉnh
Như vậy, khả năng trong thời gian tới giá 3 loại dịch vụ: Giá dịch vụ khám bệnh; giá dịch vụ ngày giường bệnh và giá dịch vụ kỹ thuật, xét nghiệm sẽ tiếp tục tăng.
Trước đó, cuối tháng 11 năm 2018, Bộ Y tế ban hành thông tư 39 “Quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong một số trường hợp”, nhưng gần 8 tháng sau, ngày 5/7/2019 ban hành Thông tư 13 sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư 39, theo hướng tăng giá của 3 loại dịch vụ liên quan đến khám, chữa bệnh và nằm điều trị bệnh.
Cụ thể, giá dịch vụ khám chữa bệnh của Bệnh viện hạng đặc biệt, bệnh viện hạng I: từ 37.000 đồng lên 38.700 đồng; Bệnh viện hạng II: từ 33.000 đồng lên 34.500 đồng; Bệnh viện hạng III: từ 29.000 đồng lên 30.500 đồng;
Giá một số dịch vụ kỹ thuật và xét nghiệm cũng được điều chỉnh tăng như sau: Siêu âm: từ 42.100 đồng lên 43.900 đồng; Nội soi ổ bụng: từ 815.000 đồng lên 825.000 đồng; Nội soi ổ bụng có sinh thiết: 968.000 đồng lên 982.000 đồng; Thay băng vết thương chiều dài trên 15cm đến 30 cm: từ 81.600 đồng lên 82.400 đồng.
Đối với giá dịch vụ ngày giường bệnh của Bệnh viện Hạng Đặc biệt từ 753 nghìn đồng lên 782 nghìn đồng/ngày/giường; của bệnh viện hạng I từ 678 nghìn đồng lên 705 nghìn đồng/ngày/giường; của bệnh viện hạng II từ 578 nghìn đồng lên 602 nghìn đồng/ngày/giường.
Các mức giá nói trên ngày càng tiệm cận với giá thực của bệnh viện, và chưa đủ bù đắp. Vì thế, rất cần 2 bộ Y tế và Tài chính rà soát lại định mức kinh tế - kỹ thuật các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh làm cơ sở cho việc điều chỉnh giá dịch vụ sau này ở một thời điểm thích hợp.
Việc điều chỉnh 3 loại giá dịch vụ khám, chữa và điều trị bệnh không chỉ có ý nghĩa đối với các bệnh viện trong việc tái đầu tư, nâng cao khả năng khám chữa bệnh, mà còn giúp người bệnh được chăm sóc, điều trị xứng đáng với những đóng góp của mình thông qua bảo hiểm y tế.