Siêu thị đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng dịp Tết: Sức mua vẫn chưa tăng

Nhằm kích thích nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán, hầu hết các siêu thị trên địa bàn Hà Nội đều đưa ra nhiều chương trình khuyến mại lớn, tuy nhiên sức mua lại không tăng nh


Nhiều chương trình khuyến mại lớn

Hệ thống siêu thị BigC vừa tung ra 2 chương trình khuyến mại "Giá sốc mùa Tết" và "Sẵn sàng cho bữa ăn ngày Tết" với hơn 800 mặt hàng thực phẩm khô, thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến, đồ gia dụng... có mức giảm giá từ 5 - 50%. Siêu thị Metro cũng đưa ra nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá cho hàng trăm mặt hàng thực phẩm như hoa quả, bánh kẹo, nước ngọt, thực phẩm tươi sống, hàng gia dụng, may mặc… có mức chiết khấu từ 10 - 20%. Trong khi đó, ngoài chương trình "tích điểm thưởng cho khách hàng", Co.opMart Hà Nội còn có các chương trình khuyến mại, kích cầu như: Khuyến mại gói quà Tết, giảm giá từ 10 - 49% đối với 300 mặt hàng kéo dài từ ngày 7/1 - 9/2.

Theo đại diện hệ thống siêu thị Hapro, Fivimart, ngoài các mặt hàng thời trang, điện máy thì thực phẩm, bánh kẹo, gạo, rượu, bia và đồ gia dụng cũng là các mặt hàng nằm trong danh sách khuyến mại cuối năm. Với mức chiết khấu, giảm giá sâu, các siêu thị này tin tưởng sẽ kích thích được thị trường vốn ảm đạm lâu nay 

Để tạo thuận tiện cho người tiêu dùng mua sắm hàng Tết, từ 20 tháng Chạp âm lịch đến 30 Tết, hầu hết các siêu thị sẽ kéo dài thời gian phục vụ, mở cửa từ 8 giờ sáng và đóng cửa vào lúc 23 - 24 giờ. Ngoài ra, các siêu thị đều mở thêm quầy thanh toán, tăng số lượng nhân viên an ninh, giữ xe, vệ sinh và chuẩn bị nhân lực lớn để giao hàng tận nhà, nhận đặt hàng qua điện thoại. Dự kiến, mùng 2 Tết, các siêu thị sẽ bắt đầu bán trở lại.

Ông Nguyễn Thái Dũng, Phó Tổng Giám đốc hệ thống siêu thị Big C - Thăng Long cho biết: Để đảm bảo hàng hóa cung ứng trong dịp Tết, đơn vị này đã liên kết với các nhà cung cấp, nhất là các mặt hàng thiết yếu để thực hiện các chương trình khuyến mại với mức giảm giá sâu cũng như chuẩn bị về nguồn hàng, dịch vụ hậu cần, bán hàng… để phục vụ người tiêu dùng.

Khách xem nhiều hơn mua

Mặc dù các siêu thị đã đưa ra nhiều chương trình khuyến mại lớn nhưng sức mua vẫn chưa tăng như mong đợi.

Có mặt tại siêu thị Big C trong 2 ngày nghỉ cuối tuần vừa qua sẽ thấy nhà xe của siêu thị này luôn chật kín. Siêu thị Big C đã phải huy động cả bãi gửi xe tầng 2, nhưng đến đầu giờ chiều, bãi để xe này cũng lâm vào tình cảnh quá tải. Nhân viên viết vé gửi xe luôn hoạt động hết "công suất" nhưng vẫn không kịp.

Mặc dù lượng khách đến siêu thị đông, nhưng doanh số lại không tăng như mong muốn. Chị Nguyễn Thị Lan (ở Xuân Thủy, quận Cầu Giấy cho biết: "Mặc dù, các siêu thị đều tung khuyến mại lớn, nhưng thời buổi kinh tế khó khăn, người dân thắt chặt chi tiêu, nên chỉ đi xem cho vui thôi, chứ mua sắm thì phải cân nhắc".

Theo bà Vũ Thị Hậu, Phó Tổng Giám đốc Công ty Nhất Nam, đơn vị quản lý sở hữu hệ thống siêu thị Fivimart: Mặc dù lượng khách đến mua sắm tại siêu thị không giảm nhưng phần lớn khách hàng chỉ quan tâm đến những mặt hàng thiết yếu, nhất là lương thực, thực phẩm, hạn chế sắm sửa các mặt hàng chưa thực sự cần thiết. Chính vì vậy, hiện mức chi bình quân trên mỗi hoá đơn đã giảm khoảng 30% so với trước. Nếu như trong đợt phục vụ Tết năm trước có đến 50% số hoá đơn thanh toán có trị giá từ 1 - 1,5 triệu đồng/hoá đơn, vào những ngày cuối tuần là 2 - 3 triệu đồng/hóa đơn. Nay phần lớn hoá đơn mua sắm đều thanh toán ở mức dưới 500.000 -700.000 đồng, thi thoảng mới có hoá đơn trên 1 triệu đồng.

Đại diện nhiều siêu thị có chung nhận định: Trước đây, các mặt hàng có giá trị cao như thực phẩm nhập khẩu, mỹ phẩm chiếm đến 20% doanh số của đơn vị thì nay đã giảm xuống còn 15%; Giá trị lượng hàng mà khách thanh toán hiện đã giảm trung bình khoảng 10% so với trước.