TCCT: Xin ông cho biết những tác động đáng kể nhất của số hóa đối với kinh tế - xã hội; ngành nào sẽ được hưởng lợi nhiều nhất?
Tiến sỹ Phạm Thái Lai: Nói một cách ngắn gọn và đơn giản, các công nghệ kỹ thuật số có thể giúp cho ngành sản xuất công nghiệp đạt năng suất cao hơn và sử dụng ít tài nguyên hơn, đồng thời làm cho chuỗi cung ứng trở nên thích ứng hơn. Số hóa cho phép tích hợp rộng rãi nguồn năng lượng tái tạo, khiến cho các thành phố trở nên đáng sống hơn, giao thông vận tải hiệu quả hơn, đồng thời cải thiện đáng kể việc cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe.
Ba ngành được hưởng lợi mà tôi nghĩ đến trước tiên là các ngành sản xuất công nghiệp, y tế và quản lý chuỗi cung ứng.
TCCT: Cụ thể số hóa đã thể hiện vai trò như thế nào trong giải quyết các thách thức, thưa ông?
Tiến sỹ Phạm Thái Lai: Như chúng ta đã biết, thế giới công nghiệp đang phải đối mặt với những thách thức cấp bách và thay đổi nhanh chóng. Đại dịch COVID-19 đã làm thay đổi nhu cầu hàng hóa và điều kiện sản xuất. Trong những tình huống như thế này, các ngành công nghiệp phải nhanh chóng thích nghi với điều kiện mới và duy trì hoạt động, ngay cả khi nhân viên đang làm việc tại nhà. Điều này đòi hỏi khả năng tăng tốc nhanh chóng các hệ thống mà không làm chúng quá tải, mua sắm vật tư và bộ phận kịp thời, đồng thời có thể đóng gói số lượng lớn hơn với tốc độ cao hơn đáng kể.
Bên cạnh đại dịch, những thách thức toàn cầu khác cũng cấp bách không kém. Dân số toàn cầu đang gia tăng và kéo theo đó là nhu cầu về thực phẩm, nước sạch, năng lượng và các nhu cầu thiết yếu khác. Đồng thời, người tiêu dùng ngày càng trở nên hiểu biết hơn, họ mong muốn các sản phẩm được cá nhân hóa, chất lượng cao, an toàn, có lợi cho sức khỏe với giá cả phải chăng và thân thiện với môi trường. Thêm vào đó là tình trạng nguồn tài nguyên đang dần cạn kiệt trên hành tinh chúng ta.
Số hóa và tự động hóa sẽ là những yếu tố chủ chốt để làm chủ những thách thức này. Các công ty công nghiệp chỉ có thể thực hiện những nhiệm vụ phức tạp, với sự hỗ trợ của số hóa và tự động hóa tích hợp - cũng như bằng cách liên kết và phân tích dữ liệu một cách thông minh.
Đại dịch đã nhắc nhở chúng ta một điều, đó là các nền kinh tế vững mạnh phụ thuộc vào dân số khỏe mạnh. Chúng ta đừng quên một thực tế rằng trước khi đại dịch xảy ra, các hệ thống y tế trên khắp thế giới đã phải chịu nhiều áp lực do chi phí tăng cao và không đủ nguồn lực. Nhờ công nghệ kỹ thuật số, việc chẩn đoán và điều trị bệnh có thể được cải thiện rất nhiều và giảm bớt gánh nặng cho hệ thống y tế. Ví dụ, trợ lý kỹ thuật số được hỗ trợ bởi AI có thể giúp đắc lực cho các bác sĩ chuyên khoa trong công tác chẩn đoán hình ảnh. Một bộ đôi kỹ thuật số của quy trình phát triển vắc xin đã cho phép hãng GlaxoSmithKline giảm thời gian phát triển vắc xin khoảng 25%, cũng như giảm lãng phí 10%.
Đại dịch COVID-19 đã gây ra sự gián đoạn nghiêm trọng trong chuỗi cung ứng ở nhiều quốc gia trên thế giới. Tình hình có thể tồi tệ hơn nhiều nếu không có các công nghệ kỹ thuật số đã có sẵn ngày nay. Số hóa đã giúp làm cho chuỗi cung ứng trở nên hiệu quả và nhanh nhạy hơn, cho phép các doanh nghiệp đối phó tốt hơn với những thách thức và duy trì khả năng cạnh tranh ngay cả trong những thời điểm hỗn loạn như vậy. Số hóa cũng giúp xây dựng khả năng thích ứng cho chuỗi cung ứng để đối phó với những rủi ro tiềm ẩn.
TCCT: Tại Việt Nam, Siemens đang hỗ trợ khách hàng của mình như thế nào để khai thác toàn bộ tiềm năng số hóa?
Tiến sỹ Phạm Thái Lai: Tại Việt Nam, chúng tôi rất vui mừng được hợp tác với một số doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực chuyển đổi số như Vinfast và Thaco.
Để giúp các công ty tận dụng triệt để tiềm năng số hóa, Siemens đang cung cấp Doanh nghiệp kỹ thuật số - một danh mục tổng thể gồm các giải pháp phần mềm và tự động hóa. Danh mục này cho phép các công ty công nghiệp thuộc mọi quy mô triển khai các công nghệ hiện tại và tương lai để tự động hóa và số hóa. Nhờ đó, họ có thể khai thác toàn bộ tiềm năng của Công nghiệp 4.0 và sẵn sàng cho cấp độ tiếp theo của hành trình chuyển đổi kỹ thuật số.
TCCT: Xin trân trọng cảm ơn ông!