Trên địa bàn tỉnh, hoạt động buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả diễn biến phức tạp, nhất là vào dịp Tết nguyên đán và các dịp lễ hội, theo phương thức vận chuyển từ các tỉnh thành lân cận vào địa bàn. Đáng chú ý là tình trạng vận chuyển, buôn lậu thuốc lá, đường cát, nhất là mặt hàng thuốc lá lậu.
Lợi nhuận từ buôn lậu thuốc lá là rất cao nên đây luôn là mặt hàng nổi cộm trên địa bàn các tỉnh miền Tây Nam bộ nói chung và Sóc Trăng nói riêng. Thuốc lá lậu được vận chuyển từ biên giới Tây Nam tuồn về các tỉnh miền Tây. Đặc thù địa bàn tỉnh Sóc Trăng ngoài tuyến đường bộ, còn có hệ thống giao thông đường thủy qua các kênh rạch, phương tiện di chuyển chủ yếu bằng xuồng, ghe. Lợi dụng địa hình này, thuốc lá lậu được ngụy trang dưới nhiều hình thức như ghe chở hàng hóa tiêu dùng bán dạo trên sông, ghe chở trái cây… hoặc được chia nhỏ, xé lẻ cất giấu, gia cố trên các phương tiện xe khách, xe tải và các loại phương tiện khác nhằm qua mắt lực lượng chức năng.
“Thuốc lá và đường cát là hai mặt hàng buôn lậu nổi cộm trên địa bàn tỉnh, chống buôn lậu thuốc lá luôn là thách thức đối với lực lượng QLTT Sóc Trăng” Ông Nguyễn Việt Trung – Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Sóc Trăng cho biết.
Theo danh mục hàng hóa bị thu giữ xử lý năm 2016 của Chi cục QLTT Sóc Trăng, trong tổng số 55 vụ bị thu giữ xử lý, thuốc lá chiếm 39 vụ với số lượng 8507 bao, nộp ngân sách 590 triệu đồng. Đường cát xếp thứ hai với 4 vụ, thu giữ 3.450kg.
Cùng với buôn lậu thì tình trạng sản xuất, kinh doanh hàng giả đặc biệt là phân bón giả, kém chất lượng trên địa bàn cũng hết sức cam go. Với chiết khấu cao, lợi nhuận khủng, các đại lý phân bón đã tiếp tay cho nạn làm hàng giả gây hại cho người nông dân. Để hạn chế việc lưu thông mặt hàng này ra thị trường, Chi cục QLTT tăng cường rà soát hoạt động kinh doanh của các đại lý bán phân bón, thuốc bảo vệ thực vât trên địa bàn toàn tỉnh, kịp thời thu giữ và xử phạt đối với các hành vi sản xuất và kinh doanh phân bón giả, phân bón kém chất lượng.
Ngoài buôn lậu, làm hàng giả thì gian lận thương mại có chiều hướng gia tăng, diễn biến phức tạp và ngày càng khó lường. Gian lận thương mại trên địa bàn phổ biến với các hành vi kinh doanh thuốc thú y, thức ăn thủy sản không có trong danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam; gian lận về đo lường, chất lượng trong kinh doanh xăng dầu, vi phạm về ghi nhãn hàng hóa; kinh doanh hàng hóa quá hạn sử dụng, không công bố sản phẩm, không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Lực lượng mỏng, địa bàn rộng
Với nguồn nhân lực nhiều hạn chế, trong thời gian qua ngành QLTT Sóc Trăng đã nỗ lực đẩy mạnh công tác nắm tình hình cơ sở, xây dựng mạng lưới thông tin trong và ngoài tỉnh đảm bảo, đồng thời phối hợp với cơ quan liên ngành để kịp thời hỗ trợ nhằm đưa ra phương án đối phó hiệu quả. Khắc phục khó khăn bằng việc siết chặt công tác QLTT, thực hiện tốt Thỏa thuận Quy chế phối hợp với các lực lượng chức năng và giữa các Đội QLTT để công tác quản lí địa bàn được chính xác. Đồng thời phát huy nội lực để tập trung xử lý nhanh và dứt điểm những vấn đề bức xúc, nhạy cảm tránh gây hoang mang cho người tiêu dùng, giúp bình ổn thị trường.
Bên cạnh đó, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, bồi dưỡng, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ của lực lượng công chức, đảm bảo hoạt động của đơn vị ngày một hiệu quả hơn. Chú trọng công tác chống tiêu cực, tham nhũng trong lực lượng QLTT, không để xảy ra các hiện tượng sách nhiễu, phiền hà, tiêu cực, vi phạm pháp luật trong thực thi công vụ.
Thường xuyên đôn đốc các cán bộ nắm tình hình hoạt động của các hộ kinh doanh thuộc địa bàn quản lý để kiểm tra, kiểm soát khi có biến động thị trường xảy ra, góp phần ổn định an sinh xã hội trên địa bàn.
Tính riêng năm 2016, QLTT Sóc Trăng đã kiểm tra 460 vụ, trong đó có 190 vụ vi phạm, tổng số tiền nộp ngân sách khoảng 2,9 tỷ đồng. Hàng hóa tịch thu gồm: thuốc lá điếu nhập lậu, đường cát, thức ăn chăn nuôi và một số hàng hóa khác. Bên cạnh đó, Chi cục còn cử công chức phối hợp với các ngành như Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở KH&CN, Sở Thông tin và Truyền thông … kiểm tra 1.019 vụ, phát hiện 67 vụ vi phạm.