Tiềm năng lớn
Ông Võ Văn Chiêu - Giám đốc Sở Công Thương Sóc Trăng cho biết, theo khảo sát của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, tại các vùng ven biển tỉnh Sóc Trăng có tiềm năng lớn về điện gió do bờ biển dài và rộng. Cụ thể, gió ở độ cao 120m tại khu vực bãi bồi ven biển có tốc độ đạt trung bình khoảng 8,3m/s nên theo đánh giá của các chuyên gia, tiềm năng của tỉnh để phát triển các dự án điện gió trong đất liền và ngoài khơi tương đương quy mô công suất trên 7.000MW. Theo quy hoạch đã được phê duyệt của Bộ Công Thương về phát triển điện gió giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Sóc Trăng có 3 vùng quy hoạch phát triển điện gió.
Cũng theo ông Chiêu, bên cạnh tiềm năng phát triển điện gió, Sóc Trăng còn có tiềm năng rất lớn về năng lượng mặt trời. Theo số liệu đo đạc, số giờ nắng trong năm của tỉnh khá cao, dao động từ 2.300 giờ đến 2.480 giờ/năm. Tiềm năng điện mặt trời của tỉnh còn khá lớn, trong đó, phát triển năng lượng thông qua việc lắp đặt hệ thống điện mặt trời sẽ đóng góp quan trọng trong việc giải quyết tình trạng thiếu hụt điện năng ở khu vực miền Nam được dự báo có thể xảy ra vào giai đoạn 2021 - 2025, nhất là khi nhu cầu sử dụng điện ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tăng bình quân hằng năm gần 14%.
Ngoài ra, Sóc Trăng còn có tiềm năng phát triển điện sinh khối với nguồn nguyên liệu khá dồi dào từ cây trồng công nghiệp, lâm nghiệp, bã nông nghiệp, các loài thực vật khác...
Hỗ trợ nhà đầu tư triển khai các dự án năng lượng tái tạo
Nhằm kịp thời đưa Sóc Trăng phát triển theo xu thế bền vững, phát huy vai trò cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực công thương, những năm qua, Sở Công Thương đã tích cực tham mưu UBND tỉnh xây dựng chiến lược phát triển năng lượng tái tạo.
Cụ thể như xây dựng, tham mưu UBND tỉnh trình Bộ Công Thương phê duyệt Quy hoạch phát triển điện gió tỉnh Sóc Trăng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 với 22 vị trí phát triển điện gió, tổng công suất tiềm năng là 1.470MW; Xây dựng Đề án phát triển điện mặt trời tỉnh Sóc Trăng giai đoạn đến năm 2020, có xét đến năm 2030 với định hướng toàn tỉnh sẽ phát triển khoảng 975MW; Định hướng phát triển các nhà máy điện sinh khối theo Quy hoạch phát triển điện sinh khối vùng đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 với 03 nhà máy điện sinh khối.
Tính đến nay, tình hình phát triển năng lượng tái tạo đã đạt được những kết quả tích cực, với quy mô, tiến độ cơ bản sát với định hướng phát triển của tỉnh. Đơn cử, về điện gió, theo Quy hoạch, toàn tỉnh phát triển điện gió với tổng công suất tiềm năng là 1.470MW. Đến nay, UBND tỉnh đã cấp Quyết định chủ trương đầu tư cho 14 dự án với tổng công suất 695,2MW và đã khởi công 07 dự án tại vị trí số 1, 3, 5, 6, 7, 19, 20. Ngoài ra, tỉnh cũng đang trình Bộ Công Thương bổ sung quy hoạch điện lực 9 dự án, với tổng công suất 458MW và 01 dự án điện gió ngoài khơi Vĩnh Hải công suất 800MW.
Bên cạnh đó, theo Đề án phát triển điện mặt trời tỉnh Sóc Trăng giai đoạn đến năm 2020, có xét đến năm 2030, toàn tỉnh sẽ phát triển khoảng 975MWp. Đến nay, UBND tỉnh Sóc Trăng đã trình Bộ Công Thương bổ sung 06 dự án vào Quy hoạch phát triển điện lực, với tổng cộng suất 147MWp. Ngoài ra, Sở Công Thương cũng đã tham mưu UBND tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất tại Phân trường Thạnh Trị từ đất nông nghiệp sang đất năng lượng để làm cơ sở kêu gọi đầu tư dự án điện mặt trời kết hợp nông nghiệp với công suất 500 MWp.
Mặt khác, qua các hoạt động tuyên truyền, phổ biến về điện mặt trời áp mái, đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có trên 741 hộ dân, doanh nghiệp, cơ quan lắp điện mặt trời áp mái với tổng công suất trên 17,25MWp.
Về phát triển điện sinh khối, theo Quy hoạch phát triển điện sinh khối vùng đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (được Bộ Công Thương phê duyệt tại Quyết định số 9486/QĐ-BCT ngày 16/12/2013), Sóc Trăng được quy hoạch phát triển 03 nhà máy điện sinh khối; hiện có Nhà máy điện bã mía Sóc Trăng, công suất 12MW đã hoạt động với sản lượng điện 4,6 triệu kW/năm.
Định hướng phát triển năng lượng tái tạo thời gian tới
Ông Võ Văn Chiêu cho biết, trước mắt, với những dự án đã được phê duyệt, Sở Công Thương tập trung chỉ đạo thực hiện các giải pháp như: tiếp tục hỗ trợ nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án điện gió, điện mặt trời và các dự án phát triển lưới điện, với nguyên tắc đầu tư phát triển nguồn điện tương ứng với hệ thống phân phối điện, nhằm bảo đảm giải tỏa được công suất phát điện cho các dự án; tiếp tục phối hợp Sở, ngành và địa phương tăng cường kêu gọi, thu hút đầu tư phát triển hạ tầng nguồn điện và lưới điện theo định hướng phát triển hạ tầng năng lượng đồng bộ của tỉnh nói riêng và của quốc gia nói chung.
Về lâu dài, hiện nay Sở Công Thương đang rà soát, đánh giá tiềm năng phát triển điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối, nhất là phát triển điện gió ngoài khơi vùng biển tỉnh Sóc Trăng, qua đó làm cơ sở để tham mưu UBND tỉnh xây dựng Kế hoạch cụ thể hóa Chương trình hành động số 34-CTR/TU ngày /11/2020 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Ban chấp hành Trung ương Đảng về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045.
Dự báo, tổng công suất của các nguồn điện tại địa phương đến năm 2025 đạt khoảng 2.500MW - 3.000MW, sản lượng điện đạt khoảng 7 tỷ kW/h. Đến năm 2030 đạt khoảng 6.500MW - 7.000MW, sản lượng điện đạt khoảng 22 tỷ kW/h. Trong đó, tỷ lệ các nguồn năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng đạt khoảng 70% - 75% vào năm 2025 và khoảng 85% - 90% vào năm 2030.