Sôi động thị trường chuỗi café

Không chỉ xuất hiện ngày càng nhiều những thương hiệu chế biến, thị trường cà phê Việt Nam còn sôi động với những chuỗi cà phê trên khắp cả nước.

Đầu tháng 7/2018, Công ty Trung Nguyên International (King Coffee) bên cạnh các loại cà phê hòa tan, cà phê rang xay đã chính thức tham gia chuỗi cà phê King Coffee tại Gia Lai. Tiếp theo đó, quán cà phê thứ hai, thứ ba đã được mở tại TP.HCM.

Bà Lê Hoàng Diệp Thảo, Tổng giám đốc Công ty Trung Nguyên International cho rằng, quán cà phê King Coffee tại Gia Lai là một khởi đầu vững chắc cho chuỗi quán cà phê của Trung Nguyên International.Doanh nghiệpnày xây thương hiệu King Coffee với chiến lược chiếm lấy một chỗ đứng cho cà phê Việt Nam trên bản đồ cà phê thế giới.

Tại Việt Nam, các cụm từ "đi cà phê" hay "cà phê nhé!" được dùng không chỉ riêng cho việc uống cà phê mà còn mang ý nghĩa đặt một điểm hẹn để làm việc, chia sẻ và kết nối. Vì thế, nhu cầu về quán cà phê với vị trí, không gian đẹp, thiết kế bắt mắt rất được ưa thích. Bởi thế mà thị trường quán cà phê có sự tham gia của nhiều thương hiệu nước ngoài như Coffee Bean & Tea Leaf, Starbucks, McCafe, Highlands Coffee, Caffe Bene... Trong nước, các thương hiệu như Phúc Long, Urban Coffee Station, The Coffee House, Saigon Café... cũng mở rộng chuỗi.

Mặc dù được xem là rất tiềm năng nhưng kinh doanh chuỗi cà phê không hề dễ dàng. Theo bà Lê Hoàng Diệp Thảo, rất nhiều quán cà phê của các thương hiệu mở ra nhưng rồi phải đóng cửa cũng không ít. Sự đào thải của ngành này rất nhanh và rất lớn.

"Với Trung Nguyên trước đây, chúng tôi đã liên tục mở chuỗi quán theo hình thức nhượng quyền kinh doanh, có năm mở đến 500 quán. Tuy nhiên, sau đó phải tính toán lại và thu hẹp mô hình này", bà Lê Hoàng Diệp Thảo chia sẻ về kinh nghiệm 20 năm kinh doanh ngành cà phê.

Theo tính toán, chi phí đểđầu tưmột quán cà phê tại Việt Nam khá đắt. Theo lãnh đạo của PJs Coffee - thương hiệu cà phê Mỹ mới xuất hiện tại Việt Nam, chi phí đầu tư một quán khoảng 250.000 USD, trong đó, giá thuê mặt bằng tại TP.HCM cao gấp 2 - 3 lần ở New Orleans, Mỹ. Vì thế, giá thức uống phổ biến ở mức 50.000 - 100.000 đồng/ly.

Sự tham gia của nhiều thương hiệu lớn cộng với chi phí mặt bằng cao, cạnh tranh nhiều là những lý do để ông chủ Thị trấn PhinDeli (Mỹ) Phạm Đình Nguyên - Chủ tịch kiêm CEO PhinDeli chọn phân khúc cà phê take away (cà phê mang đi) làm điểm khác biệt và là thế mạnh bên cạnh cà phê rang xay. Hiện tại, PhinDeli đã phát triển hơn 2.000 điểm bán cà phê take away tại 40 tỉnh - thành.

"Nhờ đánh trúng nhu cầu có thực của khách hàng và lại tiện dụng cho cả người bán lẫn người mua nên cà phê mang đi phát triển nhanh chóng. Mỗi ngày, PhinDeli bán hơn 50.000 ly cà phê. Chúng tôi đang phát triển tốt mô hình này vì nhu cầu cà phê sạch mang đi là rất lớn. Ngày càng nhiều người ý thức được cà phê nhiều hóa chất, phụ gia ảnh hưởng đến sức khỏe. Vì thế mà nhiều chủ quán đề nghị mở nhượng quyền PhinDeli", ông Phạm Đình Nguyên cho biết.

Theo thống kê chưa đầy đủ, cả nước hiện có khoảng 20.000 quán cà phê lớn nhỏ và vẫn còn nhiều dư địa để phát triển. Trong đó thương hiệu Highlands đang sở hữu gần 150 quán tại nhiều tỉnh - thành, Starbucks có khoảng 30 quán, Trung Nguyên hơn 60 quán, The Coffee House 80 quán...

Chưa có chuỗi nào bày tỏ ý định dừng ở con số nhất định mà có kế hoạch đầu tư mở rộng. Chia sẻ với báo giới cách nay chưa lâu, Nguyễn Hải Ninh - nhà sáng lập kiêm CEO The Coffee House cho biết sẽ mở khoảng 700 quán trên khắp Việt Nam trong 5 năm tới, với tốc độ trung bình 10 quán mỗi tháng.

Theo kế hoạch, King Coffee sẽ mở 1.000 quán cà phê, trong có 800 quán theo hình thức cà phê mang đi và 200 quán lớn. Trong năm nay, King Coffee sẽ mở chuỗi quán ở 6 thành phố lớn và sau đó lan tỏa ra các nơi, cửa hàng cà phê mang đi sẽ ưu tiên phát triển tại thị trường TP.HCM.

Chia sẻ lý do mở rộng chuỗi quán cà phê bên cạnh hệ thống phân phối các loại cà phê rang xay và cà phê hòa tan, bà Lê Hoàng Diệp Thảo lý giải: "Trong khi mỗi người Mỹ dùng đến 11kg cà phê mỗi năm, người Nhật dùng 9kg cà phê thì Việt Nam, nước đứng thứ hai về xuất khẩu cà phê trên thế giới, bình quân mỗi người chỉ sử dụng 1,5kg cà phê mỗi năm. Có một nghịch lý ở nước ta là sử dụng cà phê thấp trong khi mỗi năm dùng đến 3 tỷ USD để uống bia. Chỉ số này đang ngược với các nước phát triển như Mỹ, Đức, Nhật Bản. Nếu gia tăng tỷ lệ tiêu thụ cà phê sẽ giúp cho cuộc sống giảm bớt căng thẳng, lại minh mẫn, sáng tạo".

Theo Doanh nhân Sài Gòn