Sống dậy nghề gốm Chu Đậu

Gần đây, người dân Thủ đô, khách thập phương có dịp chứng kiến một vệt dài những hình ảnh, hoa văn rất đặc trưng của các sản phẩm đồ gốm cổ Chu Đậu (Hải Dương) được gắn trên bức tượng bê tông của "Con

Đây là việc làm thiết thực chào mừng Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, là những thông điệp văn hóa tôn vinh hồn cốt Việt… Nhưng, ít ai biết, những sản phẩm ấy là kết quả của một quá trình tìm kiếm, khôi phục nghề xưa của Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) tại đất Chu Đậu một thời sáng danh trên thị trường quốc tế… 

Khôi phục nghề gốm cổ truyền 

Trong quá trình tìm hướng mở rộng sản xuất - kinh doanh (SXKD), ban lãnh đạo Hapro đã phát hiện và quyết tâm khôi phục nghề làm gốm cổ truyền ở Chu Đậu - từng là nơi phát tích của nghề gốm Bắc bộ xưa. Dự án xây dựng Xí nghiệp (XN) Gốm Chu Đậu được tiếp sức, củng cố lòng tin rất nhiều từ thông tin gốm Chu Đậu cổ đã có mặt ở 46 bảo tàng danh tiếng của nhiều quốc gia. Riêng một chiếc bình Chu Đậu cổ hiện trưng bày ở Thổ Nhĩ Kỳ đã được bảo hiểm hàng triệu USD, cho thấy giá trị văn hóa và nghệ thuật của dòng gốm này. 

Mấy năm gần đây, thị trường trong, ngoài nước đã biết đến sản phẩm do XN Gốm Chu Đậu sản xuất. Từ XN này, những chiếc bình, lọ, bát, ang, tượng... được xuất khẩu (XK) đều đặn hằng tháng đi các nơi. Giá trị gốm Chu Đậu được khẳng định rõ hơn khi tìm thấy những mẫu gốm trên thuyền đắm ngoài khơi Cù Lao Chàm và đã có bình gốm cổ được đấu giá 521.000 USD ở Mỹ. Đó cũng là lý do để XN gốm này đi lên từ giá trị lịch sử. Cách đây 6 năm, Hapro đã tìm hiểu truyền thống làm gốm của vùng quê Nam Sách (Hải Dương) và quyết định đầu tư xây dựng XN gốm. Đây thực chất là việc phục hồi lịch sử, bởi nghề làm gốm ở đây đã phát triển và đạt đến mức cực thịnh trong giai đoạn thế kỷ XIII-XVII, nhưng sau đó thất truyền. Ông Nguyễn Văn Lưu, Giám đốc XN cho biết, xây dựng cơ sở sản xuất tại đây có nhiều lợi thế, vì địa phương chính là gốc nghề, nhà đầu tư tận dụng được thương hiệu đã được biết đến trên thị trường gốm thế giới. Mặt khác, đất, cao lanh nguyên liệu sản xuất cũng có sẵn quanh khu vực, thuận tiện cho việc vận chuyển. Quá trình làm gốm của XN cũng lắm công phu, từ nghiên cứu phục hồi mẫu mã gốm cổ, xây dựng nhà xưởng. Song khó khăn nhất vẫn là yếu tố con người vì không thể có ngay nguồn nhân lực thạo nghề. XN đã cử người đến những vùng sản xuất gốm như Đông Triều, Bình Dương, mời thợ cả, nghệ nhân về làm nòng cốt cho hoạt động sản xuất. Hàng loạt công nhân trẻ tuyển dụng ở địa phương được gửi đi học nghề, sau đó được bổ túc, nâng cao tay nghề trước khi khởi động dây chuyền sản xuất... Cuối cùng cũng đến ngày khai lò, ra mắt thị trường sản phẩm gốm mang tên Chu Đậu truyền thống và tiếp đến là đợt xuất khẩu lô hàng đầu tiên. Miền đất quê, dòng sông yên ả đã "cựa" mình, nghề cũ sống dậy, không phụ lòng người để tạo ra những sản phẩm có giá trị, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người dân địa phương. Hơn thế, cái được về văn hóa, về sự gợi mở và khẳng định truyền thống, hình thành thương hiệu cho quê hương, cho các loại sản phẩm mang dòng chữ "Hapro" còn to lớn, giàu ý nghĩa hơn, không thể quy đổi bằng vật chất… 

Tiếng lành đồn xa... 

Hiện tại, mỗi tháng XN xuất khẩu trung bình 4 côngtennơ hàng sang thị trường Nga, Nhật Bản, Đông Âu... trị giá vài chục nghìn USD. Ông Lưu cho biết, sản phẩm làm ra không đủ đáp ứng các đơn hàng. XN cũng đầu tư xây dựng một khu nhà trưng bày nhiều mẫu sản phẩm mới và các mẫu, mảnh sản phẩm gốm cổ mới tìm thấy những năm gần đây, làm nên một cách tiếp thị độc đáo. Nhờ SXKD có hiệu quả, XN thu hút hơn 300 lao động quanh vùng, với thu nhập trung bình 500.000 - 700.000 đồng/người/tháng. Về lâu dài, XN chưa đủ sức sản xuất đủ số lượng theo hợp đồng XK nên đã hợp tác, chuyển giao công nghệ và trợ giúp đào tạo nghề cho nhân dân địa phương. Chủ trương này được chính quyền và bà con ủng hộ. XN đứng ra làm đầu mối, thiết kế và ký kết hợp đồng XK, sau đó phân bổ cho các hộ gia đình gia công. Như vậy, XN, hộ gia đình và địa phương đều được lợi và phát triển ổn định, góp phần tạo việc làm cũng như nâng cao mức thu nhập cho người dân sở tại. Đáng chú ý, sản lượng hàng làm ra đang có xu hướng gia tăng, nhất là sự đa dạng về chủng loại, mẫu mã thông qua sự kết hợp khéo léo giữa mẫu cổ với sự sáng tạo, thiết kế mẫu mới theo yêu cầu của thị trường. 

Chuyện làm ăn, cơ hội XK đôi khi xuất hiện tình cờ như một "cái duyên". Mới đây, một doanh nhân Nhật Bản tìm đến XN, mang theo 3 mẫu sản phẩm gốm Chu Đậu cổ và đặt làm 10.000 sản phẩm tương tự. Đã có nhiều trường hợp như vậy, với tần suất ngày một dày thêm, báo hiệu sự ổn định, ăn nên làm ra của một cơ sở làm hàng thủ công truyền thống. Hằng ngày, những tốp thợ vẫn vào ca; phòng trưng bày sản phẩm của Hapro bên hồ Hoàn Kiếm đầy ắp những giá trị lịch sử. XN Gốm Chu Đậu ở Nam Sách, Hải Dương vẫn đón thêm nhiều vị khách du lịch, thương gia đến chiêm ngưỡng, đặt các loại hàng gốm truyền thống đậm chất Việt. Ấy là niềm tự hào, là hành trang để hướng về tương lai, giúp Hapro bền chí, giữ cho hồng mãi ngọn lửa lò…

  • Tags: