Sử dụng đất sau khai thác mỏ thân thiện với môi trường - Hướng đi mới với các mỏ than Quảng Ninh

Diện mạo vùng than Quảng Ninh trong những năm gần đây đã có nhiều thay đổi. Nhiều công trình văn hóa, kiến trúc mới mọc lên. Hệ thống giao thông đã được cải tạo và mở rộng.

Môi trường sống của thợ mỏ và cộng đồng dân cư đã được cải thiện hơn trước rất nhiều, thể hiện những cố gắng và ý chí bền bỉ của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) trong việc thực hiện chiến lược sản xuất than phải thân thiện với môi trường.

Nhưng làm thế nào để tái sử dụng lại đất các mỏ than sau khi dừng khai thác để có lợi cho cộng đồng, góp phần vào phát triển kinh tế, xã hội và phù hợp với môi trường của một vùng du lịch giàu tiềm năng? Đây là một câu hỏi trăn trở từ lâu của lãnh đạo TKV để chuẩn bị cho giai đoạn hậu sản xuất than của các mỏ tại Quảng Ninh.

Để thực hiện mục tiêu đó, được sự tài trợ của Bộ Liên bang về Giáo dục và Nghiên cứu CHLB Đức (BMBF), TKV đã hợp tác với Hiệp hội Nghiên cứu Khai thác mỏ và Môi trường tại Việt Nam (RAME) xây dựng và thực hiện một dự án về phương pháp luận qui hoạch sử dụng đất sau khai thác, thử nghiệm áp dụng cho 3 mỏ khai thác lộ thiên lớn tại TP. Hạ Long là Hà Tu, Núi Béo, Suối Lại được khởi đầu từ năm 2011. Đây là một trong chuỗi 7 dự án trong chương trình hợp tác TKV - RAME về môi trường, bắt đầu từ năm 2005 và kết thúc vào năm 2015.

Mục tiêu của dự án là xây dựng qui hoạch sử dụng đất sau khai thác thân thiện với môi trường được tích hợp cho 3 mỏ này sau khi các mỏ dừng khai thác vào giai đoạn từ năm 2020 với mục tiêu chuyển đổi mục đích sử dụng các vùng đất mỏ thành một quần thể các công trình thể thao, văn hóa, du lịch, bảo tàng, giáo dục ngành nghề và truyền thống phục vụ cộng đồng dân cư và thợ mỏ, phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ninh và của TP. Hạ Long giai đoạn 2020 - 2030, đáp ứng được yêu cầu về tiêu chuẩn bảo vệ môi trường khắt khe theo tiêu chí của một thành phố du lịch được hoạch định trong qui hoạch bảo vệ môi trường của tỉnh Quảng Ninh và hài hòa với cảnh quan của vùng vịnh Hạ Long, một cảnh quan thiên nhiên đã hai lần được UNESCO công nhận là Di sản thế giới.

Với mục tiêu trên, các chuyên gia của RAME sẽ cùng các chuyên gia của Công ty CP Tin học, Công nghệ, Môi trường - Vinacomin, đơn vị được TKV giao nhiệm vụ phối hợp với RAME thực hiện dự án này, xây dựng phương pháp luận cho việc qui hoạch sử dụng đất sau khai thác mỏ, một lĩnh vực công nghệ chưa từng được thực hiện trong lĩnh vực khai thác than nói riêng và khai khoáng ở Việt Nam nói chung cho đến nay phù hợp với điều kiện Việt Nam (khí hậu, kinh nghiệm, thói quen, hệ thống pháp lý, khả năng tài chính...) và chuyển giao công nghệ đó cho TKV để áp dụng cho các mỏ/khu vực khai thác than khác. Nét mới trong phương pháp tiến hành là các chuyên gia Đức rất hạn chế truyền đạt về lý thuyết mà chuyên gia hai bên cùng tiến hành xây dựng một dự án thử nghiệm cụ thể cho 3 mỏ lộ thiên ở TP. Hạ Long và thực hiện đào tạo, chuyển giao công nghệ thông qua việc xây dựng dự án thử nghiệm này.

Dự án sẽ lấy bãi thải Chính Bắc thuộc mỏ than Núi Béo làm trung tâm. Trên bề mặt bãi thải ở độ cao 256m so với mực nước biển sẽ qui hoạch các công trình công viên và khu vui chơi cho trẻ em, rừng, đường đi bộ và xe đạp vòng quanh bề mặt bãi thải, các sân gôn mini, các vọng ngắm cảnh quan vịnh Hạ Long và các công trình mỏ, khu cắm trại, nhà nghỉ. Các bãi thải, khai trường của các mỏ xung quanh nằm trong phạm vi dự án như bãi thải Nam Lộ Phong, bãi thải và khai trường Bắc Bàng Danh (mỏ than Hà Tu), các bãi thải và moong khai thác của mỏ than Núi Béo, các bãi thải và khai trường của mỏ than Suối Lại sẽ được cải tạo và qui hoạch thành các khu trồng rừng, hồ nước, nhà ở và các công trình dịch vụ du lịch. Một khu vực bãi thải được giữ lại nguyên trạng cùng với một khai trường được xây dựng thành một bảo tàng mỏ sẽ trở thành điểm tham quan du lịch, đồng thời sẽ là nơi giáo dục ngành nghề và truyền thống cho thế hệ trẻ và các thế hệ thợ mỏ tương lai. Để giải quyết vấn đề giảm thiểu tác động do khai thác than và tạo cảnh quan môi trường cho các khu dân cư nằm sát ranh giới khai trường, dự án sẽ xác định và xây dựng các vùng đệm giữa khu dân cư và ranh giới mỏ, chủ yếu bằng các hàng rào cây xanh. Với vùng đệm này, chất lượng môi trường không khí và cảnh quan của các khu dân cư nằm sát khai trường hoặc ranh giới mỏ sẽ được cải thiện. Một điểm hấp dẫn nữa của dự án là một sân gôn 27 lỗ trên bề mặt bãi thải trong vỉa 16 mỏ Núi Béo sau khi hoàn thổ cũng đã được các chuyên gia đưa vào qui hoạch. Để đảm bảo sự ổn định và bền vững của các vùng đất được quy hoạch sử dụng sau này, một loạt vấn đề kỹ thuật sẽ được nghiên cứu để có giải pháp xử lý như ổn định mắt và sườn bãi thải, quản lý nước mặt và nước ngầm trong bãi thải, kỹ thuật phủ xanh bãi thải. Đồng thời, dự án cũng sẽ phải giải quyết hàng loạt vấn đề xung đột giữa ô nhiễm môi trường các vùng khai thác than hiện tại với cải thiện môi trường không khí và hệ thống thủy văn trong vùng, nhu cầu sử dụng đất làm bãi thải với phát triển các khu dân cư và hạ tầng, yêu cầu phủ xanh và đa dạng sinh học với đặc điểm đất cạn kiệt dinh dưỡng trên các bãi thải.

Hạ tuần tháng 3 vừa qua, các chuyên gia RAME và Công ty CP Tin học, Công nghệ, Môi trường - Vinacomin đã tổ chức một hội thảo tại TP. Hạ Long để sơ bộ trình bày ý tưởng trước lãnh đạo và các cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Ninh, TP. Hạ Long, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam và các mỏ trong vùng, đồng thời lấy ý kiến của các cơ quan trên để hoàn chỉnh ý tưởng.